Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết trong hành trình xóa nhà tạm ở Lạng Sơn
Tỉnh Lạng Sơn đang triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm hoàn thành trước thời hạn trong năm 2025. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này.
Thưa ông, xin ông đánh giá về kết quả của việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương thời gian qua?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Thư ngỏ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực cho chương trình. Cùng với đó, tỉnh vận động cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân đóng góp cho Quỹ "Vì người nghèo" và các chương trình an sinh xã hội.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Lạng Sơn.
Ban Thường trực cũng gửi văn bản trực tiếp tới các doanh nghiệp lớn, tập đoàn trung ương, các tổ chức nhân đạo từ thiện, để vận động hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết và tặng quà Tết cho người nghèo. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Một số địa phương triển khai tích cực, có nhiều mô hình hay trong huy động nguồn lực như các huyện Lộc Bình, Văn Lãng, Chi Lăng…

Ông Hoàng Văn Ngụ, thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạc Sơn, được bàn giao theo hình thức chìa khóa trao tay ngôi nhà mới do Tập đoàn VNPT hỗ trợ.
Theo thống kê, tỉnh có hơn 4.400 nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, tỉnh đã xóa được hơn 1.000 căn nhà tạm. Dự kiến, Lạng Sơn sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.
Thực tế triển khai tại các địa phương thời gian qua, ông thấy còn những khó khăn như thế nào? Ông có đề xuất kiến nghị gì để kịp hoàn thành xóa nhà tạm trong năm nay, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất với tỉnh Lạng Sơn là số lượng nhà cần hỗ trợ lớn, đòi hỏi nguồn lực huy động nhiều cả về tài chính lẫn nhân lực. Nhiều xã vùng III còn gặp khó khăn về giao thông, ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật liệu xây dựng. Một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, khiến quá trình triển khai bị kéo dài.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, ngành chức năng và sự ủng hộ của nhân dân, việc triển khai chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng nghìn hộ dân đã được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, giúp ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Các căn nhà được bàn giao đều đảm bảo bền đẹp, kiên cố, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.
Vấn đề nhiều người quan tâm là quản lý nguồn tiền huy động đến đúng địa chỉ. MTTQ tỉnh có giải pháp nào để thực hiện việc này, thưa ông?
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, quản lý kinh phí tài trợ cho chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”; hướng dẫn Ban Thường trực MTTQ các huyện, thành phố phối hợp với UBND và các ngành chức năng khảo sát, phân loại, lập danh sách hộ dân có nhà ở thiếu kiên cố hoặc tạm bợ, từ đó triển khai hỗ trợ đúng đối tượng.

Ngôi nhà bà Phan Thị Đào tại khối 9, thị trấn Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đang được hoàn thiện theo chương trình xóa nhà tạm.
Tỷ lệ hộ nghèo không thể tự xây dựng nhà vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Với những trường hợp đặc biệt này, địa phương sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp về vật liệu, lực lượng đoàn thể giúp xây dựng, bố trí nguồn vốn hỗ trợ cao hơn hoặc phối hợp lồng ghép từ nhiều chương trình...
Xin trân trọng cảm ơn ông!