Lan tỏa thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một trong những cuộc vận động do ủy ban MTTQ phát động, được các cấp, ngành triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng dần thay đổi thói quen và tin dùng hàng Việt nhiều hơn.

Bà Lê Thị Kim Ngân, chủ hộ sản xuất nước mắm truyền thống Ngân Mỹ Á ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) giới thiệu sản phẩm đến đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh: THÚY HẰNG

Bà Lê Thị Kim Ngân, chủ hộ sản xuất nước mắm truyền thống Ngân Mỹ Á ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) giới thiệu sản phẩm đến đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh: THÚY HẰNG

Đưa sn phm tim năng, thế mnh đến ngưi tiêu dùng

“Nước mắm truyền thống Ngân Mỹ Á ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) vừa được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024. Từ một sản phẩm chỉ tiêu thụ loanh quanh trong tỉnh, nay nước mắm Ngân Mỹ Á được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, với bình quân 200 lít nước mắm/ngày, gấp đôi so với trước”, vợ chồng ông Trình Văn Gấm, bà Lê Thị Kim Ngân phấn khởi cho biết như vậy khi đoàn kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) do Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam làm trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn đến tham quan hộ kinh doanh này.

Có được kết quả này, theo ông Trình Văn Gấm là nhờ cơ sở tích cực tham gia các chương trình, các hội chợ quảng bá hàng Việt Nam, các kênh bán hàng đặc sản của địa phương để tăng khả năng tiếp cận và tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về CVĐ từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất.

“Chẳng hạn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chúng tôi phải nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm của người dân từ giá cả, mẫu mã đến chất lượng sản phẩm... để từ đó cho ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng từng phân khúc mà thị trường cần. Người này dùng thấy ngon, hợp túi tiền thì giới thiệu cho người kia, cứ như thế nước mắm truyền thống Ngân Mỹ Á ngày càng lan tỏa là như vậy”, ông Gấm nói.

Cũng với cách làm này, tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản - thực phẩm Hùng Miên ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) của vợ chồng chị Võ Thị Thanh Truyền và anh Nguyễn Duy Hùng đã thu hút được một lượng khách nhất định. Chị Truyền cho biết: Sản phẩm chính của gia đình là gà ủ muối. Bình quân mỗi tháng, gia đình chị cung cấp 500-600 con gà cho các siêu thị trên địa bàn tỉnh và thị trường ngoài tỉnh như Khánh Hòa, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh...

“Để có kết quả này, hơn 3 năm qua, tôi không ngừng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm do các sở, ban ngành tổ chức. Tuy nhiên, trăm nghe không bằng mắt thấy, nên tôi xây dựng thêm điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản - thực phẩm này để nhiều người không chỉ được mua sắm gà ủ muối của gia đình tôi, mà tôi còn kết hợp bán các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành khác trong cả nước để lan tỏa thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt ở các địa phương”, chị Truyền chia sẻ.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Toàn tỉnh hiện có 286 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch điện tử. Có thể thấy, hiệu ứng tích cực từ CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức trong tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung, tạo điều kiện để sản phẩm mang thương hiệu Việt phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu.

Tiếp tc đy mnh tuyên truyn

Qua kiểm tra việc thực hiện CVĐ tại TP Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Sông Hinh do Ủy ban MTTQ tỉnh tiến hành cho thấy, việc triển khai CVĐ luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể quan tâm thực hiện. Hiện nay, tỉ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi ở các địa phương này chiếm trên 80%. Các trung tâm thương mại, cửa hàng… đều nỗ lực phân phối hàng Việt Nam, các sản phẩm OCOP của địa phương và một số tỉnh bạn.

CVĐ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Các địa phương cũng đã tích cực giới thiệu và hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thế mạnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ nông dân trên địa bàn từng bước xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia hưởng ứng, góp phần thực hiện có hiệu quả CVĐ. Đồng thời lồng ghép việc thực hiện CVĐ với các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động cao điểm của các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngành chức năng có liên quan cũng thực hiện các chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hóa trong nước; xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vận động các siêu thị, cửa hàng tiện ích tổ chức các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng để thu hút người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng.

CVĐ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/321871/lan-toa-thuong-hieu-hang-hoa-san-pham-viet.html
Zalo