Lan tỏa tầm nhìn, chủ động kiến tạo tương lai

Nửa chặng đường của Năm Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2025 do Malaysia đảm nhiệm đã chứng kiến nhiều bước chuyển đáng kể về tư duy và hành động trong nội khối, với những nỗ lực hướng đến một Cộng đồng bao trùm và bền vững. Trong nỗ lực chung của toàn khối, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần định hình tương lai khu vực và lan tỏa giá trị đoàn kết, tự cường của ASEAN.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/7, tại Malaysia. Ảnh: BERNAMA

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/7, tại Malaysia. Ảnh: BERNAMA

Định hình tương lai từ tư duy đoàn kết và đổi mới

Trong bối cảnh thế giới ngày càng phân mảnh và khó đoán định, đồng thuận nội khối không đồng nghĩa với sự an toàn thụ động, mà đòi hỏi các quốc gia thành viên phải dấn thân, dám đổi mới và hành động vì lợi ích tập thể. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh tại Ban Thư ký ASEAN rằng: “Đồng thuận, đoàn kết không có ý nghĩa là luôn giữ mình trong vùng an toàn. Ngược lại, các thành viên trong gia đình ASEAN phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Đó mới chính là ý nghĩa và giá trị thực sự của đồng thuận và đoàn kết”.

Những biến động sâu sắc vừa mở ra cơ hội mới, vừa đặt ra các thách thức chưa từng có tiền lệ đối với trật tự toàn cầu và vai trò trung tâm của ASEAN. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - Chủ tịch ASEAN 2025 gọi đây là những “điểm uốn” địa chính trị, trong khi Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn mô tả đó là các “đường đứt gãy” không ngừng dịch chuyển.

Trước những biến động ấy, ASEAN không chọn đứng bên lề. Ngược lại, khối càng chứng tỏ bản lĩnh vượt khó, năng lực thích ứng và tinh thần tự cường. Biểu tượng “bó lúa vàng” ASEAN không chỉ thể hiện sự đoàn kết bằng khẩu hiệu, mà được cụ thể hóa qua các kết quả hợp tác, nổi bật là những quyết sách chiến lược tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị liên quan.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí ký Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta” và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, với 4 trụ cột chiến lược về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối. Đây không chỉ là cột mốc mang tính biểu tượng, mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt chủ động của ASEAN trong kiến tạo tương lai khu vực - một tương lai hướng đến hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng bền vững.

Nhìn nhận về dấu mốc lịch sử này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sẽ là khuôn khổ để khối cùng hành động, thích ứng và vươn tầm phát triển. “ASEAN cần củng cố tự chủ và tự cường, đặc biệt là tự cường kinh tế, để chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cần theo đuổi cách tiếp cận nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm theo ưu tiên chiến lược dài hạn của ASEAN” - Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu.

Trong tuần này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM 58) diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia và là điểm nhấn quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 47, nhất là trong bối cảnh ASEAN bước vào giai đoạn hoàn thiện các ưu tiên chiến lược của năm 2025. Với tinh thần hành động mạnh mẽ, các Bộ trưởng Ngoại giao đã tập trung thúc đẩy triển khai kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, trong đó có việc sớm đưa các sáng kiến như Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, mạng lưới điện ASEAN, trung hòa carbon... vào thực tiễn nhằm tận dụng các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta” tại hội nghị cấp cao trước đó là bước ngoặt quan trọng trong tư duy phát triển của khu vực.

Trong thời gian qua, không chỉ dừng lại ở các quyết sách dài hạn, ASEAN còn thể hiện tinh thần bao trùm và kết nối khi quyết định kết nạp Timor-Leste làm thành viên thứ 11. Việc này mở ra không gian hợp tác mới, tạo điều kiện để mở rộng mô hình phát triển ASEAN đến những quốc gia còn nhiều tiềm năng phát triển. Đồng thời, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết khu vực và liên khu vực, điển hình là Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và ASEAN - GCC - Trung Quốc gần đây.

Những kết quả vừa đạt được không chỉ là bước tiến về mặt kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa lịch sử trong hành trình định hình bản sắc ASEAN. Những yếu tố này đã tiếp tục khẳng định, chính tinh thần đoàn kết, tự cường và gắn bó trong đa dạng là nền tảng vững chắc để ASEAN vượt qua sóng gió, củng cố vai trò trung tâm và duy trì đà phát triển.

Một góc cảng Singapore - cảng biển lớn nhất trong ASEAN. Ảnh: PINIMG

Một góc cảng Singapore - cảng biển lớn nhất trong ASEAN. Ảnh: PINIMG

Việt Nam trên hành trình trở thành “nòng cốt” của ASEAN

Những ngày tháng 7 này ghi dấu mốc tròn 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Từ một quốc gia mới hội nhập khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên tích cực, đóng góp không ngừng nghỉ vào các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội của ASEAN. Trong hành trình 3 thập kỷ, Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và tự cường. Sự trưởng thành của Việt Nam song hành với sự lớn mạnh của ASEAN, khẳng định vị thế là một trụ cột trong nội khối.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò chủ động và tinh thần trách nhiệm cao trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, với hàng loạt đề xuất mang tính thiết thực và đột phá. Tại AMM 58, Việt Nam cùng các nước thành viên thúc đẩy tư duy phát triển mới, lấy bao trùm và bền vững làm trụ cột xuyên suốt. Thông điệp “5 hơn” (Đoàn kết hơn, tự cường hơn, chủ động hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn) của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được các đối tác và nội khối đánh giá cao, trở thành nền tảng tư duy toàn diện cho ASEAN trong việc củng cố sức mạnh tập thể, nâng cao khả năng thích ứng và bảo đảm phát triển hài hòa cho cả hiện tại lẫn tương lai.

Trước đó, tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 diễn ra vào đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn câu tục ngữ quen thuộc của Việt Nam: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”... Thông điệp này tiếp tục khơi dậy tình đoàn kết, quyết tâm “vượt khó” của ASEAN; thách thức chính là động lực cho sự đổi mới của Hiệp hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp tục truyền cảm hứng cho hợp tác ASEAN thông qua các sáng kiến cụ thể trong những lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, hạ tầng bền vững, công nghệ xanh, hàng không, du lịch và đặc biệt là phát triển mạng lưới kết nối tài chính giữa các trung tâm lớn trong khu vực. Những đề xuất này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mà còn mở ra bệ phóng cho các mô hình hợp tác liên khu vực trong tương lai. Với cách tiếp cận đổi mới, linh hoạt và thực chất, Việt Nam đang từng bước lan tỏa tư duy hành động vì một ASEAN phát triển bền vững, lấy ổn định và kết nối làm nền tảng.

Trên chặng đường 58 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã hiện thực hóa khát vọng về một cộng đồng hài hòa - nơi “sông núi không còn ngăn cách mà gắn kết chúng ta trong hợp tác và hữu nghị”. Việt Nam tự hào đã có 30 năm đồng hành và góp phần kiến tạo hành trình ấy. Trên thực tế, Việt Nam đang không ngừng nỗ lực tạo ra những minh chứng rõ nét cho cam kết tiếp tục vun đắp những giá trị cốt lõi của ASEAN - đoàn kết, tự cường và phát triển vì lợi ích của cả khu vực.n

Hồng Nhung

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-tam-nhin-chu-dong-kien-tao-tuong-lai-post492227.html
Zalo