Khẩn trương thi công đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ)

Để nâng cao năng lực cung ứng điện cho các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, ngay sau khi hoàn thành đường dây 500 KV mạch III: Quảng Trạch (Quảng Bình) - phố Nối (Hưng Yên) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Dự án đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ), nhằm giải tỏa công suất từ các dự án thủy điện ở các tỉnh Tây Bắc, nâng cao khả năng truyền tải, đáp ứng đủ điều điện cho phát triển công nghiệp của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ.

Sau gần 4 tháng triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đóng điện trong dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Đặc thù của các đường dây cao thế (220KV-500KV) là đi trên các dãy núi cao, có địa hình phức tạp. Ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban quản lý Điện 1 (chủ đầu tư dự án cho biết): “Địa bàn vùng miền núi Tây Bắc có kết cấu hết sức phức tạp. Núi đồi có độ dốc cao. Phần lớn đất đai bề mặt là đất sét, không có kết cấu bền vững, chỉ cần một cơn mưa là lại sụt lún; để lộ ra những khoảng sụt lún rộng hàng chục, hàng trăm m2. Vừa tiến hành bồi đắp, gia cố xong gặp mưa lại bị sụt lún, để lại hậu quả như ban đầu, gây ảnh hưởng nặng nề cho công tác vận chuyển nguyên vật liệu lên các điểm cao, nơi xây lắp cột điện”.

Một vị trí thi công tại Lục Yên.

Một vị trí thi công tại Lục Yên.

Đến các công trình ở vị trí 93, 130, 140 trên trục Lào Cai thuộc các xã Thượng Lâm, Lục Yên, chúng tôi trực tiếp cảm nhận những khó khăn đã và đang trực chờ các mũi thi công của các nhà thầu. Đường lên vị trí cột móng 140 thuộc thôn Nà Khà, xã Lục Yên là một con đường nhỏ, độc đạo, chỉ rộng chừng hơn 2m đủ cho một ô tô tải hoặc xe bánh xích bò lên. Đất đai nát bét, nham nhở một màu đỏ bazan.

Từ chân đồi leo lên phải mất gần 2 giờ đồng hồ. Người dân nơi đây đã hiến đất vườn để ban quản lý làm đường tạm cho xe chở nguyên vật liệu lên. Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Đội trưởng thi công thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 ( Quân khu 2) cho biết: “Đơn vị có nhiệm vụ tăng cường, hỗ trợ làm đường và vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu lên chân cột 140, cán bộ, chiến sĩ tập kết đồn trú tại nhà người dân, ăn ở và thi công tại chỗ. Ông Văn Minh Tâm, chỉ huy điều hành gói thầu của công ty Hùng An cho biết thêm: “Thi công trong điều kiện thiếu thốn, thiếu đủ thứ; ngay cả nước uống cho anh em công nhân cũng phải gùi lên từng can, từng can một”.

Trong cái nắng nóng lên tới 45 độ C trên công trường, nhiều anh em trong đoàn báo chí chỉ ra gặp, trao đổi, phỏng vấn khoảng 15-20 phút lại phải chạy ngay vào trong xe ô tô (để tránh nắng).

 Dự án đường dây 500 KV Lào Cai-Vĩnh Yên.

Dự án đường dây 500 KV Lào Cai-Vĩnh Yên.

Đồng chí Bùi Quang Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH xây lắp điện 4 mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt đen sạm, chia sẻ với anh em chúng tôi: “Đã 3 tháng, anh em cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) công ty lăn lộn trên công trường, Khó khăn là thế, nhưng đã thầm hứa, cam kết phải thành công, nên anh em chúng tôi tranh thủ từng giờ để đẩy nhanh tiến độ. Câu ngạn ngữ “Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái” chính là ở nơi đây. Vì như lời Thủ tướng nói “Vượt nắng, thắng mưa, vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão” chính là ngay trên công trường này. Đi dọc tuyến đường dây, một không khí thi đua sôi nổi như công trình đường dây 500KV mạch 3 đang tái hiện trước mắt chúng tôi: Chỉ bàn làm, không bàn lùi, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm tăng ca, xuyên kíp, xuyên ngày nghỉ lễ, quyết tâm cao nhất cho ngày đóng điện.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Bài học đoàn kết - nội lực- quyết tâm trong quá trình đấu tranh, xây dựng đất nước lại một lần nữa thể hiện trên công trình xây dựng đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ).

Bộ đội Quân khu 2 làm đường cho xe chuyển vật liệu làm cột điện lên núi.

Bộ đội Quân khu 2 làm đường cho xe chuyển vật liệu làm cột điện lên núi.

Được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban. ngành liên quan, dự án đã được xây dựng, thẩm định, trình và quyết định đầu tư trong thời gian ngắn nhất. Chỉ sau 3 tháng, ngày 26-10-2024, tại quyết định 1274-QĐ/TTG, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 7.410 tỷ đồng. Dự án có chiều dài hơn 300km.

Ông Trương Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện Quốc gia và đặc phái viên của Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An tại công trình cho biết: “Đây là dự án đặc biệt quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia, nhằm giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và dự phòng truyền tải điện mua từ nước bạn, bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia; cung ứng đủ điện cho nền kinh tế; đặc biệt cho sự phát triển các khu công nghiệp khu vực các tỉnh miền Bắc nói chung. Dự án đã được Thủ tướng phát lệnh khởi công vào ngày 16-3-2025, yêu cầu hoàn thành vào ngày 19-8-2025, nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Dự án đã đi qua 31 xã thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai - Yên Bái (cũ); 18 xã thuộc Vĩnh Phúc (cũ) và Phú Thọ.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng luôn là công tác khó khăn phải hoàn thành, đi trước để tạo đà cho các công tác tiếp theo, lãnh đạo địa phương (4 tỉnh trước đây), Lào Cai, Phú Thọ hiện nay đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo thực hiện, kết quả 100% số xã đã tổ chức họp bàn thảo luận với các hộ dân, để nhân dân hiểu, nắm được mục tiêu của dự án.

Địa bàn các xã có khó khăn, cấp ủy chính quyền địa phương có mặt, vào cuộc cùng các tổ công tác. Đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh đến với dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cùng chủ đầu tư và EVN giải quyết uyển chuyển, thỏa đáng các quyền lợi, yêu cầu của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai (cũ) đã bàn giao 100% mặt bằng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua.

Cột cao 130m, nặng 151 tấn ở Việt Trì (Phú Thọ).

Cột cao 130m, nặng 151 tấn ở Việt Trì (Phú Thọ).

Có một thuận lợi là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trước đây - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ hiện nay là một người am hiểu công việc; có kinh nghiệm trong công tác tổ chức giải phóng mặt bằng. Đồng chí Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ hiện nay cũng là người năng động, sáng tạo; luôn sâu sát cơ sở, có những chỉ đạo kịp thời đến từng xã, từng tổ công tác. Trong cuộc giao ban tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng chí Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Trong lúc chúng ta đang bận rộn với sáp nhập, xây dựng chính quyền 2 cấp, nhưng nhiệm vụ chính trị của chúng ta là tạo sự đồng thuận cao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng; thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ “Phải rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc và bộ máy vận hành trơn tru, đến nay 100% số xã có đường dây đi qua đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Cách làm quyết liệt, có giám sát, có báo cáo, có kiểm tra và vận hành cơ chế "vướng đến đâu, gỡ đến đấy", 2 ngày họp một lần đã mang đến kết quả ngoài mong đợi trên công trình 500 kv Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ).

Đẩy nhanh tiến độ xây lắp

Đã lường hết những khó khăn của dự án đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã sớm phê duyệt dự án, giao Ban quản lý dự án điện I (đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, triển khai các dự án trọng điểm quốc gia) làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó tập đoàn cũng tăng cường những cán bộ trẻ nhiệt huyết, có trình độ, năng lực tăng cường cho công trình. “Ban quản lý dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, các bước như: Nhận bàn giao mặt bằng, tư vấn, thiết kế, tổ chức mở thầu theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án điện I chia sẻ thêm.

Khí thế "vượt nắng-thắng mưa" trên công trường.

Khí thế "vượt nắng-thắng mưa" trên công trường.

Đến nay, đá, xi măng, sắt thép lên đến gần 100 nghìn tấn đã tập kết đến tận chân công trình (các cột móng). Các nhà thầu đã tranh thủ tối đa những ngày không mưa để vận chuyển vật tư nguyên liệu lên các vị trí dựng cột.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 2 để tăng cường nhân lực cho công tác làm đường, làm trạm tập kết. Ngoài 2.000 CB-CNV của ngành điện và các nhà thầu, hiện có gần 400 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đang túc trực trên công trường, sẵn sàng tham gia ứng cứu xe cho nguyên vật liệu qua đèo cao, vực sâu, tập kết hàng trăm tấn vật tư nguyên liệu lên từng vị trí cột điện.

Đồng chí Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết: “Thời gian đóng điện và đưa công trình về đích không còn nhiều, EVN quán triệt đến toàn thể CB-CNV trên công trường không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải chủ động với các kịch bản thời tiết xấu có thể xảy ra. Tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thi công khoa học với tinh thần quyết liệt, có quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thành nghiệm thu kỹ thuật, khánh thành vào trung tuần tháng 8, thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

TIẾN PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/khan-truong-thi-cong-duong-day-500-kv-lao-cai-vinh-yen-phu-tho-837272
Zalo