Lan tỏa sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Từ những con đường bê tông rộng mở, nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang, đến đời sống tinh thần của nhân dân phong phú hơn..., phong trào thi đua 'Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới' đang từng ngày làm 'thay da đổi thịt' các thôn xóm trong tỉnh. Ở đó có sự đồng thuận, có mồ hôi, công sức và cả tấm lòng của bao người dân - những người đang chung tay dựng xây quê hương bằng tình yêu và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp.

Nhà văn hóa xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, Phú Bình, là 1 trong 8 nhà văn hóa của xã được đầu tư xây dựng mới từ sự đồng thuận đóng góp của nhân dân địa phương.

Nhà văn hóa xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, Phú Bình, là 1 trong 8 nhà văn hóa của xã được đầu tư xây dựng mới từ sự đồng thuận đóng góp của nhân dân địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, thổi luồng sinh khí mới về khắp các vùng quê trong tỉnh. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã linh hoạt đổi mới cách làm, tăng cường tuyên truyền, vận động theo hướng gần dân, sát thực tiễn, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.

Ở mỗi vùng quê, tinh thần cộng đồng được khơi dậy qua những việc làm cụ thể. MTTQ các cấp không chỉ đồng hành tuyên truyền mà còn trực tiếp phối hợp triển khai thực hiện những phần việc thiết thực. Cụ thể như tổ chức huy động ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình dân sinh; duy trì hơn 1.300 mô hình nông thôn mới (NTM) hoạt động hiệu quả (như tuyến đường treo cờ Tổ quốc, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, mô hình camera giám sát an ninh…).

Từ những thay đổi trong tuyên truyền, vận động, người dân không còn xem đây là “việc của Nhà nước”, mà là việc chung của cộng đồng. Họ sẵn sàng hiến đất, góp công, góp tiền để làm đường, xây dựng nhà văn hóa, trường học... Mỗi người một việc, mỗi nhà một phần đóng góp, tất cả tạo nên phong trào xây dựng NTM bền bỉ, xuất phát từ lòng dân.

Tại xã La Bằng (Đại Từ), Hội Người cao tuổi là một trong những lực lượng đi đầu. Với tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng, trong 5 năm qua, hàng trăm hội viên và con em họ đã hiến hơn 13.000m2 đất, đóng góp gần 900 ngày công, với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng cùng địa phương xây dựng NTM.

Bà Vũ Thị Năm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, xúc động chia sẻ: Riêng tôi đã hiến 217m2 thổ cư và 112 mét bờ rào. Hiến đất không chỉ cho hôm nay, mà còn vì con cháu mai sau được đi trên những con đường rộng rãi, sạch đẹp hơn…

Tuyến đường bê tông về xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, Phú Lương, được hoàn thành cuối năm 2024, tạo diện mạo mới cho địa phương.

Tuyến đường bê tông về xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, Phú Lương, được hoàn thành cuối năm 2024, tạo diện mạo mới cho địa phương.

Sau khi đạt chuẩn NTM từ năm 2018, xã Dương Thành (Phú Bình) không dừng lại ở kết quả đã có. Địa phương đã xây dựng lộ trình đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, với bước đi cụ thể và quyết liệt. Trong quá trình sáp nhập xóm, nhiều nhà văn hóa xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xác định rõ: việc xây dựng các thiết chế văn hóa đạt chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm.

Từ chủ trương đến hành động, các chi bộ xóm đã họp dân, thống nhất cách làm và huy động nguồn lực trong dân. Chỉ từ năm 2023 đến nay, xã đã xây dựng được 8 nhà văn hóa mới, khang trang, rộng rãi, mỗi công trình trị giá từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Ái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Dương Thành: Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi - chính sự đồng thuận ấy là “chìa khóa” thành công của chúng tôi.

Đến nay, toàn tỉnh có 3/3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 4/6 huyện đạt chuẩn NTM (Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương); có 117/121 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 97% tổng số xã), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,54%.

Diện mạo nông thôn Thái Nguyên ngày càng khởi sắc. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; giao thông thuận tiện hơn; trường học, trạm y tế được nâng cấp; thiết chế văn hóa được bổ sung, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững.

Cùng với phát triển về cơ sở vật chất, đời sống, tư duy kinh tế của người dân đã có nhiều thay đổi. Tại các địa phương xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và Chương trình OCOP đang phát triển mạnh, giúp tăng thu nhập cho người dân. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 119 triệu đồng/người/năm.

Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của phong trào chính là công tác dân vận khéo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. MTTQ và các tổ chức đoàn thể giữ vai trò nòng cốt trong vận động, giám sát, phản biện xã hội, khơi dậy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong nhân dân.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục bám sát đề án, kế hoạch của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030, cụ thể hóa nhiệm vụ của MTTQ tham gia xây dựng NTM để tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện. Với mục tiêu rõ ràng: xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, toàn diện và bền vững. Trong đó xác định rõ: người dân là trung tâm, cơ sở là nền tảng, hiệu quả là thước đo thành công cho từng hoạt động.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/lan-toa-suc-dan-tham-gia-xay-dung-nong-thon-moi-2b61a16/
Zalo