Lan tỏa phong trào sáng tạo của giới trẻ

Nhằm bồi dưỡng và phát huy tinh thần sáng tạo trong lứa tuổi học sinh, 13 năm qua, hằng năm, tỉnh Vĩnh Long duy trì tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Sản phẩm “Hệ thống cống thông minh dùng trong nông nghiệp” của nhóm tác giả Huỳnh Minh Trọng và Trần Ngọc Trâm, Trường trung học phổ thông Trà Ôn, đạt giải nhất.

Sản phẩm “Hệ thống cống thông minh dùng trong nông nghiệp” của nhóm tác giả Huỳnh Minh Trọng và Trần Ngọc Trâm, Trường trung học phổ thông Trà Ôn, đạt giải nhất.

Qua kết quả từng năm cho thấy, cuộc thi đã dần trở thành sân chơi trí tuệ, bổ ích, lành mạnh, khơi dậy niềm đam mê, giúp các em học sinh hình thành, phát huy tư duy sáng tạo, có nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ trong học tập và đời sống.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Vĩnh Long có 10.248 sản phẩm dự thi ở cả ba cấp học phổ thông và Ban tổ chức đã chọn 42 sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh để tuyên dương, khen thưởng. Từ đó, 20 sản phẩm được chọn gửi tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024…

Sản phẩm thiết thực với cuộc sống

Hai sản phẩm giành giải nhất năm nay được Ban tổ chức đánh giá rất thiết thực với đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh và có khả năng nhân rộng nhiều nơi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, có sản phẩm “Hệ thống cống thông minh dùng trong nông nghiệp” của hai học sinh Huỳnh Minh Trọng và Trần Ngọc Trâm, lớp 10, Trường trung học phổ thông Trà Ôn.

Em Trần Ngọc Trâm chia sẻ, Trà Ôn là huyện vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, đặc sản chính là cam sành. Những năm gần đây, giá cam xuống thấp, hạn mặn thường xuyên xảy ra cho nên cuộc sống người dân càng khó khăn hơn.

Nếu vườn cam đang cho trái gần thu hoạch mà không may bị nước mặn xâm nhập thì coi như thất thu. Hay khi con nước triều cường dâng cao bất ngờ cũng có thể làm ngập vườn cam của bà con. Gần đây, Nhà nước đã đầu tư nhiều hệ thống cống phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn cho người dân tại những con sông lớn. Tuy nhiên, vẫn còn các rãnh nhỏ dẫn nước vào sinh hoạt, sử dụng tưới cho nông nghiệp ở hộ gia đình, liên hộ gia đình dọc theo sông thì chưa có cống.

Vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật 4.0 vào thực tế sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người nông dân có lợi nhất. Chính vì vậy, “Hệ thống cống thông minh dùng trong nông nghiệp” được tạo ra nhằm giúp người dân chủ động trong phòng, tránh tác hại của hạn mặn, mưa lũ và triều cường.

Là đồng tác giả, em Huỳnh Minh Trọng trình bày: “Cống vận hành theo cơ chế pin năng lượng mặt trời tích điện cho ắc-quy, từ đây sẽ cung cấp điện cho toàn hệ thống. Hệ thống có hai loại cảm biến siêu âm để đo được giá trị mực nước, độ mặn trong nước.

Qua hệ thống xử lý trên board mạch ESP32, đồng thời gửi tín hiệu về ứng dụng chương trình Blynk IoT. Sau khi xử lý thông tin, hệ thống sẽ nhận diện được các trường hợp mặn hay không mặn, nước nhiều hay nước ít và đóng/mở cống giúp người dân ứng phó ngập úng hay xâm nhập mặn. Về vật lý, chúng em sẽ nâng cấp công suất máy lên để chịu sức nước lớn hơn, đồng thời cải tiến web đơn giản hơn để người dân dễ dàng sử dụng. Sắp tới, chúng em sẽ cải tiến thêm tính năng đo được lượng mưa, thuận tiện cho người dân sử dụng”.

Cùng đoạt giải cao nhất năm nay, sản phẩm “Hệ thống tự động điều khiển từ xa chống rò rỉ và vỡ ống nước” của em Lưu Khánh Nguyên, lớp 5/5, Trường tiểu học Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cũng rất thiết thực với cuộc sống của người dân. Em Lưu Khánh Nguyên cho biết: “Nước không phải là tài nguyên vô tận cho nên phải tiết kiệm nguồn nước sạch.

Tại nhiều gia đình, đã xảy ra tình trạng quên khóa nước sau khi sử dụng vào buổi tối làm nước chảy tràn khắp nơi, nền nhà trơn trượt rất nguy hiểm và gây lãng phí. Nhà em có cụ bà lớn tuổi thường xuyên quên khóa nước mỗi khi sử dụng, từ đó em có ý tưởng tạo ra thiết bị có thể cảnh báo rò rỉ và đóng vòi nước tự động bằng điện thoại thông minh của mình”.

Ông Lưu Thành Đạt, cha của em Lưu Khánh Nguyên, phấn khởi: “Thấy con thích tìm tòi, sáng tạo cho nên gia đình nhiệt tình ủng hộ nhằm đánh thức niềm đam mê cho con. Đây là thành quả sau nhiều năm cháu bỏ công sức sáng tạo. Sản phẩm của cháu đến nay đã được một số trường trong huyện cũng như bà con trong xóm ứng dụng hiệu quả. Gia đình chúng tôi sẽ tiếp sức niềm đam mê của cháu, mong sau này cháu sẽ có nhiều sản phẩm giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trà Ôn Trần Thanh Trí cho biết: “Hằng năm, trường luôn phát động cuộc thi cho tất cả các em tham gia. Để bảo đảm số lượng và chất lượng sản phẩm, chúng tôi tổ chức thu nhận ý tưởng, báo cáo ý tưởng tại lớp.

Sau khi có ý tưởng khả thi sẽ cùng nhau bắt tay hoàn thiện sản phẩm, rồi dự thi vòng lớp chọn ra sản phẩm tối ưu tham gia cấp trường. Năm học vừa qua, có 100% số lớp tham gia. Giáo viên và học sinh tham gia đều hứng khởi, luôn nhiệt tình hưởng ứng. Tất cả các cuộc thi cấp tỉnh trong ba năm gần đây đều có học sinh của trường đoạt giải, số giải cao ngày càng tăng…”.

Lan rộng tinh thần sáng tạo

Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long không ngừng nỗ lực cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, tạo thành sân chơi bổ ích cho lứa tuổi này và nhiều sản phẩm, ý tưởng hay đã xuất hiện.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Ôn Lê Hữu Tùng cho biết, cuộc thi Sáng tạo năm nay, ở cấp huyện có 68 sản phẩm, nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn những năm trước. Cuộc thi đã góp phần không nhỏ khơi dậy tiềm năng của thanh, thiếu niên, nhi đồng, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo.

Đây cũng là điều kiện để đánh giá công tác giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch triển khai tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long Thái Văn Tào cho biết, so với trước đây, đã có nhiều sản phẩm có tính mới và sáng tạo cao ở nhiều nội dung nhờ sự đổi mới của ngành giáo dục về phương pháp thực hành và trải nghiệm, nhất là ứng dụng các công nghệ IoT và AI. Từ đó, các em có điều kiện tiếp cận công nghệ và nảy sinh ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm có thể ứng dụng phục vụ đời sống.

Đề cập vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, với các em có sản phẩm tham dự cuộc thi, nhất là những sản phẩm đạt giải, thầy cô cần quan tâm, tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo.

Sản phẩm dự thi của các em có thể chưa thật sự hoàn thiện nhưng đó là những ý tưởng chứng minh cho quá trình học tập nghiêm túc, năng lực tư duy độc lập, yêu khoa học và đam mê sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh, các thầy cô mong muốn, các em tiếp tục tích cực đăng ký tham gia cuộc thi để hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để những ý tưởng, giải pháp có giá trị về mặt khoa học được đầu tư phát triển, phổ biến và ứng dụng phục vụ kinh tế-xã hội một cách hiệu quả.

Bài và ảnh: BÁ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-phong-trao-sang-tao-cua-gioi-tre-post836339.html
Zalo