Lan tỏa phong trào đọc sách thực chất và bền vững
Để thiết thực tôn vinh sách, xây dựng phong trào đọc sách thực chất và bền vững, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) KIỀU THÚY NGA cho rằng, bên cạnh các hoạt động được tổ chức thường xuyên, cần xây dựng môi trường đọc, thói quen đọc từ gia đình, nhà trường, xã hội.
Đa dạng hình thức thu hút cộng đồng
- Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 với chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn” có những hoạt động gì nổi bật, thưa bà?
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tại Thừa Thiên Huế vào tối 21.4. Lễ khai mạc sẽ được đón tiếp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự, chỉ đạo và phát biểu khai mạc.
Các hoạt động điểm nhấn trong chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 diễn ra từ 21 - 25.4, gồm hội sách chào mừng; không gian giao lưu, trưng bày giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; tọa đàm “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc”; triển lãm, viết thư pháp của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành trong cả nước; các hoạt động tác giả, tác phẩm…
Chương trình cũng tổ chức trao tặng tủ sách cho xã biên giới Hồng Thủy, huyện A Lưới; trao tặng các ấn phẩm của “Tủ sách Huế” cho 49 thư viện và không gian đọc cộng đồng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhằm đem lại lợi ích lâu dài, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các ấn phẩm chất lượng, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư...
- Với nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, thông điệp Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cụ thể hóa ra sao?
- Ngay sau khi nhận được Kế hoạch số 339/KH-BTTTT ngày 1.2.2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 trên toàn quốc cùng chương trình phối hợp giữa hai Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các thư viện chú trọng các chương trình khuyến đọc, xây dựng mô hình đọc sách, không gian đọc sách sáng tạo nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách cũng như văn hóa đọc trong cộng đồng. Ngoài ra, chỉ đạo các thư viện sử dụng nhiều phương tiện sáng tạo trên không gian mạng để truyền thông, quảng bá ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc hiện nay.
Chúng tôi kỳ vọng mỗi năm sẽ có thêm sáng kiến và hoạt động đổi mới, làm phong phú các hình thức thu hút cộng đồng, tạo sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân; thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với hành trình phát triển bản thân và xây dựng đất nước.
Lan tỏa sâu rộng, bền vững
- Thời gian gần đây, bên cạnh hoạt động đưa sách tới cộng đồng, việc tạo môi trường đọc, tạo thói quen đọc có vẻ cũng được chú trọng hơn?
- Để phát triển văn hóa đọc, chúng tôi triển khai các hoạt động định kỳ, liên tiếp suốt trong năm và trên toàn quốc. Đó là các triển lãm sách, tọa đàm, giao lưu giới thiệu sách, kể chuyện về sách, các cuộc thi về sách… để thu hút người đọc. Những hoạt động này được tổ chức thường xuyên, nhằm lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc, niềm yêu thích, hứng thú đọc sách. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần xây dựng môi trường đọc, thói quen đọc từ gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức, đơn vị… để phong trào đọc phát triển bền vững.
Lan tỏa phong trào đọc sách lâu dài, thực chất và bền vững,Lan tỏa phong trào đọc sách lâu dài, thực chất và bền vững
- Theo bà, làm thế nào để Ngày Sách và Văn hóa đọc có sức lan tỏa lâu dài, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng thực chất và bền vững?
- Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2023; Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cũng lồng ghép các dự án phát triển thư viện xã làm tăng mức thụ hưởng cho người dân vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số…
Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường nhận thức cho người dân, chúng tôi thấy rằng cần tăng cường nhận thức cho các cấp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy văn hóa đọc. Ở địa phương có thể là thúc đẩy đầu tư hệ thống thư viện nhằm bảo đảm các hoạt động phục vụ người dân. Các bộ, ngành, tạo điều kiện để công chức, người lao động tiếp cận các phong trào đọc. Với cộng đồng, tổ chức các hoạt động phù hợp, thường xuyên, liên tục, như mô hình đường sách, phố sách, hội chợ sách…
- Xin cảm ơn bà!