Lan tỏa phong trào 'Bình dân học vụ số'
Từ yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, phong trào 'Bình dân học vụ số' - một phong trào học tập để làm quen, tiếp cận và sử dụng công nghệ trong cuộc sống hằng ngày chính thức được phát động (ngày 26-3) và đang lan tỏa rộng khắp.
Đây cũng là nền tảng quan trọng để hình thành chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số theo Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thành viên đội hình “Bình dân học vụ số” quận Tây Hồ hỗ trợ người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, chi nhánh Tây Hồ. Ảnh: Mai Ngân
Đưa công nghệ vào cuộc sống
Xuất phát từ phong trào “Bình dân học vụ” (1945-1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng chỉ sau 1 năm đã giúp hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ, tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập việc phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Chiều 26-3-2025, Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" chính thức được tổ chức. Ngay sau lễ phát động, các địa phương, đơn vị đã tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Lớp học phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo cho người cao tuổi của thầy Đinh Ngọc Sơn, nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng là Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tổ chức những ngày gần đây là một minh chứng sinh động của việc lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” tới từng chi bộ.
Trong căn phòng chỉ rộng vài chục mét vuông, cũng là nhà riêng của Bí thư chi bộ Đinh Ngọc Sơn, các học viên (người cao nhất đã 80, trẻ nhất cũng ngoài 65 tuổi) chăm chú nghe hướng dẫn để làm quen và sử dụng những ứng dụng công nghệ mới trên chiếc điện thoại thông minh. Tất cả học viên đều mong muốn biết cách sử dụng những công nghệ mới để không bị tụt hậu trong thời đại số.
Theo Bí thư chi bộ Đinh Ngọc Sơn, khi đề xuất việc tổ chức lớp học phổ cập công nghệ số cho đảng viên tại cuộc họp cấp ủy Chi bộ khu dân cư số 9, cả 7 thành viên đều đồng thuận. Thảo luận tại chi bộ, các đảng viên lớn tuổi hào hứng đăng ký theo học. Mỗi lớp học chỉ diễn ra trong 3 ngày, song với cách hướng dẫn “cầm tay, chỉ việc” của Bí thư chi bộ, các đảng viên cao tuổi ứng dụng được ngay.
Không riêng Chi bộ khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng, tại thành phố Hà Nội, thời gian này, các ngành, địa phương và người dân Thủ đô tích cực hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” để trước mắt là ứng dụng công nghệ phục vụ chính cuộc sống của mình.
Bà Nguyễn Thị Lan (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Nhờ tự học hỏi và được hướng dẫn về thủ tục, tôi đã giải quyết thủ tục điều chỉnh thông tin trên giấy khai sinh trong vòng vài phút trên môi trường mạng. Tôi rất phấn khởi và mong muốn, mọi thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh gọn nhờ áp dụng công nghệ mới”.
Trên phạm vi toàn quốc, phong trào “Bình dân học vụ số” cũng lan tỏa mạnh mẽ. Đơn cử, ngay trong những ngày đầu tháng 4, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số" với mục tiêu từng bước tích hợp công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập; ứng dụng khoa học công nghệ vào bài giảng. Qua đó, từng bước tạo ra môi trường “quản lý mềm”, tạo nên môi trường học tập hiện đại, linh hoạt trong tất cả các hệ đào tạo.
Phổ cập tri thức chuyển đổi số đến toàn dân
Cùng với việc phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số". Nền tảng này tới đây sẽ được tích hợp với các nền tảng số như VNeID nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" chiều 26-3, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhấn mạnh: "Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số”...”.
Các chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, để hướng tới một xã hội thông minh trong kỷ nguyên số, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, mỗi người dân cần chủ động học hỏi và thích nghi để không bị bỏ lại phía sau. Kiến thức về công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; kỹ năng sử dụng công cụ số như điện thoại, phần mềm, nền tảng số và khả năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng đã trở nên thiết yếu như việc biết đọc, biết viết. Đây cũng chính là một yêu cầu quan trọng được đặt ra, để phong trào “Bình dân học vụ số” tiếp tục lan tỏa, góp phần đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long:
Sẽ xây dựng chương trình phổ cập về chuyển đổi số

Nền tảng “Bình dân học vụ số” được thiết kế trên cơ sở ứng dụng các chuẩn công nghệ tiên tiến hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, bảo đảm khả năng mở rộng linh hoạt và đáp ứng quy mô lớn phục vụ người học, kỳ vọng giúp cắt giảm 80% chi phí đào tạo, tập huấn so với phương thức truyền thống.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp triển khai nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa hạ tầng đào tạo trực tuyến, đồng thời ban hành quy chuẩn kỹ thuật để kết nối nền tảng “Bình dân học vụ số” với các nền tảng khác; bảo đảm chất lượng, tính mở và khả năng phát triển lâu dài của hệ thống.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, xây dựng chương trình phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân, bảo đảm nội dung phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với từng nhóm người dùng, từng vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực.
Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) Tạ Hải Tùng:
Nên đầu tư thiết bị hiện đại tại các điểm văn hóa cộng đồng

Từ hơn 5 năm trước, Trường Đại học Bách khoa đã triển khai thử nghiệm hệ thống học trực tuyến theo mô hình MOOC (khóa học đại chúng mở), giúp nhiều người có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Từ những thành công bước đầu với hơn 200 môn học và 6.000 sinh viên, nhà trường đã triển khai nhiều khóa học miễn phí cho cộng đồng như lập trình cho trẻ em, nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin… thu hút hơn 10.000 người học tập chỉ trong vài tháng.
Với sự hỗ trợ từ Bộ Công an và các đơn vị công nghệ, nền tảng “Bình dân học vụ số” do nhà trường trực tiếp phát triển đã được nâng cấp, hứa hẹn sẽ góp phần mạnh mẽ vào phong trào nâng cao kỹ năng số cho toàn dân. Để phổ cập kiến thức về công nghệ số đến toàn dân, trước hết mỗi người dân phải được tiếp cận với những thiết bị công nghệ hiện đại. Chúng ta có thể xã hội hóa và quyên góp thiết bị cũ còn sử dụng tốt để giúp mọi người tiếp cận công nghệ hiện đại. Đây cũng là “chìa khóa” để phong trào thực sự lan tỏa.
Bí thư Quận đoàn Tây Hồ Đinh Ngọc Thanh:
Sẵn sàng hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số

Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ đã tổ chức đội hình "Bình dân học vụ số" nhằm hỗ trợ người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công - Chi nhánh số 1 thành phố Hà Nội. Đội hình có sự tham gia của 22 thành viên là cán bộ, hội viên có kiến thức tốt về công nghệ số; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình; có khả năng truyền đạt hướng dẫn hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Đây là hoạt động có ý nghĩa, thể hiện vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên.
Nhiệm vụ của các thành viên là hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Chi nhánh số 1 thành phố Hà Nội vào tất cả các ngày trong tuần. Hoạt động này của Quận đoàn Tây Hồ nhằm hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nguyên Anh lược ghi