Lan tỏa những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng
Với tinh thần 'tương thân, tương ái', 'lá lành đùm lá rách', những năm qua nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng các đoàn thể, địa phương trên cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa chung tay sẻ chia với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, yếu thế… Những tấm lòng thiện nguyện ấy là 'cầu nối' vững chắc, lan tỏa những tấm lòng nhân ái, yêu thương trong cộng đồng.
Thời gian gần đây, một cửa hàng trên phố Báo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút sự chú ý của người dân và du khách bởi tấm biển gỗ đề dòng chữ “phở treo” đặt ngay trước cửa.
Chị Lệ (chủ cửa hàng) cho biết đây là hình thức khuyến khích khách đến ăn trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán để dành tặng cho những người khó khăn. Mỗi ngày quán tự “treo” 30 bát, khách đến đây bắt đầu “treo” từ bát thứ 31 trở đi. Những suất “treo” còn lại của ngày hôm trước sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau.
Ý tưởng “phở treo” không chỉ là cách hỗ trợ người gặp khó khăn, mà còn thể hiện tinh thần nhân ái và nghĩa tình trong văn hóa Việt Nam. Đằng sau những bát phở “treo” ấy là tấm lòng chân thành của người chủ quán và những con người chọn cách làm đẹp cuộc đời bằng những hành động nhỏ bé nhưng giàu ý nghĩa.
Kể về lần đầu đến ăn phở “treo”, bà Trần Thị Thu, 70 tuổi, là người bán hàng rong cho biết: “Tôi được các bà bán hàng cùng nói chuyện về một quán ăn trên phố cổ, miễn phí cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu đi qua, tôi đắn đo chưa vào vì không hiểu cách thức họ làm, lại băn khoăn không biết người ta có thu tiền hay không. Chỉ khi được chị chủ quán giải thích tận tình về hình thức phở “treo” này, tôi mới yên tâm vào ăn”.
Không chỉ có phở “treo”, trong cộng đồng còn xuất hiện rất nhiều mô hình về những việc làm bình dị và cao quý thể hiện tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Điển hình là chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), người đã đến từng nhà trao các món đồ thiết yếu, tiền mặt hỗ trợ những người hoàn cảnh khó khăn và góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện tại địa phương.
Chị đã tích cực vận động người dân hưởng ứng thực hiện tốt các phong trào, như: “Tết nhân ái-dinh dưỡng cho trẻ em nghèo”, “Chợ nhân đạo”... thực hiện cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo cho hàng nghìn lượt người...
Theo Trưởng ban Truyền thông Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thu Hằng, đồng hành với việc làm và tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân và những nhà hảo tâm bình dị… với phương châm “Vì mọi người, ở mọi nơi”, những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Qua đó, kịp thời động viên, hỗ trợ nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống... Đáng chú ý, phong trào “Tết Nhân ái” 2025 đã và đang huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Hội chợ-Tặng quà-Vui Tết” nhằm trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui xuân, đón Tết trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Các hoạt động được thiết kế bảo đảm các nguyên tắc: Tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi; tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương; phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người dân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực sẵn có.
“Tết Nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm nay, toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ đặt mục tiêu chăm lo, hỗ trợ 1,2 triệu người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương, với tổng giá trị khoảng 700 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2024, nhất là tại các địa phương phía bắc bị tác động nặng nề của bão Yagi; những nhóm dễ bị tổn thương khác (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn,...); người không có điều kiện vui xuân, đón Tết cùng với gia đình do hoàn cảnh neo đơn, khó khăn (người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa sống tại các trung tâm nuôi dưỡng tập trung; người vô gia cư, xóm trọ lao động, xóm trọ bệnh nhân,…).
Từ những tấm gương sáng, việc làm tử tế của mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị đã và đang lan truyền mạnh mẽ thông điệp nhân ái đến cộng đồng. Những nghĩa cử đẹp, những con người biết sống vì cộng đồng trở thành những “hạt mầm” nhân văn, làm nảy nở, vun đắp cho xã hội thêm yêu thương, hạnh phúc và tốt đẹp hơn.