Lan tỏa nghĩa tình trong cơn hoạn nạn ở Phong Châu
Trong lúc khó khăn mới thấu hiểu hết tình người… Sau tai họa sập cầu Phong Châu, bắc qua 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao (Phú Thọ) vào ngày 9/10, người dân Phú Thọ đã 'nhường cơm, sẻ áo'; chia sẻ nơi ở cho thân nhân nạn nhân vụ sập cầu hoặc đưa đón miễn phí học sinh tới trường.
“Nhanh lên để lên xe về nhà…”, sáng 10/9, tiếng học sinh gọi nhau ý ới vang lên trước cổng trường. Sau đó, tất cả các em cùng lên chiếc xe 45 chỗ, mang băng rôn "xe hỗ trợ đưa đón các cháu học sinh về Bản Nguyên - Vĩnh Lại - Cao Xá - Lâm Thao"... Giữa bầu trời u ám và những cơn mưa nặng hạt, tiếng nói của các em học sinh khiến bầu không khí bớt đi sự u ám, nặng nề.
"Chiều nay, nhà xe nhà em sẽ đón tất cả các cháu ở bên Lâm Thao đang học ở các trường Tam Nông, Hưng Hóa, Quang Bích về nhà. Phụ huynh nào có con học bên ấy cứ yên tâm và liên hệ nhà xe để nhà xe đưa về ạ. Bên dưới dòng thông báo, là số điện thoại của các lái xe để người dân tiện liên hệ…", trưa 9/10, những dòng thông tin trên đã được chia sẻ. Điều này giúp các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo vợi đi nỗi lo. Bởi, cây câu nối bờ sụp đổ, việc đi học của các con em và việc đi làm của người dân ở hai bên đầu cầu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn...
"Tôi cũng có con nhỏ đang đi học nên hiểu được sự lo lắng của các phụ huynh. Vì thế, khi nghe tin cầu sập, tôi đã quyết định tổ chức các chuyến xe miễn phí", anh Bùi Văn Đà (khu 4, Phùng Nguyên, Lâm Thao), người chạy xe miễn phí giúp học sinh sập cầu được đến trường, mở đầu câu chuyện chia sẻ với chúng tôi.
Trưa 9/9, anh Đà bắt đầu đón các em học sinh từ huyện Tam Nông về huyện Lâm Thao. Sau khi chuyến xe đầu tiên đưa, đón các em học sinh về nhà an toàn, chiều cùng ngày, anh Đà tiếp tục huy động thêm 1 chiếc xe ô tô 45 chỗ và 1 chiếc xe ô tô 34 chỗ đưa các cháu học sinh và người đi làm từ Tam Nông về Lâm Thao.
“Hôm nay, tôi tiếp tục điều thêm xe 45 chỗ chở học sinh đến lớp; người lớn đi làm. Ai có nhu cầu đi xe miễn phí đều được phục vụ… Trường hợp xe đông, tôi sẽ điều thêm xe để phục vụ. Song, hiện nay, do tình hình phức tạp của mưa lũ, một số trường đã cho học sinh nghỉ học nên số lượng học sinh và người dân đi làm đủ một xe 45 chỗ…”, anh Đà cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đà nói: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng" là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, vì thế, trong thời gian khoảng 1 tuần, tôi sẽ sử dụng 3 xe ô tô chạy hợp đồng của gia đình để đưa đón học sinh và người có nhu cầu đi lại miễn phí.
Hai hôm nay (9 và 10/9), quán nước nằm liền sát chân cầu Phong Châu của chị Nguyễn Thị Thu (thị trấn Tam Nông) lúc nào cũng sáng đèn. Sau sự cố thiên tai xảy ra, quán nước của chị là nơi tá túc của không ít người… Nhiều chiếc ghế được chi và con trai kê thêm, những chiếc võng cũng được mắc để người nhà nạn nhân có thể tranh thủ nghỉ ngơi. Không những vậy, chị cùng người thân còn nấu những bữa cơm miền phí; cơm, nấu mì tôm miễn phí phục vụ thân nhân các nạn nhân mất tích.
Đã hơn một ngày trôi qua nhưng chị Thu vẫn không quên được buổi sáng 9/9. Một ngày như mọi ngày, chị mở quán bán hàng như thường lệ, vào thời điểm này, người lớn đã đi làm, học sinh cũng đã tới trường… "Rầm", một tiếng động lớn vang lên. Ban đầu, chị Thu nghĩ rằng nước sông lên cao, có khả năng một chiếc tàu hoặc thuyền nào đó xảy ra va chạm trên sông. Nhưng khi chạy ra bên ngoài, chị Thu không tin vào những gì mình nhìn thấy, 2 nhịp cầu Phong Châu bất ngờ đổ sập xuống dòng sông cuồn cuộn phù sa. Rồi sau đó là những chiếc xe ô tô, xe máy và người rơi xuống nước… Sau giây phút hoảng loạn, chị cùng người xung quanh vội chạy đến gần hiện trường.
Ngày 9/9, càng về gần chiều, quán của chị lại càng đông khách. Ngoài những người hiếu kỳ, trong số đó, còn có người thân đang mong ngóng tin của người nhà. Tiếng khóc xé lòng của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con…, khiến chị Thu và người thân trong gia đình không giấu nổi sự thương cảm. Trước tình cảnh thương tâm của họ, chị mời mọi người vào quán rồi cùng con trai chuẩn bị võng, phản ghép để mọi người có thêm chỗ nghỉ ngơi. “Mình chỉ có tấm lòng, của ít lòng nhiều… mong giúp đỡ mọi người chị Thu chia sẻ.
Từ sáng sớm tinh mơ, hội viên Hội phụ nữ huyện Tam Nông và các phật tử chùa Khánh Lâm đã trở dậy mua thực phẩm, sơ chế và nấu nướng. Đến trưa 10/9, 100 suất cơm nóng hổi đã được Hội phụ nữ huyện Tam Nông và chùa Khánh Lâm phát cho các đơn vị nghiệp vụ và người thân của các nạn nhân trong vụ sập cầu…
Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông cho biết: Với mong muốn được san sẻ một phần khó khăn với các đơn vị chức năng và người thân của các nạn nhân trong vụ việc, các chị đã tự nguyện phục vụ.
Chị Nguyễn Thị Ngân, đại diện Phật giáo xã Vạn Xuân cũng cho biết: "Hôm qua, các phật tử chùa Khánh Lâm và người dân xã Vạn Xuân đã chuẩn bị 220 cái bánh mỳ, 12 thùng nước lọc và mỳ tôm để giúp các đơn vị tác nghiệp trong vụ tai nạn vừa qua. Hôm nay, chúng tôi đã cùng hỗ trợ chuẩn bị 100 suất ăn. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ một phần nào giúp đỡ được những đơn vị và thân nhân của người gặp nạn".
“Thương người như thể thương thân”, trong gian khó mới hiểu hết sự nhân văn, nghĩa cử cao đẹp của mỗi người con đất Việt.