Lan tỏa mô hình 'Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái' ở xã Ia Ka
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Ka, huyện Chư Păh triển khai từ năm 2018, mô hình 'Mỗi hội viên một vườn rau xanh và cây ăn trái' đã lan tỏa rộng rãi, góp phần giúp nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, ban đầu, hội chọn 17 hộ ở làng Mrông Yố 2 làm điểm để thực hiện mô hình. Để giúp hội viên triển khai hiệu quả, hội đã phối hợp với cán bộ nông nghiệp xã tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho các hội viên. Cùng với đó, cán bộ hội thường xuyên xuống vườn hướng dẫn hội viên cách làm hàng rào bảo vệ vườn rau, làm đất và cách tận dụng phân chuồng và các phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vì thế, các hộ đã nắm bắt kỹ thuật để trồng và chăm sóc vườn rau phát triển tốt.
Bà Siu Blưn-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Mrông Yố 2-cho hay: Nhận thấy các hộ tham gia mô hình trồng rau hiệu quả, nhiều hội viên trong làng đã học hỏi và làm theo. Nhờ vậy, từ 17 hộ tham gia ban đầu, đến nay có hơn 130 gia đình hội viên trong làng đã triển khai được mô hình vườn rau xanh và cây ăn trái. "Mô hình được triển khai đã giúp cho nhiều hội viên cải thiện được chất lượng bữa ăn, nhiều hộ còn có nguồn thu nhập ổn định nhờ bán rau sạch. Ngoài ra, việc trồng rau đã góp phần cải thiện vấn đề môi trường trên địa bàn theo hướng xanh-sạch-đẹp"- bà Blưn cho hay.
Nhìn vườn rau xanh mướt, bà Rơ Châm Seng (làng Mrông Yố 2) phấn khởi cho biết, gia đình bà có 1 sào đất ruộng ở cánh đồng Ia Blel nhưng hay bị cạn nước nên chỉ trồng 1 vụ. Do đó, khi thấy các hộ dân tham gia mô hình "Mỗi hội viên một vườn rau xanh và cây ăn trái" có hiệu quả, năm 2022, bà quyết định chuyển đổi sang trồng rau. Theo đó, bà chủ yếu trồng ớt, rau ngót, rau lang, rau cải các loại. Hiện nay, ngoài có rau sạch để ăn, mỗi tháng, gia đình bà còn còn có nguồn thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng từ việc bán rau.
Cách đó không xa, bà Siu Phyal (làng Mrông Yố 2) cũng phấn khởi khi có nguồn thu nhập ổn định từ trồng rau các loại. Bà cho hay: Nhà tôi có 2 sào đất lúa trồng 1 vụ, được cán bộ Hội LHPN xã hướng dẫn, tôi đã đào 1 sào ao để nuôi cá và chuyển 1 sào còn lại sang trồng các loại rau như: cải ngọt, rau muống, rau lang, hành, ngò, cà tím...Với việc luân phiên trồng các loại rau này, trung bình mỗi tháng, tôi thu nhập được từ 6-7 triệu đồng.
Trong khi đó, tại làng Mrông Ngó 3, mô hình "Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái" cũng được nhân rộng giúp cho nhiều gia đình cải thiện được thu nhập. Bà Rơ Châm Avưn-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Mrông Ngó 3-cho hay: Làng có 194 hộ hội viên thì hầu như hộ nào cũng đều có vườn rau xanh. Tuy diện tích không nhiều nhưng với việc duy trì trồng thường xuyên cũng đã giúp các hộ cải thiện được bữa ăn hàng ngày.
Hiện nay, việc trồng rau xanh phục vụ cho bữa ăn gia đình đã trở thành thói quen của hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Ia Ka. Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết thêm: Đến nay, toàn xã có khoảng 60% hộ hội viên có vườn rau xanh (toàn xã có 1.671 hộ hội viên phụ nữ). Ngoài ra, một số hộ còn trồng xen cây ăn trái vào các vườn cây, vườn rau. Tuy diện tích không nhiều nhưng với việc mỗi gia đình có một vườn rau đã giúp các hộ cải thiện được dinh dưỡng bữa ăn cho gia đình. Đồng thời, qua đó đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho hội viên, phụ nữ trong lao động sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ còn lại có quỹ đất thực hiện việc cải tạo đất trồng rau xanh nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, sẽ tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật để người dân duy trì thường xuyên và hiệu quả mô hình này nhằm cải thiện bữa ăn gia đình và phát triển kinh tế"- chủ tịch Hội LHPN xã khẳng định.