Lan tỏa gương điển hình trong vùng dân tộc thiểu số

Xây dựng điển hình tiên tiến, lan tỏa các phong trào thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ trọng tâm đang được Ban Dân tộc tỉnh chú trọng triển khai. Các tập thể, cá nhân được lựa chọn trên từng lĩnh vực đã và đang phát huy vai trò, xứng đáng là hạt nhân tiêu biểu.

Tiên phong phát triển kinh tế

Trung tâm Cây giống nông, lâm nghiệp Hiền Phát, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh (Lục Nam) hằng ngày có nhiều người đến mua cây giống về trồng hoặc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Chủ của mô hình là ông Lý Say Hùng (SN 1962) - người có uy tín của thôn Trại Lán. Trước đây, nghề trồng rừng phát triển, nhu cầu cây giống lâm nghiệp của người dân khá lớn. Thế nhưng hầu hết các hộ vất vả đi xa tìm mua cây giống, lại thường xuyên canh cánh nỗi lo mua phải cây kém chất lượng, vừa mất tiền lại mất công chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp.

 Ông Lý Say Hùng (giữa) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây giống với người dân thôn Trại Lán.

Ông Lý Say Hùng (giữa) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây giống với người dân thôn Trại Lán.

Ông nhận thấy, để phát triển kinh tế cần nguồn cung cấp giống uy tín, chất lượng. Vì vậy, năm 2015, gia đình ông làm vườn ươm cung cấp giống cây lâm nghiệp cho các hộ trong vùng, chủ yếu là bạch đàn và keo lai. Nhờ chủ động học hỏi, nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình ươm trồng, cây giống do gia đình sản xuất ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt nên được nhiều khách hàng ở trong vùng và các tỉnh như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nghệ An... đặt mua. Nghề mới mang lại thu nhập khá giúp gia đình từ nghèo khó đến nay có của ăn, của để, xây nhà khang trang, mua xe ô tô chuyên chở hàng hóa.

Đưa chúng tôi tham quan khu vườn ươm đang lên xanh mướt, ông chủ cơ sở người dân tộc Tày thông tin thêm, vào mùa trồng rừng công việc càng nhiều, gia đình thuê 20-25 lao động. Thời điểm hiện tại đang có 7 lao động là người DTTS làm việc với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, Trung tâm cung cấp ra thị trường gần 3 triệu cây, trừ chi phí lãi khoảng 270 -300 triệu đồng. Hiện ông đang truyền nghề cho vợ chồng người con trai tiếp quản cơ nghiệp.

Năm nay, toàn tỉnh xây dựng 26 mô hình điển hình trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS.

Được Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn xây dựng điển hình phát triển kinh tế, ông Hùng nghĩ mình tuy tuổi đã cao song là người uy tín, còn sức khỏe là còn cống hiến, cần có trách nhiệm giúp bà con cùng phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng thôn Trại Lán cho hay: "Gia đình ông Hùng là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Gần đây, ông liên kết với nhiều gia đình mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng ổn định cho thị trường hàng triệu cây giống chất lượng, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thôn có 148 hộ, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ gần 90%, số hộ nghèo giảm còn 14 hộ".

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm nay, toàn tỉnh xây dựng 26 mô hình điển hình trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Cũng như ông Lý Say Hùng, các nhân tố được lựa chọn xây dựng điển hình trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang tích cực phát huy vai trò nêu gương, tận tụy, trách nhiệm trong lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp cho phong trào ở địa phương. Tiêu biểu như ông Bàn Vũ Quyền, người có uy tín ở thôn Mùng, xã Dương Hưu (Sơn Động); ông Hoàng Công Đắc, người có uy tín thôn Tiến Trung, xã Tiến Thắng (Yên Thế); ông Luân Văn Minh, Trưởng nhóm người có uy tín xã Biển Động (Lục Ngạn)…

Điển hình tốt, phong trào mạnh

Qua các phong trào thi đua yêu nước, khu vực đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Tuy vậy, theo đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, qua các năm, nhiều chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung; kiến thức về khoa học kỹ thuật cũng ít nhiều thay đổi. Vì vậy, ngay sau khi lựa chọn, phê duyệt danh sách các mô hình điển hình, Ban Dân tộc tỉnh ban hành bộ tiêu chí "điển hình" đối với từng tập thể, cá nhân. Tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, tọa đàm, hội thảo trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho đối tượng người có uy tín, cán bộ làm công tác dân tộc. Giao cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực, địa bàn trực tiếp theo dõi, hướng dẫn.

 Phòng Dân tộc huyện Lục Ngạn tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc cho cán bộ, nhân dân vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Vũ Đoàn.

Phòng Dân tộc huyện Lục Ngạn tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc cho cán bộ, nhân dân vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Vũ Đoàn.

Cùng với sự quan tâm của tỉnh, ở mỗi địa phương cũng lồng ghép với các chính sách hỗ trợ về vốn ưu đãi, đào tạo nghề, trang bị kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cho các chủ hộ sản xuất, kinh doanh. Tìm hiểu tại huyện Sơn Động được biết, tại đây có Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà 6 ngón xã Vân Sơn được Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn xây dựng tập thể điển hình phát triển kinh tế vùng DTTS. Chi hội có hơn 20 thành viên, đa số là dân tộc Tày. Từ đầu năm đến nay, các thành viên được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gà 6 ngón đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Phòng Dân tộc đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký đạt OCOP 3 sao đối với sản phẩm trứng gà. Hay như tập thể Hợp tác xã Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn, thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn (Lục Nam) có 9 thành viên, chủ yếu là người DTTS. Sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã là trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Lực chia sẻ: “Các thành viên thường xuyên được cập nhật kiến thức khoa học công nghệ, có thêm kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, từ đó yên tâm sản xuất”. Mới đây, tại huyện Lục Ngạn tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới; thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về công tác dân tộc.

Để xây dựng điển hình tốt, xứng đáng với vai trò tiên phong, nòng cốt thúc đẩy phong trào ở cơ sở phát triển, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh, các huyện sẽ kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các mô hình điển hình tiên tiến. Các tập thể, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tôn vinh và chỉ đạo nhân rộng. Tiêu chuẩn khen thưởng đối với tập thể đó là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất, kinh doanh; có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người DTTS; các câu lạc bộ góp phần bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, văn nghệ dân gian. Cá nhân là người DTTS, đang sinh sống, làm việc trực tiếp tại vùng DTTS và miền núi, tiêu biểu cho ý chí rèn luyện, năng động sáng tạo, có sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần phát triển KT - XH ở địa phương.

Bài, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lan-toa-guong-dien-hinh-trong-vung-dan-toc-thieu-so-074703.bbg
Zalo