Lan tỏa di sản trên nền tảng số

Với góc nhìn sáng tạo và phong cách tiếp cận gần gũi, các nhà sáng tạo nội dung TikTok không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa đến với giới trẻ mà còn mang di sản Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ lựa chọn để sáng tạo nội dung.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ lựa chọn để sáng tạo nội dung.

TikTok, với số lượng người dùng lên tới hàng triệu tại Việt Nam đã trở thành một không gian lý tưởng để truyền tải và phát huy văn hóa truyền thống theo cách thức sáng tạo, dễ tiếp cận. Các nhà sáng tạo nội dung đang khai thác nền tảng này với vô vàn phương thức phong phú và độc đáo.

Điển hình là kênh TikTok "Thế England du lịch Ninh Bình" của chàng trai trẻ Bùi Thế Anh, người con quê hương Ninh Bình. Anh đã sáng tạo ra những video ngắn đầy ấn tượng, khéo léo kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đặc sắc của địa phương. Những video này không chỉ đơn thuần là những đoạn clip du lịch, mà còn là những câu chuyện hấp dẫn, mang đậm dấu ấn cá nhân của Bùi Thế Anh, qua đó giới thiệu và quảng bá hình ảnh Ninh Bình đến với du khách trong và ngoài nước.

Hay như kênh TikTok “Ngồi Bắc Ninh” của Nguyễn Phương Thảo đến từ Tiên Du, nơi cô chia sẻ những video đầy màu sắc về ẩm thực, văn hóa và con người Bắc Ninh. Qua những thước phim sinh động của Thảo, nhiều người đã có cái nhìn mới mẻ hơn về vùng đất “quan họ” – không chỉ giàu truyền thống với những di tích lịch sử mà còn hấp dẫn bởi nền ẩm thực đa dạng và con người thân thiện, hiếu khách.

Những video quảng bá di sản không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu mà còn khơi gợi sự tò mò và mong muốn trải nghiệm thực tế. Xu hướng "du lịch cùng TikTok" đang giúp nhiều địa danh văn hóa trở thành điểm check-in hấp dẫn. Giới trẻ không chỉ xem video mà còn muốn tự mình khoác lên trang phục truyền thống, thưởng thức nhạc cung đình hay khám phá các di tích lịch sử.

Luôn tìm kiếm những cách tiếp cận mới để đưa xẩm đến gần hơn với khán giả trẻ, ca sĩ Hà Myo nhận định rằng thế hệ trẻ ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn sở hữu lợi thế về công nghệ, khả năng nắm bắt xu hướng và kết nối toàn cầu chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh.

Những người trẻ hoàn toàn có thể kể lại các câu chuyện di sản bằng ngôn ngữ riêng của mình, và thực tế đã chứng minh họ đang làm rất tốt điều đó. Thông qua các nền tảng số, họ lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam qua những video ngắn, bức ảnh, tranh vẽ hay nội dung về trang phục, ẩm thực, hội họa… một cách rất hấp dẫn.

Theo các chuyên gia văn hóa, mặc dù TikTok mở ra cơ hội lớn để quảng bá di sản, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức. Một số nội dung có thể bị bóp méo hoặc thương mại hóa quá mức, làm sai lệch giá trị văn hóa. Một số video chỉnh sửa trang phục truyền thống không chính xác hoặc lồng ghép thông tin chưa được kiểm chứng, gây hiểu nhầm về lịch sử.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, những clip được đăng tải thu hút nhiều lượt xem là đáng mừng, nhưng mỗi người làm sáng tạo nội dung cần có cho mình một phong cách riêng. Bên cạnh đó phải có vốn sống dày dặn để chọn lựa, chắt lọc nội dung. Nếu vốn sống mỏng, chạy đua theo trào lưu lạ sẽ dễ dàng đi chệch hướng, gây tác dụng ngược. Vì vậy, phải có sự chọn lọc, đặc biệt là cái tâm của người làm sáng tạo nội dung.

Còn theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, sáng tạo là điều đáng trân trọng, nhưng phải dựa trên giá trị cốt lõi của di sản. “Không nên quá chú trọng số lượng người xem mà bỏ qua chất lượng nội dung. Việc cân bằng giữa lượt xem và giá trị nội dung, giữa bảo tồn và phát triển là vô cùng cần thiết” - TS Lê Minh Lý nói.

P.S

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lan-toa-di-san-tren-nen-tang-so-10302774.html
Zalo