Lan tỏa đam mê âm nhạc dân tộc
Nỗ lực, đam mê và sáng tạo của nhiều bạn trẻ mang đến sức sống mới cho âm nhạc cổ truyền
Hồ Thị Như Quỳnh (24 tuổi, quê Gia Lai) thành thạo đàn tranh và đàn tỳ bà. Điều thú vị ở chỗ, Quỳnh khởi đầu hành trình âm nhạc bằng việc học organ và trống, cô còn chơi được piano và guitar. Lên lớp 10, tình cờ xem biểu diễn đàn tranh, Quỳnh hoàn toàn bị chinh phục và cô biết đó mới là tình yêu lớn của mình.
Tạo sự khác biệt
Năm ấy, Gia Lai chỉ mới phổ biến các lớp dạy đàn T'rưng và đàn đá. Khi một người anh gợi ý thi vào chuyên ngành đàn tranh, Quỳnh như tìm được hướng ra.
Ròng rã 2 tháng trời, Quỳnh liên tục di chuyển giữa quê nhà và TP HCM để vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa tham gia kỳ thi nhạc viện. Vào ngôi trường mơ ước, Quỳnh xác định theo đuổi con đường khác biệt, thổi hơi thở hiện đại vào nhạc dân tộc. Trong lúc các sinh viên khác thường mặc áo dài, để tóc đen thì Quỳnh chuộng giày sneaker khỏe khoắn, quần baggy thùng thình, áo dài kiểu phá cách, nhuộm tóc. Phong cách tưởng khác biệt đó hóa ra không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nghệ thuật và càng nhiều bạn trẻ hào hứng theo dõi cô. Được sự khích lệ từ giảng viên - NSƯT Hải Phượng, Quỳnh thêm vững tin vào sự lựa chọn của mình. Cô cover và đăng lên nền tảng số các ca khúc thời thượng, được nhiều người đánh giá cao. Quỳnh không ngừng tạo dấu ấn cá nhân qua các dự án kết hợp đàn tranh và nhạc điện tử. Kế hoạch tiếp theo của cô là hợp tác với một số rapper, để âm nhạc dân tộc hòa quyện với màu sắc hiện đại, tạo nên nét mới trong nghệ thuật biểu diễn đàn tranh.
Nơi phố núi Pleiku, mọi người còn nhớ đến cô với cái tên "Quỳnh Tranh". Cô đã xây dựng không gian nghệ thuật vô cùng hấp dẫn, thu hút học viên đủ mọi lứa tuổi. Quỳnh hạnh phúc khi được truyền dạy kỹ năng, đồng thời lan tỏa sâu rộng giá trị âm nhạc dân tộc. Không dừng ở đó, cô đã đưa âm nhạc đến gần cộng đồng qua các hoạt động xã hội, hướng về trẻ em. Học trò của cô dần trưởng thành và tỏa sáng, trở thành động lực để Quỳnh tiếp tục viết nên câu chuyện âm nhạc cho thế hệ kế tiếp.
Nuôi dưỡng cảm xúc
Lê Thanh Hùng (SN 2004) thì từng xem việc theo đuổi nhạc dân tộc là lựa chọn "bất đắc dĩ", song giờ đây anh ngày càng trân trọng thanh âm của những nốt nhạc dân tộc, khát khao giữ gìn và làm mới nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Hùng là sinh viên chuyên ngành kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học FPT.
Chàng trai quê Phú Yên chưa từng học hay có ý định học bất kỳ loại nhạc cụ nào, cho đến khi vào tình thế buộc phải hoàn thành học phần nhạc cụ dân tộc của trường. Một lần tham dự sự kiện trưng bày và trải nghiệm nhạc cụ dân tộc do trường tổ chức, tiếng đàn tranh đã chạm trái tim Hùng. Anh nhanh chóng bị cuốn hút bởi âm điệu nhẹ nhàng, ngân vang ấy. Từ một yêu cầu môn học, nhạc cụ này đã trở thành phần quan trọng trong đời sống tinh thần của anh. "Trước kia, sau giờ học là tôi về nhà. Từ ngày tiếp cận đàn tranh, và tham gia câu lạc bộ, tôi kết nối được với nhiều bạn bè, tinh thần thoải mái hơn" - Hùng tâm sự. Chứng kiến sự thay đổi tích cực của Hùng, gia đình đã khuyến khích anh theo đuổi đam mê.
Nhạc dân tộc giúp Hùng nuôi dưỡng cảm xúc, tạo sự cân bằng cho những đòi hỏi lý trí và logic trong lĩnh vực kỹ thuật. Dù học chưa lâu song với sự quyết tâm, Hùng vừa giành ngôi giải Á quân tại bảng độc tấu đàn tranh của cuộc thi Tích Tình Tình Tang 2024 và Quán quân F-Sound 2024 do trường tổ chức.
Việc tích hợp dạy nhạc cụ dân tộc trong chương trình đào tạo chính quy có thể khơi dậy những tài năng tiềm ẩn. Thạc sĩ Vũ Thị Kim Yến - Chủ nhiệm Bộ môn âm nhạc truyền thống, Phân hiệu Trường Đại học FPT tại TP HCM - cho biết: Âm nhạc truyền thống và nhạc cụ dân tộc là một môn học bắt buộc tại trường từ năm 2014. Đây không phải là môn học chuyên ngành âm nhạc để sinh viên trở thành nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp, mà được thiết kế như một môn kỹ năng. Chương trình học bao gồm 45 giờ (tương đương 60 tiết học), bao gồm 7 môn nhạc cụ dân tộc: đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tranh, sáo trúc và trống. Kết quả đầu ra của học phần yêu cầu sinh viên phải nắm vững một số kỹ thuật cơ bản, chơi được các bài dân ca đơn giản và vừa tầm. "Từ việc trải nghiệm nhạc cụ và cảm nhận được âm sắc của chúng, học về nhạc lý cơ bản và những kiến thức về âm nhạc truyền thống, sinh viên càng thêm yêu và có cảm hứng tìm hiểu sâu các di sản văn hóa âm nhạc của Việt Nam" - thạc sĩ Vũ Thị Kim Yến chia sẻ.