Lan tỏa các mô hình, điển hình 'người tốt, việc tốt'

Nhân rộng gương người tốt, việc tốt, mô hình, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Bố Trạch được thực hiện xuyên suốt. Hàng năm, địa phương có sơ kết, tổng kết, nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời. Trong tất cả mọi lĩnh vực cuộc sống, tại cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp... xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác.

Như “con suối nhỏ chảy vào sông to”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương thức tiến hành tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước: “Gom góp sáng kiến. Rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng... Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011).

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch Phạm Thị Hồng Tứ nhận xét: Giai đoạn 2022-2024, toàn huyện Bố Trạch xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó phải kể đến phong trào “Mỗi xã giúp mỗi bản”, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tại các xã miền xuôi vào cuộc, góp công, góp sức giúp đỡ 18 thôn, bản xã miền núi Thượng Trạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Mỗi xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị căn cứ vào đặc điểm tình hình, thế mạnh địa phương để xây dựng các mô hình thiết thực, hiệu quả, như mô hình: “Tuyến đường nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu”; “Tuyến đường đô thị kiểu mẫu”; “Khu dân cư NTM kiểu mẫu tiêu biểu”; “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư” của MTTQVN các cấp hay mô hình “Cựu chiến binh xây dựng NTM” của Hội Cựu chiến binh; “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” của Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Phong trào “Mỗi xã giúp mỗi bản” góp phần ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc Ma Coong tại xã biên giới Thượng Trạch.

Phong trào “Mỗi xã giúp mỗi bản” góp phần ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc Ma Coong tại xã biên giới Thượng Trạch.

Xã Đại Trạch duy trì hiệu quả các mô hình: “Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, cơ quan kiểu mẫu”, “Vận động nhân dân hiến đất, mở rộng khuôn viên xây dựng nhà văn hóa và sân thể dục, thể thao cho mọi lứa tuổi ở cộng đồng dân cư”. Xã Thanh Trạch xuất hiện hàng loạt mô hình, điển hình, như: “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “Hàng rào xanh”, “Vận động nhân dân tích cực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”, “Hội viên, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo”, “Xứ họ đạo bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Đoạn đường tự quản, xanh, sạch đẹp”, “Xây dựng đường hoa thôn kiểu mẫu”, “Xây dựng hệ thống camera an ninh trong thôn, xóm”, “Đường cờ Tổ quốc”; “Kết nối công nghệ thông tin, vì bình yên cuộc sống”...

Các phong trào: “Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam”, “Thắp sáng ước mơ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “Đổi mới phong cách, tác phong công tác của cán bộ, công chức gần dân, sát dân và phù hợp với quy định của pháp luật”, “Xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp”, “Vận động các quỹ nhân đạo, từ thiện”, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, “Nâng cao năng lực chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn”, “Ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân”, “Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, viên chức trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”... phát huy hiệu quả tại hầu hết các xã, phường, thị trấn, trường học, Hạt Kiểm lâm huyện, Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

Nhân lên những điển hình từ cơ sở

Theo giới thiệu của chị Phạm Thị Hồng Tứ, chúng tôi tìm đến một số điển hình “người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2024 về học tập và làm theo Bác. Đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tây Trạch Hồ Thị Hòa. Thông qua các mô hình gây quỹ tình thương, quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, như “Thu gom phế liệu”, “Nhận đất ruộng hoang để trồng lúa trồng sắn”, “Thu gom ốc bươu vàng”... gây quỹ hàng năm trên 200 triệu đồng. Duy trì các hình thức tiết kiệm, nuôi heo đất... với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, giúp đỡ 512 lượt hội viên phụ nữ vay không lãi phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đó là “Mô hình tặng bò, lợn sinh kế cho thanh niên có hoàn khó khăn trước khi lên đường nhập ngũ và tại ngũ” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bố Trạch. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tặng 18 con bò và 4 con lợn, trị giá khoảng 224 triệu đồng cho các gia đình thanh niên hoàn cảnh khó khăn trước khi nhập ngũ.

Là ông Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Vinh, xã Thanh Trạch điển hình tiên tiến trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thôn Thanh Vinh đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Huy động sức dân hơn 553 triệu đồng đầu tư phát triển cơ sở vật chất...

“Thông qua tuyên truyền, lan tỏa các mô hình hay, cách làm tốt, các điển hình được biểu dương, khen thưởng, giúp cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ngày càng thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Từ đó, dấy lên phong trào thi đua, rèn luyện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đặt ra”, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch Phạm Thị Hồng Tứ chia sẻ.

Thanh Long

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202412/lan-toa-cac-mo-hinh-dien-hinh-nguoi-tot-viec-tot-2223077/
Zalo