Làn sóng 'xanh hóa' xe dịch vụ

Toyota Vios, Kia Morning hay Hyundai Grand i10 dần vắng bóng trên thị trường ôtô dịch vụ, nhường chỗ cho những mẫu xe thuần điện hay hybrid.

Trước đây khi nhắc đến những mẫu xe dịch vụ, Toyota Vios, Innova hay Kia Morning, Hyundai Grand i10 là cái tên quen thuộc. Tuy nhiên khi xe điện xuất hiện tại Việt Nam, nhóm ôtô năng lượng mới này dần được nhiều người dùng hay công ty taxi chọn làm "cần câu cơm", bắt đầu một làn sóng chuyển dịch mới.

Taxi điện tràn ngập

Từ năm 2023, loạt xe năng lượng mới xuất hiện tại Việt Nam. Nhóm xe này nhanh chóng trở thành mục tiêu của các công ty taxi, được nhiều "ông lớn" ngành dịch vụ vận tải lựa chọn nhằm tiết kiệm chi phí, tối ưu lợi nhuận.

Giữa năm 2022, Lado Taxi tiên phong sử dụng loạt xe điện từ VinFast nhằm phục vụ hành khách tại Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng).

 Dàn xe điện VinFast dùng làm xe dịch vụ của Lado Taxi. Ảnh: GSM.

Dàn xe điện VinFast dùng làm xe dịch vụ của Lado Taxi. Ảnh: GSM.

Tháng 4/2023, VinGroup thành lập Xanh SM và nhanh chóng biến nó thành hãng taxi điện lớn nhất Việt Nam, với 2 mẫu xe chủ lực là VF e34 và VF 5.

Một số hãng xe taxi khác như Sun Taxi, Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), Én Vàng (TP Hải Phòng), Xanh Sapa (Lào Cai) hay Airports (TP Hà Nội) cũng "điện hóa" đội xe bằng các thỏa thuận mua và thuê bổ sung xe điện thương hiệu VinFast.

Wuling miniEV cũng là cái tên nổi bật, được lựa chọn thành xe dịch vụ ở nội đô thành phố. Một số đơn vị như Let's Go Taxi hay Togo cũng sử dụng Wuling miniEV làm xe dịch vụ. Một số hãng xe khách đường dài cũng sử dụng mẫu ôtô điện mini này làm xe trung chuyển, chở khách đến trạm xe.

 Let's Go Taxi sử dụng xe điện Wuling miniEV. Ảnh: TMT Motors.

Let's Go Taxi sử dụng xe điện Wuling miniEV. Ảnh: TMT Motors.

Gần đây, công ty Xuân Quỳnh (Thái Dương) vừa mua lô 50 chiếc BYD M6 làm xe dịch vụ. Đây cũng là công ty đầu tiên sử dụng xe điện từ BYD trong ngành vận chuyển hành khách.

Bên cạnh các doanh nghiệp taxi lớn, nhiều người dùng cũng chọn mua xe điện từ VinFast như VF 7, VF 8 kinh doanh dịch vụ vận tải, liên kết cùng Grab hay Be Car hay cho thuê xe tự lái, kèm tài xế. Tại các tuyến đường tại TP.HCM, những mẫu xe điện từ BYD hay VinFast được gắn biển vàng xuất hiện ngày càng dày đặc, cho thấy sức hút của xe điện trong ngành ôtô dịch vụ.

Không thiếu xe hybrid

Ngoài xe thuần điện, một số hãng taxi đón làn sóng "xanh" bằng cách sử dụng ôtô hybrid. Hiện tại, Toyota đang là hãng cung cấp dải sản phẩm hybrid đa dạng nhất, cũng là thương hiệu được các hãng taxi truyền thống lựa chọn bổ sung vào dàn xe.

Giữa năm 2024, hãng taxi truyền thống Vinasun vừa bổ sung mẫu Toyota Yaris Cross HEV vào đội xe taxi của mình. Hãng cũng khẳng định sẽ tiếp tục bổ sung Innova Cross HEV vào dải taxi mới, phục vụ khách hàng cả nước.

 Xe hybrid được Vinasun taxi sử dụng. Ảnh: Vinasun.

Xe hybrid được Vinasun taxi sử dụng. Ảnh: Vinasun.

Cùng lúc đó, hãng taxi Mai Linh cũng thông báo đầu tư 9.999 chiếc SUV hybrid từ Toyota nhằm "xanh hóa" đội taxi hiện tại. Theo kế hoạch, đến năm 2027, Mai Linh sẽ hoàn thành kế hoạch đầu tư xe xanh nhằm vận chuyển hành khách tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Hiện tại, nhóm xe hybrid tại Việt Nam tiếp tục có thêm các đại diện như từ Honda hay Kia. Nhóm hybrid, hybrid cắm sạc (PHEV) Trung Quốc cũng bắt đầu gia nhập thị trường, ví dụ BYD Sealion 06 và Jaecoo J7.

Xe xăng sẽ thế nào?

Sự thành công của các mẫu xe điện ở thị trường ôtô dịch vụ thể hiện rõ qua doanh số. Theo báo cáo từ VinFast, hãng xe điện nội địa ghi nhận doanh số trong năm 2024 hơn 87.000 chiếc. Trong đó, lượng lớn nhờ công của VF 5 - mẫu SUV phổ biến của Xanh SM.

TMT Motors cũng nhận được lượng đơn "khổng lồ" từ các công ty xe dịch vụ nếu so sánh với giai đoạn hãng xe này gặp khó trên thị trường. Cụ thể theo số liệu từ TMT Motors, nhà sản xuất ôtô này đang cung cấp khoảng 500 chiếc Wuling miniEV cho Let's Go Taxi. Tháng 11/2024, hãng tiếp tục ký hợp đồng bán thêm 400 chiếc Wuling Bingo và 600 MiniEV cho công ty taxi này. TMT Motors cũng bán hơn 100 chiếc Wuling miniEV cho TOGO Group phục vụ hành khách. Như vậy chỉ trong khoảng một năm, thương hiệu xe điện mini đã ghi nhận doanh số hơn 1.600 chiếc nếu chỉ tính riêng mảng xe dịch vụ.

Có thể thấy xe điện và hybrid đã phủ sóng ngành taxi dịch vụ từ xe cỡ nhỏ tới MPV và SUV. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến thị phần của những mẫu xe phổ thông chạy xăng.

Dễ thấy nhất là trường hợp của những mẫu xe cỡ nhỏ hạng A như Kia Morning hay Hyundai Grand i10. Trước đây, 2 cái tên này từng là mục tiêu của các tài xế xe dịch vụ hay hãng taxi. Thế nhưng Kia Morning hay Hyundai Grand i10 gần như biến mất trên bảng xếp hạng doanh số.

Năm 2024, cả phân khúc này bán được 9.261 xe cỡ nhỏ. Nếu đặt bên cạnh doanh số của cả nhóm vào năm 2020 (47.280 xe), phân khúc này đã "bốc hơi" hơn 80% lượng ôtô bán ra thị trường.

Toyota Vios hay Hyundai Accent, những mẫu sedan cỡ B ăn khách dù doanh số chưa quá lao dốc nhưng cũng dần mất đi nhóm khách hàng xe dịch vụ.

 Toyota Vios (trái) và Hyundai Accent (phải). Ảnh: Đức Trần.

Toyota Vios (trái) và Hyundai Accent (phải). Ảnh: Đức Trần.

Toyota Vios - "vua sedan B" vẫn giữ vững ngôi vương của mình trong phân khúc nhưng cũng mất dần vị thế trên bảng xếp hạng doanh số cả năm, rơi xuống top 5 xe bán chạy của thị trường. Hyundai Accent, cái tên kề cận của Vios cũng rơi xuống vị trí thứ 6 với 13.538 xe bán ra thị trường.

Hiện tại, dẫn đầu thị trường và bán chạy "trong làng xe dịch vụ" đang là 2 mẫu MPV chạy xăng: Mitsubishi Xpander và Xforce. Tuy nhiên từ cuối năm 2024 khi BYD mang M6 đến Việt Nam, một số chủ nhà xe, công ty taxi đã có dấu hiệu "quay xe", chuyển sang lựa chọn MPV điện.

Ở thời điểm VinFast sắp ra mắt mẫu MPV 7 chỗ Limo Green hướng thẳng tới thị trường xe dịch vụ, chắc chắn nhóm MPV chạy xăng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhìn chung sự bùng nổ của xe điện và hybrid đang dần thay đổi thị trường taxi dịch vụ. Khi xu hướng "xanh hóa" tiếp tục mở rộng, các mẫu ôtô phổ thông chạy xăng có thể phải nhường sân cho thế hệ xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện hơn với môi trường.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/lan-song-xanh-hoa-xe-dich-vu-post1532458.html
Zalo