Làn sóng trả mặt bằng tại Hà Nội chưa thấy dừng lại

Từ đầu năm đến nay, 'cơn sốt' trả mặt bằng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều cửa hàng ở những tuyến phố sầm uất, trung tâm thương mại nổi tiếng tại Hà Nội phải treo biển cho thuê. Không ít tuyến phố có hàng chục cửa hàng thông báo sang nhượng, xả hàng để trả mặt bằng trong bối cảnh kinh doanh không mấy thuận lợi.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc phố Kim Mã (Hà Nội), có khoảng gần 10 mặt bằng bỏ trống. Các tuyến lân cận như Giảng Võ, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, thậm chí là các phố mua sắm sầm uất như Bà Triệu, Phố Huế, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, hay khu vực trung tâm phố cổ… cũng trong tình trạng treo biển cho thuê. Trong đó không chỉ có cửa hàng mới kinh doanh mà có cả những cơ sở nhiều năm kinh doanh nhưng vì buôn bán ế ẩm phải trả mặt bằng.

TTTM lớn trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), vắng bóng khách qua lại

TTTM lớn trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), vắng bóng khách qua lại

Anh Minh Đức - chủ một cửa hàng sửa chữa và bán phụ kiện điện thoại nhỏ trên phố Bà Triệu vừa trả mặt bằng chỉ sau 3 tháng kinh doanh chia sẻ, do khu vực này đã có nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn, lượng khách quen đông nên những cửa hàng nhỏ, chưa có tên tuổi khó hút khách trong khi giá thuê lại cao. Vì vậy anh chủ động “rút” sớm để đi tìm khu vực phù hợp hơn.

Chia sẻ lý do khác phải trả mặt bằng, chị Mai Lan, chủ một cửa hàng trà sữa trên phố Huế cho biết, đa số khách hàng bây giờ, nhất là thế hệ gen Z phần lớn đều đặt hàng online qua các ứng dụng như Shopee, GrabFood,… ít khi đến mua trực tiếp tại cửa hàng. Đặc biệt là khi điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và nắng mưa thất thường người ngại ra đường khiến xu hướng này lại càng phát triển mạnh hơn. “Giờ tôi nghĩ bỏ ra vài chục triệu chạy quảng cáo, thuê nhân viên chăm sóc khách hàng để hoạt động tập trung trên các sàn thương mại điện tử có khi còn hay hơn là thuê mặt bằng và cứ mở cửa qua ngày như thế”, chị Lan tâm sự.

Ngoài ra, theo chính những người đã kinh doanh xung quanh các cơ sở trên chia sẻ, bên cạnh khó khăn về kinh tế, việc không đáp ứng đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng là một trong những lý do khiến nhiều điểm thuê bị bỏ trống. “Mấy năm gần đây Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy lớn nên người ta kiểm tra PCCC rất gắt gao, đặc biệt là ở các tuyến phố cổ đông đúc, nhà lại cũ. Nếu không đáp ứng quy định thì sẽ bị đóng cửa, mà không hoạt động thường xuyên thì làm sao trụ lại được ở những khu đắt đỏ này”, chị Vũ Thị Hồng, chủ một cơ sở kinh doanh trên phố Hai Bà Trưng nói.

Làn sóng trả mặt bằng dự kiến sẽ chưa dừng lại khi tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá thuê cao trong khi xu hướng mua sắm của người dân đã thay đổi

Làn sóng trả mặt bằng dự kiến sẽ chưa dừng lại khi tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá thuê cao trong khi xu hướng mua sắm của người dân đã thay đổi

Có thể thấy, hàng loạt các vấn đề xảy ra như khó khăn kinh tế, sự kiểm soát an toàn PCCC chặt chẽ cùng sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân đã khiến nhiều chủ kinh doanh truyền thống phải đau đầu trước bài toán nên tiếp tục tìm chỗ thuê hay “cải tổ” hoạt động bán hàng. Và việc liên tục trả mặt bằng cũng khiến các chủ cho thuê mặt bằng “sốt sắng” khi tiền cho thuê nhà là nguồn thu chủ yếu của gia đình.

Nằm ngay trên một trong các tuyến phố trung tâm là phố Hàng Bài, hàng ngày chứng kiến du khách quốc tế ra vào tấp nập các khách sạn, bà Huyền Trang lại càng sốt ruột khi nhiều tháng nay chưa thể cho thuê căn nhà 2 tầng có diện tích gần 90m2 của gia đình. Bởi nó cũng mang lại nguồn thu nhập kha khá cho gia đình mỗi tháng bà thu về 80 triệu đồng từ tiền cho thuê nhà. “Tôi đã treo biển cho thuê, tìm cả môi giới, thậm chí là rao trực tiếp nhiều tháng nay nhưng chưa tìm được người thuê”, bà Trang cho biết.

Chia sẻ về việc khó khăn trong cho thuê mặt bằng, bà Trang cho biết, ảnh hưởng của hậu Covid-19 kinh tế suy giảm là nguyên nhân chính khiến nhiều người không còn đủ lực để tiếp tục thuê các cửa hàng với mức giá cao. Khách quen thuê nhà bà trước đây để bán quần áo nhưng sau Covid đã trả mặt bằng để mở lại cửa hàng ở khu vực có giá thuê nhà thấp hơn tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai. Trong thời gian tới, bà dự tính sẽ đổi thành cho thuê theo tầng, chia nhỏ mặt bằng để dễ cho thuê với giá thấp hơn, phù hợp với yêu cầu của nhiều khách thuê hiện nay.

Trước tình hình kinh tế khó khăn, phần lớn chủ cửa hàng bây giờ chỉ muốn thuê mặt bằng nhỏ, có giá trong khoảng 10 - 20 triệu đồng thay vì thuê cả căn như trước đây. Tuy nhiên nhiều căn nhà lại không thể đáp ứng được yêu cầu này do vấn đề bất tiện trong đi lại giữa các tầng hoặc do giá cả không thỏa đáng. Bên cạnh đó, cũng có một số chủ nhà khác chưa cho ai thuê mặt bằng vì họ “kén” mặt hàng kinh doanh. “Tôi chưa cho thuê do nhiều người đến hỏi nhưng toàn để kinh doanh quán nhậu, quán ăn nướng, gia đình tôi sống ngay tầng trên nên không thể chịu được loại hình kinh doanh ồn ào này”, ông Hùng chia sẻ.

Làn sóng trả mặt bằng dự kiến sẽ chưa dừng lại khi tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá thuê cao trong khi xu hướng mua sắm của người dân đã thay đổi. Đứng trước tình trạng trả mặt bằng kéo dài này, hướng giải pháp tốt nhất hiện nay cho những chủ thuê đang tìm khách thuê để có thêm thu nhập là nên chia lẻ mặt bằng, hạ mức giá phù hợp hơn. Ngoài ra, chủ thuê cũng cần cân nhắc về tiến độ thanh toán. Việc có một tiến độ thanh toán linh hoạt và giãn tiến độ thanh toán sẽ là một yếu tố giúp cho những mặt bằng này có thể cho thuê trở lại. Chủ sở hữu sẽ cần cạnh tranh 2 yếu tố: Thứ nhất, các điều khoản thương mại phải ưu đãi; Thứ hai, những mặt bằng yêu cầu ít chi phí đầu tư hơn sẽ có khả năng cho thuê được tốt hơn và nhanh hơn.

Thúy Hằng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/lan-song-tra-mat-bang-tai-ha-noi-chua-thay-dung-lai-156480.html
Zalo