Làn sóng đình công tại Hollywood: Giới biên kịch đòi quyền lợi
Từ ngày 2/5, cuộc đình công của Hội biên kịch Mỹ (WGA), đại diện cho khoảng 11.500 nhà biên kịch, đã diễn ra tại Hollywood, California,về vấn đề lương thấp và điều kiện làm việc.
Cuộc đình công của WGA bắt đầu lúc 12:01 sáng ngày 2/5 (giờ PT), một phút sau khi hợp đồng của họ với Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình hết hạn và cuộc đàm phán song phương không đi đến nhất trí.
Bất đồng về quyền lợi của biên kịch
Theo Deadline, đây có thể coi là cuộc chiến giữa hai đối tượng chính. Một bên là các hãng phim Hollywood, kênh truyền hình, kênh phát trực tuyến, hàng trăm nhà sản xuất phim và phân phối nội dung. Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) đại diện cho lực lượng này.
Bên kia là WGA và nhiều hiệp hội biên kịch có sức nặng khác, bao gồm SAG-AFTRA và DGA. Trung tâm của cuộc đình công là vấn đề lương thấp và điều kiện làm việc khó khăn.
Quan điểm của WGA là: “Sự sống còn của nghề viết lách đang bị đe dọa”, đồng thời lưu ý rằng nhiều biên kịch trước đây kiếm sống tốt nhưng hiện cảm thấy khó khăn hơn nhiều.
Giải thích về điều này, WGA cho hay: “Chịu ảnh hưởng nhiều từ xu hướng phát trực tuyến, các nhà văn đang nhận thấy tác phẩm của họ bị giảm giá trị. Trong khi lợi nhuận của các công ty vẫn ở mức cao và chi tiêu cho nội dung tăng lên, thì các nhà văn lại bị tụt lại phía sau. Các công ty đã sử dụng quá trình chuyển đổi sang phát trực tuyến để cắt giảm lương của biên kịch và tách việc viết lách khỏi quá trình sản xuất. Điều này cũng khiến điều kiện làm việc của các nhà biên kịch ở mọi cấp độ trở nên tồi tệ hơn”.
Trong tuyên bố đình công, WGA cũng cho biết AMPTP đã tạo ra mô hình làm việc tạm bợ từ nền tảng công việc toàn thời gian ban đầu. “Hành vi của các công ty tạo ra nền kinh tế tạm bợ đối với lực lượng lao động trong công đoàn của chúng ta. Và lập trường khăng khăng của họ trong cuộc đàm phán này đã phản bội cam kết của họ và tiếp tục hạ giá trị nghề viết lách. Họ từ chối đảm bảo việc làm theo tuần cho thể loại truyền hình nhiều tập, đưa ra ‘mức lương theo ngày’ trong thể loại hài kịch hay việc từ chối đối thoại với các nhà biên kịch, họ đã đóng cửa với lực lượng lao động cho mình và ấn định viết lách là một nghề tự do”.
Mục tiêu của cuộc đình công là tiền bồi thường, hạn chế các phòng làm việc nhỏ, nơi các nhóm biên kịch phải làm việc trước khi sản xuất một bộ phim truyền hình để bóc tách các câu chuyện và viết kịch bản. WGA đã lập luận rằng các nhà sản xuất nên chi trả cho các nhà biên kịch một cách công bằng hơn.
“Các phân khúc giải trí của nhiều công ty lớn trong ngành, Netflix, Paramount Global, Warner Bros. Discovery, Fox, Disney và Comcast/NBCUUniversal, đã công bố thu nhập hoạt động hàng năm trung bình là 29 tỷ USD từ năm 2017 đến năm 2021. Lợi nhuận của các công ty truyền thông vào năm 2022 thấp hơn, nhưng các công ty này dự kiến cải thiện trong thời gian tới khi họ hướng tới tăng lợi nhuận trong lĩnh vực phát trực tuyến”, WGA cho hay.
WGA cũng muốn thiết lập một số loại chính sách về AI và quyền tác giả, đặc biệt nếu ý tưởng của nhà văn và biên kịch được sử dụng làm cơ sở cho tác phẩm do AI tạo ra.
Về phần mình, AMPTP nói rằng họ đang thực hiện một cách tiếp cận tài chính thận trọng, đại diện cho lợi ích của các thành viên với sự quan tâm đến lợi nhuận và giá cổ phiếu của họ. Chủ tịch AMPTP Carol Lombardini được nhiều người coi là một nhà đàm phán cứng rắn và bà ấy muốn điều tốt nhất cho phía mình. Đó chính là thỏa thuận giúp quá trình sản xuất tiếp tục trôi chảy và phát triển, đồng thời giúp các hãng phim và người phát trực tuyến kiểm soát chi phí của họ.
Mục tiêu cơ bản hiện tại của AMPTP là muốn tiếp tục sản xuất. Một tuyên bố gần đây của các công ty này có nội dung: “Tất cả chúng ta đều là đối tác trong việc cùng nhau vạch ra tương lai kinh doanh của mình và hoàn toàn cam kết đạt được thỏa thuận cùng có lợi với từng đối tác đàm phán. Mục tiêu là duy trì hoạt động sản xuất để tất cả chúng ta có thể tiếp tục làm việc và tiếp tục cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm giải trí tốt nhất hiện có trên thế giới”.
Hệ lụy tới nhiều chương trình
Các chương trình tối như The Late Show, Jimmy Kimmel hay The Tonight Show bị ảnh hưởng đầu tiên do lịch trình hàng đêm và tính chất thời sự của họ. Bị ảnh hưởng tiếp theo là Daytime TV, đặc biệt là các bộ phim truyền hình dài tập, thường có lịch trình sản xuất liên tục.
Saturday Night Live sẽ bị ảnh hưởng ngay sau đó đối với ba chương trình cuối mùa. Sự gián đoạn này cũng gây nhiều hệ lụy tới chương trình do Pete Davidson tổ chức vào ngày 6/5 cũng như đêm chung kết của mùa.
Các bộ phim phát hành tại rạp cũng có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp xấu nhất. Trong khi lịch phát hành ra rạp trong 6 tháng đầu năm 2024 gần như vẫn được giữ nguyên thì các bộ phim từ nửa sau của năm 2024 có thể sẽ gặp khó khăn vì quá trình sản xuất có thể bị trì hoãn từ quý IV năm 2023 sang năm 2024.
Về lâu dài, một số chương trình nhiều tập cũng có thể bị ảnh hưởng. Theo một báo cáo gần đây của WGA, “việc ngừng làm việc vào tháng 5 có thể làm trì hoãn mùa phim truyền hình, vốn chiếm 1/3 tổng số tập được sản xuất, bao gồm 45% số tập do các công ty truyền thông Disney, Paramount Global và Comcast NBC Universal chịu trách nhiệm. Các nhà biên kịch cho loạt phim truyền hình mùa thu thường bắt đầu làm việc vào tháng 5 và tháng 6 để chuẩn bị cho loạt phim ra mắt vào tháng 9 và tháng 10. Các nhà biên kịch cho nhiều loạt phim phát trực tuyến cũng đang làm việc hoặc dự kiến sẽ bắt đầu trong những tháng tới. Bất kỳ sự chậm trễ nào đều có khả năng làm hoãn các buổi chiếu ra mắt vào mùa thu và cuối cùng có thể làm giảm số lượng chương trình mới được sản xuất cho mùa phim truyền hình mạng 2023-2024”.
Trong cuộc đình công năm 2007-2008 của giới biên kịch, các công ty đã đối phó bằng việc tăng cường xây dựng các chương trình truyền hình thực tế và nhiều định dạng chương trình mới cắt giảm vai trò của kịch bản, thậm chí không cần kịch bản. Do đó, trong lần đình công này, các công ty thậm chí có thể thích nghi nhanh hơn và đẩy nhanh hơn nữa đà suy giảm của các chương trình cần kịch bản.
Hồi tháng 11/2007, cuộc đình công kéo dài 100 ngày của 12.000 nhà biên kịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế California hơn 2 tỷ USD. Cuộc đình công khác vào năm 1988 kéo dài 153 ngày và cuộc đình công năm 1985 kéo dài 14 ngày.
Vào ngày 15/5 tới, các nhà lãnh đạo WGA đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc mít tinh lớn. Về triển vọng các cuộc đàm phán mới với AMPTP, WGA cho biết chưa có cuộc đối thoại nào kể từ khi họ tuyên bố đình công. Nhưng WGA luôn sẵn sàng nối lại đối thoại. “Tôi biết, với tư cách là một thành viên của ủy ban đàm phán, tôi có thể nói rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào nếu họ muốn làm việc nghiêm túc và họ muốn thấy giá trị của chúng tôi”, ông Sanchez-Witzel, một thành viên của WGA tuyên bố.
Khi được hỏi liệu các nhà đàm phán của WGA có sẵn sàng tham gia lại các cuộc đàm phán ngay vào ngày mai hay không, ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng ngay hôm nay”.