Làn sóng CEO livestream bán hàng

Sau nhiều vụ việc KOL quảng bá sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của khách hàng, thì hình ảnh các CEO 'lên sóng' livestream đã mang đến làn gió mới cho người dùng mua sắm trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu Meet More Coffee trong một phiên livestream gần đây.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu Meet More Coffee trong một phiên livestream gần đây.

Đầu tư cho các phiên livestream

Không chỉ đứng sau điều hành chiến lược công ty, bận rộn với công việc của cấp quản lý, bà Đặng Thùy Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần APG Eco tích cực tham gia các phiên livestream bán hàng nông sản của doanh nghiệp. Hoạt động này được đánh giá là cần thiết, sẵn sàng cho xu hướng tiêu dùng mới của Gen Z.

Theo đó, nữ lãnh đạo của APG Eco bắt đầu tham vào hoạt động livestream từ tháng 4/2024 tại văn phòng, kho hàng chỉ bằng thiết bị di động thông minh. Sau đó, bà đầu tư vào các phòng livestream riêng biệt, chi phí ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, bao gồm máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất…

“Một tháng, tôi có khoảng 9 buổi livestream chính, đây là những phiên mega livestream (là hình thức phát sóng trực tiếp các chương trình trên nhiều nền tảng kỹ thuật số với quy mô lớn) do các sàn thương mại điện tử tổ chức. Ngoài ra, mỗi tuần tôi sẽ livestream 2-3 buổi trên nền tảng Tiktok Shop, nếu thời gian cho phép, tôi dành thêm 3-5 tiếng mỗi ngày để livestream bán hàng. Qua các phiên bán hàng này, chúng tôi giới thiệu đến người tiêu dùng các nông sản Việt như gạo, dầu dừa, trái cây sấy dẻo, trà atiso…”, bà Linh chia sẻ.

Từ năm 2024, livestream bán hàng không còn là xu hướng mới, mà đã trở thành một hiện tượng bùng nổ trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, hình ảnh doanh nhân, giám đốc điều hành tham gia livestream để giới thiệu sản phẩm và “chốt đơn” đang tạo được điểm nhấn và thu hút người tiêu dùng mua sắm online.

Bà nhớ lại, thời doanh nghiệp nhập cuộc bằng những phiên livestream bán hàng của nhân viên, chỉ có vài người xem. Sau khi kênh mạng xã hội cá nhân chia sẻ cuộc sống thường ngày của một CEO, nữ lãnh đạo được nhiều người quan tâm, bà thử sức với hoạt động livestream và đạt được nhiều tương tác tích cực, mỗi phiên bán được hàng trăm đến hàng ngàn đơn hàng gạo, sản phẩm nông sản.

Với ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (nhà sáng lập thương hiệu Meet More Coffee), trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tiếp cận và mở rộng kênh bán hàng là nhu cầu tất yếu của bất cứ doanh nghiệp nào, trong đó có doanh nghiệp chế biến như Meet More. Đó là lý do ông lựa chọn “lên sóng” livestream.

Giữa năm 2023, nhà sáng lập Meet More thành lập tổ livestream với nhân sự từ các phòng ban khác nhau. Ông lựa chọn đầu tư ở một mức độ nhất định, khoảng 50 triệu đồng cho một phòng livestream với thiết bị là đèn, điện thoại, bàn xoay… để vừa thực hiện, vừa học hỏi lẫn nhau.

“Về kiến thức, gần như chúng tôi tự ‘bơi’, bởi chưa có các lớp đào tạo livestream bài bản. Thời điểm đó, cũng không có một tiêu chuẩn, bài học nào được xem là chuyên nghiệp, bằng khả năng tự học và kiến thức được cóp nhặt trên nền tảng Internet. Tôi cùng nhân sự của mình livestream với mục đích giới thiệu thương hiệu, sau đó mới bắt đầu bán hàng”, ông Luận cho hay.

Khá may mắn khi giai đoạn năm 2023-2024, TP.HCM đẩy mạnh hoạt động bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP qua kênh bán hàng trực tuyến. Meet More và một vài đơn vị tham gia livestream bán hàng nông sản tại huyện Cần Giờ, chợ Bến Thành. Đây cũng là thời gian ông Nguyễn Ngọc Luận có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (những người tiêu dùng chủ chốt, có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường)…

Qua đó, mỗi cuối tuần, nhà sáng lập Meet More tham gia livestream cùng đội ngũ nhân sự trong 2 giờ với vai trò chia sẻ kiến thức về cà phê, câu chuyện khởi nghiệp, hành trình phát triển của doanh nghiệp…

Nhiều kết quả tích cực

Theo các doanh nhân, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, sức mua của người tiêu dùng trong nước đang giảm nhẹ, vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp là làm sao để duy trì các đơn hàng, nhân sự có việc làm…

Bà Đặng Thùy Linh thông tin, ngoài kênh xuất khẩu và đại lý truyền thống trong nước đã vận hành lâu nay, theo thống kê từ nền tảng thương mại điện tử, từ tháng 4-12/2024, APG Eco ghi nhận mức tăng trưởng 500% với hoạt động bán hàng này. Để đạt con số tích cực, doanh nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ sản phẩm, nội dung livestream và giữ vững sự kết nối chân thành đến khách hàng.

Đại diện APG Eco cho rằng, những doanh nghiệp nào tận dụng được lợi thế này đều có thể mở rộng hoạt động kinh doanh rất nhanh, tối ưu những chi phí quảng cáo không cần thiết. Tại doanh nghiệp, hình ảnh thương hiệu tăng mạnh, nhưng chi phí truyền thông giảm đến 80%. Dây chuyền sản xuất, năng suất tăng gấp đôi để phục thêm khách hàng trên thương mại điện tử.

“Trong năm 2025, ngoài việc phát triển livestream một kênh, chúng tôi sẽ phát triển đa kênh, đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân sự. Song song đó là phát triển thêm các phiên livestream trải nghiệm, đồng thời tăng cường kết hợp livestream trong các lễ hội, hội chợ, sự kiện lớn trong nước”, bà Linh cho biết.

Có thể thấy, khi lãnh đạo doanh nghiệp tích cực tham gia, mức độ uy tín của các phiên livestream gia tăng đáng kể. Ngoài ra, người đứng đầu thương hiệu là những người hiểu rõ về sản phẩm nhất, có cảm xúc với sản phẩm, từ đó dễ tạo được sự tích cực cho người mua.

“Meet More ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Mỗi câu chuyện về CEO, quá trình hình thành và đầu tư chất lượng sản phẩm, xuất khẩu nông sản Việt… là yếu tố tôi mong muốn thông qua các nền tảng thương mại điện tử, các phiên livestream để truyền cảm hứng đến người tiêu dùng, định hình được thương hiệu trong nước, hướng đến phát triển bền vững chứ không áp lực quá nhiều vào câu chuyện doanh số, chốt đơn”, ông Nguyễn Ngọc Luận nhận định.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lan-song-ceo-livestream-ban-hang-d273970.html
Zalo