'Lằn ranh đỏ' mong manh

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, phía Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung Oreshnik nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine, đáp trả các cuộc tấn công của ATACMS ở vùng Bryansk và Storm Shadow ở Kursk. Cuộc tấn công ngày 21/11 đánh dấu bước chuyển sang một vòng leo thang chính trị - quân sự mới giữa Nga và phương Tây.

Theo thông số kỹ thuật quốc tế, tầm bắn của tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung Oreshnik có thể lên tới 5,5 nghìn km, và đạt tốc độ bay tối đa hơn 13.000km/h (gấp 10 lần tốc độ âm thanh, hay Mach 10) cùng khả năng thay đổi hướng sau khi phóng nên rất khó bị đánh chặn. Các chuyên gia quân sự cho rằng, hiện nay chỉ có Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa Oreshnik. Tuy nhiên, quân đội Mỹ hiện sở hữu 7 khẩu đội THAAD; trong đó, 2 khẩu đội THAAD được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên đảo Guam và Hàn Quốc, 2 khẩu đội khác ở Trung Đông và 3 khẩu đội còn lại được đặt ở Texas, mặc dù mức độ sẵn sàng chiến đấu của tất cả các khẩu đội này vẫn là dấu hỏi.

Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga ngày 21/11 là một thông điệp rõ ràng muốn gửi đến đối thủ. Oreshnik không phải là vũ khí cục bộ thông thường mà là một tên lửa đạn đạo dành cho những trường hợp đặc biệt khi mức độ của cuộc xung đột buộc Nga phải sử dụng. Đối với Nga, có vẻ như phương Tây không ngại leo thang không phải vì họ đánh giá thấp Moscow mà vì không tin tưởng vào quyết tâm của Moscow. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu trong cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga là nhằm “nắn gân” đối thủ của mình ở phía đối diện và từ đó, ngăn cản mức độ leo thang lên nấc mới nguy hiểm hơn.

Điều đáng chú ý trong toàn bộ câu chuyện này là “chế độ cảnh báo sớm” vẫn còn hiệu lực đối với cả hai bên, khiến sự leo thang nằm trong tầm kiểm soát, tức là cả Nga và phương Tây đều ý thức được “lằn ranh đỏ” cho dù đang rất mong manh. Theo một số nguồn tin, Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã tiết lộ trước cho giới truyền thông tin tức về sự thay đổi trong chính sách liên quan đến việc cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga; và ngược lại, Nga đã thông báo cho Mỹ về cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik trước 30 phút. Bằng cách này, cả hai bên đều tìm các loại bỏ yếu tố bất ngờ khỏi “cuộc chơi” do lo ngại rằng, cuộc xung đột có thể phát triển thành một sự leo thang không thể kiểm soát, đẩy các bên rơi vào một cuộc chiến tranh trực tiếp với mức độ rủi ro là rất lớn.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Nhà Trắng có phản ứng bằng một vòng căng thẳng mới với Nga trong vấn đề Ukraine trước khi bước vào nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nhằm chiếm lợi thế, tạo “con bài mặc cả” như một phần của chiến lược đàm phán hay không? Hay Washington sẽ không làm gì mà chỉ cần cho phép quân đội Ukraine tiếp tục sử dụng vũ khí tầm xa là đủ. Nếu Mỹ và các đồng minh duy trì đường lối đã định, Nga chắc chắn sẽ phải đặt cược nhiều hơn, xu hướng đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây sẽ gần hơn bao giờ hết khi mà khả năng xảy ra một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào một trong các thành viên NATO sẽ thổi bùng xung đột.

Mặt khác, nếu kịch bản như vậy xảy ra thì không có gì bảo đảm rằng xung đột sẽ tiếp tục được kiểm soát. Ví dụ, điều này có thể gây ra phản ứng dây chuyền giữa NATO và Nga. Trong khi đó, điều khiến tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng là cả hai bên sẽ không biết chính xác tên lửa đạn đạo đang bay về phía mình chứa chất gì, đầu đạn đặc biệt hay đầu đạn rỗng. Và đây là một giai đoạn leo thang hoàn toàn khác, các động thái trả đũa từ đây chắc chắn sẽ khiến “lằn ranh đỏ” giữa các bên bị phá vỡ.

Đồng thời, Mỹ còn có lựa chọn khác để hạ nhiệt tình hình - quay trở lại khuôn khổ trước đó của cuộc xung đột Ukraine và áp đặt lệnh cấm bất thành văn đối với việc sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga từ năm 1991. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phương Tây sẽ “ngầm” thừa nhận rằng biện pháp răn đe của Nga đã có hiệu quả, điều đó sẽ khiến hình ảnh, uy tín của phương Tây sụt giảm đáng kể trên trường quốc tế. Do đó, nhiều khả năng Washington vẫn lựa chọn phương án đầu tiên - tiếp tục và kiểm tra thêm phản ứng của Moscow, ít nhất cho đến khi phản ứng này vượt ra ngoài biên giới Ukraine.

Rõ ràng, phương Tây tiếp tục sử dụng vấn đề Ukraine như một công cụ để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình; và Nga, thông qua cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik, biến chiến trường Ukraine làm nơi thử nghiệm và trình diễn các loại vũ khí mới, hiện đại của mình, chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn, “nắn gân” các nước phương Tây. Cả Nga và NATO hiện đang ở trong tình thế mà không ai có ý định rút lui, song cũng không bên nào muốn xung đột trực tiếp với nhau cho dù “lằn ranh đỏ” đang khá mong manh.

HÙNG ANH

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lan-ranh-do-mong-manh-231261.htm
Zalo