Làn gió mới trong công tác giảm nghèo

Được ví như một cuộc 'cách mạng', những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo không còn là cá biệt ở một vài thôn, bản mà ngày càng lan tỏa ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Nhà nước; sự sát sao, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ 'trợ lực' giảm nghèo mà còn thay đổi tư duy của không ít người nghèo: Từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tự lực vươn lên.

Bài 1: “Cho tôi xin ra khỏi hộ nghèo”

Là hộ nghèo sẽ được quan tâm hỗ trợ nhiều mặt. Thế nhưng trái với một số hộ “thích nghèo”, xin “được nghèo” thì có những người nghèo đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo. Họ không hẳn đã hết khó khăn, không cần trợ giúp mà trong suy nghĩ họ không muốn tiếp tục ỷ lại, trông chờ mà tự lực vươn lên. Đó là sự thay đổi lớn, tạo ra làn gió mới cho cuộc cách mạng giảm nghèo trên địa bàn.

Thay đổi từ tư duy

Những năm qua, chương trình giảm nghèo đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người nghèo tỉnh Điện Biên. Một số nhu cầu thiết yếu như: Nhà ở, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục... được đáp ứng; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân được nâng cao.

Sau khi tách hộ, lập gia đình riêng, vợ chồng anh Thào A Lừ là hộ nghèo đã nhiều năm ở bản Đệ Tinh 1, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Bài toán trồng cây nào, nuôi con gì để có thể phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình với anh Lừ không dễ, bởi ngoài “miếng đất cắm dùi” mà bố mẹ để lại thì hoàn toàn tay trắng.

Năm 2018 - cuộc sống gia đình bắt đầu bước sang trang mới khi được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản, được vay vốn ưu đãi anh mua thêm lợn, gà rồi chăm chỉ học cách chăm sóc đàn vật nuôi đúng kỹ thuật từ những người làm kinh tế giỏi của xã. Chẳng phụ công, đàn vật nuôi của gia đình ngày càng phát triển, anh Lừ bán một phần để trả số tiền vay vốn rồi dành dụm dựng căn nhà gỗ.

Niềm vui ấy cứ thế nhân lên khi tháng 5/2023, anh Thào A Lừ vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng từ đây anh nhận thức rõ xin ra khỏi hộ nghèo là việc làm cần thiết, đúng đắn. Dù biết không còn là hộ nghèo thì đồng nghĩa với việc không còn nhận các khoản hỗ trợ song anh Lừ vẫn quyết tâm. Đầu năm 2024 anh Thào A Lừ đăng ký ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

“Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, rồi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Giờ tuy chưa khấm khá, nhưng 3 đứa con đã được ăn học đầy đủ mà vẫn trông chờ hỗ trợ tiếp từ Nhà nước là xấu hổ lắm!” - anh Thào A Lừ cho biết.

Phìn Hồ là xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ nhưng đã có nhiều hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Năm 2022, xã có 44 hộ đăng ký thoát nghèo; đến năm 2023 có 48 hộ đăng ký thoát nghèo. Trò chuyện cùng những người xin thoát nghèo mới thấy: Trước đó, khi còn quá nghèo họ luôn mong chờ nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Và rồi khi thấy gia đình đã có chút điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, họ tin tưởng trong tương lai không xa cuộc sống gia đình mình sẽ khấm khá hơn nên đăng ký thoát nghèo.

Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ khẳng định: Những hộ viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã hết khó khăn mà chứng tỏ người dân đã có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Đó là thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Người nghèo xin ra khỏi hộ nghèo để vươn lên bằng chính nghị lực và quyết tâm của mình nên cấp ủy, chính quyền địa phương rất ủng hộ và vẫn tiếp tục dành sự quan tâm, giúp đỡ để họ vững tâm hơn trên hành trình thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Lan tỏa tinh thần thoát nghèo

Không còn là cá biệt ở vài thôn, bản; những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo ngày càng lan tỏa ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Với suy nghĩ còn sức lao động thì vẫn đủ khả năng vươn lên thoát nghèo dù còn không ít khó khăn nhưng nhiều hộ nghèo ở huyện biên giới Mường Nhé đã mạnh dạn đăng ký xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Hộ anh Lý A Páo, Trưởng bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) là hộ “nghèo bền vững” ở bản nhiều năm, gia đình không chỉ thiếu hụt tiêu chí thu nhập mà còn thiếu dịch vụ xã hội cơ bản. Nguồn thu nhập ít ỏi của gia đình anh Páo trông chờ vào mảnh nương nhỏ và vài con gia cầm. Gia đình đông nhân khẩu song với suy nghĩ còn sức lao động, còn đi làm thuê được thì không nên trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, anh Páo đã tình nguyện xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo ở Huổi Lắp.

Anh Lý A Páo chia sẻ: “Quyết tâm thoát nghèo là để tương lai các con không còn nghèo nữa. Hơn nữa, để khẳng định vai trò, trách nhiệm là trưởng bản khi nói được sẽ làm được và tiếp thêm sức mạnh cho nhiều hộ khác ở Huổi Lắp cùng làm theo”.

Là bản có 100% hộ nghèo, cũng như gia đình anh Lý A Páo, nhiều hộ dân khác của Huổi Lắp cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém, nhất là các hộ thuộc diện di dân do nhà ở nằm ngay dưới cung trượt, có nguy cơ sạt lở cao. Bởi thế mà theo ông Vũ Bảo Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, vận động hộ nghèo ở 8/8 bản nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực, lòng tự trọng của hộ nghèo để phấn đấu thoát nghèo bền vững. Tạo “đòn bẩy” thoát nghèo, chính quyền địa phương chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống để người nghèo trực tiếp lao động, sản xuất từng bước thay đổi cuộc sống.

Lan tỏa việc làm ý nghĩa ở xã Phìn Hồ, Quảng Lâm, việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo không còn là chuyện hiếm như trên địa bàn xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), xã Lay Nưa (TX. Mường Lay). Dù cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng nhiều người nghèo đã ý thức rằng: Muốn thoát nghèo phải tự lực vươn lên. Xin ra khỏi hộ nghèo để thúc đẩy quyết tâm thoát nghèo. Đó còn là hành động đẹp thể hiện sự sẻ chia với cộng đồng khi còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn hơn. Bằng sự chủ động, tích cực vượt khó đó, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo ngày càng nhiều hơn ở các địa phương, tạo động lực cho những hộ nghèo khác cùng phấn đấu vươn lên.

Bài 2: “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình giảm nghèo

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218318/lan-gio-moi-trong-cong-tac-giam-ngheo
Zalo