Làn gió mới nơi biên ải

Trên cung đường đèo uốn lượn trập trùng ở Cao Bằng, nơi những dãy đá tai mèo sừng sững ôm ấp bản làng, hành trình đi-về để giải quyết thủ tục hành chính luôn là trăn trở của người dân vùng cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: TUYẾT TRINH)

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: TUYẾT TRINH)

Thế nhưng, những ngày đầu tháng 7 lịch sử này, mọi khó khăn nơi biên viễn đang tạm lắng, nhường chỗ cho một trải nghiệm hoàn toàn mới của cả chính quyền lẫn người dân, doanh nghiệp...

Kể từ ngày 1/7, cùng cả nước, chính quyền 2 cấp chính thức đi vào vận hành ở , thổi làn gió mới qua những trung tâm phục vụ hành chính công non trẻ, còn gặp nhiều khó khăn ở vùng biên viễn.

Chuyển mình đón "dòng chảy" mới

Tại phường Tân Giang, 1 trong 3 phường mới của tỉnh Cao Bằng, không khí làm việc trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp khá sôi động.

Ngay từ sáng sớm, đội ngũ cán bộ, công chức phường có mặt đầy đủ, sẵn sàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... Điều đáng chú ý là sự chủ động và linh hoạt trong việc phối hợp của các đơn vị liên quan, xử lý các tình huống phát sinh tại chỗ, tháo gỡ vướng mắc ban đầu khá hiệu quả.

Đồng chí Trịnh Sỹ Tài, Bí thư Đảng ủy phường Tân Giang cho biết, trong giai đoạn thử nghiệm, Đảng ủy và chính quyền phường bám sát hoạt động của cán bộ, công chức; trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Trong ngày đầu chính thức vận hành, trung tâm tiếp nhận trực tiếp 28 hồ sơ, 6 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Dù vẫn còn 22 hồ sơ chưa đủ điều kiện tiếp nhận và cần hướng dẫn, tư vấn - một khó khăn khó tránh khỏi ban đầu khi người dân chưa quen với quy trình mới - nhưng điều này cũng cho thấy sự tương tác và nhu cầu thực tế đối với các dịch vụ hành chính đã tăng rõ rệt.

Từ phường Tân Giang nhộn nhịp, tinh thần làm việc tích cực lan tỏa đến Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Phục Hòa - một xã biên giới mới thành lập từ huyện Quảng Hòa trước đây, nơi những dãy núi trùng điệp nối liền các khu dân cư, thị trấn đến lũng cao, đường biên...

Ông Hà Văn Trường, người dân tộc Tày, sống ở xóm Biên Hòa, vượt 15km đường núi gập ghềnh qua đèo Kênh Càng mới đến được trung tâm xã để giải quyết thủ tục đất đai. Cuộc sống gắn liền với ruộng nương, mỗi lần cần làm thủ tục hành chính là một lần ông phải chuẩn bị tinh thần cho chuyến xuống núi... đầy gian nan.

“Tôi sống ở xóm giáp biên, giao thông đi lại khó khăn lắm. Nhưng đi đường vất vả chẳng ngại bằng việc trước đây, mỗi lần đi làm thủ tục hành chính thì xong ở xã rồi lại xuống huyện. Đi đi về về, mất 2 đến 3 ngày chưa chắc đã xong việc…”.

Nhưng lần này ông không khỏi ngỡ ngàng. Chỉ trong một buổi, việc của ông Hà Văn Trường được cán bộ Ủy ban nhân dân xã Phục Hòa hướng dẫn, giải quyết xong. Ông cũng ấn tượng với không gian ở khu vực chờ được bố trí ghế ngồi sạch sẽ, thoải mái.

Trung tâm Phục vụ hành chính công xã niêm yết công khai bộ hướng dẫn thủ tục hành chính giúp người dân thuận lợi tiếp nhận; cung cấp số điện thoại đường dây nóng sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Từng lo lắng về giải quyết thủ tục của doanh nghiệp khi triển khai mô hình chính quyền mới, ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng đã suy nghĩ khác: “Trước đây, doanh nghiệp dù đóng trên địa bàn xã nhưng có nhiều việc phải lên huyện, thậm chí lên tỉnh hỏi thì nay thuộc thẩm quyền của xã, có thể được hỗ trợ xử lý nhanh, giảm thời gian, tăng hiệu quả”.

Với nỗ lực vượt khó, từ ngày vận hành chính thức, Ủy ban nhân dân xã Phục Hòa không có hồ sơ trễ hạn, không có phản ánh hay kiến nghị nào của người dân liên quan việc giải quyết thủ tục hành chính.

Khơi dậy niềm tin từ người dân

Thực tế, quá trình chuyển đổi sang mô hình chính quyền 2 cấp không tránh khỏi những thách thức cần vượt qua. Chủ động dự báo khó khăn sẽ gặp phải, sẵn sàng khắc phục bất cập phát sinh, các địa phương ở Cao Bằng khá lạc quan trong việc có thể xử lý tốt tình huống.

Bí thư Đảng ủy phường Tân Giang Trịnh Sỹ Tài cho biết, khó khăn nhìn thấy ngay chính là việc sắp xếp vị trí ngồi, trụ sở Đảng ủy, UBND phường và các tổ chức chính trị-xã hội.

Phường có 4 nơi làm việc nhưng ở những vị trí cách xa nhau, thậm chí phải sử dụng lại nhà văn hóa làm công tác hành chính công.

Để khắc phục và nỗ lực vận hành, phường Tân Giang bố trí cán bộ từ cấp thành phố (trước đây) chuyển về và nguyên cán bộ cấp xã trực tiếp ở các chức danh phù hợp để phối hợp hỗ trợ nhân dân, bảo đảm truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức xử lý hành chính đạt hiệu quả.

Phường cũng thành lập tổ công tác đi đến các khu vực khó khăn để hướng dẫn và giải quyết thủ tục cho người dân.

“Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường, do thiết kế của nhà văn hóa cũ cho nên trung tâm được đặt trên tầng 2. Tuy nhiên, chúng tôi chủ động bố trí một phòng làm việc tại tầng 1 có đầy đủ cơ sở vật chất, cũng như chuông, camera… để phục vụ tốt nhất cho các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật…”, đồng chí Trịnh Sỹ Tài cho biết.

Đối với bất cập trong việc tái sử dụng các trụ sở làm việc cũ, phường Tân Giang cố gắng sắp xếp phù hợp theo chỉ đạo của Trung ương, không để lãng phí và cố gắng sử dụng tất cả mà vẫn đạt hiệu quả công việc.

Còn tại các xã giáp biên như Phục Hòa, Bế Văn Đàn, Độc Lập, Quảng Uyên, Hạnh Phúc…, khó khăn lớn nhất là dữ liệu chưa đồng bộ, chưa kích hoạt được hệ thống trả kết quả tự động.

Bí thư Đảng ủy xã Phục Hòa, Vũ Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện nay, một số thủ tục hành chính cần thời gian điều chỉnh để phù hợp cơ cấu tổ chức mới. Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị làm việc tại một số phòng, ban chưa bảo đảm, ảnh hưởng hiệu quả và tiến độ công việc”.

Tuy nhiên, những vấn đề này không phải bất ngờ, bởi xã vùng sâu, vùng xa vận hành theo mô hình mới đều có quy mô diện tích lớn hơn, dân số đông hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn trong tổ chức bộ máy, điều hành và phục vụ nhân dân.

Ông Tuấn cho rằng, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, cần bắt nhịp nhanh, khắc phục hiệu quả bất cập trong quy trình công việc mới thì mới bảo đảm phục vụ thông suốt cho người dân.

Đồng chí Vũ Anh Tuấn là cán bộ được luân chuyển từ tỉnh về làm Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa (cũ), nay là Bí thư Đảng ủy xã Phục Hòa, trước đây có thể về nhà mỗi tuần một lần, nhưng từ ngày xã mới đi vào hoạt động, ông chưa về ngày nào.

Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều cán bộ, công chức xã Phục Hòa khi phải xa nhà, đến xây dựng chính quyền xã mới. Với quyết tâm cao cùng sự đoàn kết của cán bộ, công chức xã, toàn bộ hệ thống chính trị với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nỗ lực bảo đảm hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phục Hòa Đàm Đình Đạo, cũng là một cán bộ được tăng cường, nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ xã được yêu cầu tăng tốc nâng cao chuyên môn, làm chủ nghiệp vụ và chủ động ứng dụng chuyển đổi số. Từ đó, tăng cường khả năng tư vấn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong xã, vốn phần lớn là người dân tộc thiểu số”.

Rõ ràng, việc vận hành mô hình chính quyền mới là một cuộc chuyển mình lớn không chỉ về tổ chức mà còn về nhận thức, tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị trên toàn quốc.

Những chuyển động từ cơ sở góp phần minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới và sự quyết tâm vượt qua khó khăn ban đầu để ngày càng phục vụ người dân tốt hơn.

Như trong bức thư động viên 56 chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường mới trước khi vận hành chính quyền 2 cấp của đồng chí Lê Hải Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có viết: “Chúng ta không thể chờ sự chuyển mình từ trên xuống. Chúng ta phải bắt đầu từ xã. Từ tinh thần phụng sự mới. Từ năng lực điều hành thực chất. Từ sự thay đổi trong từng cán bộ, công chức. Và đặc biệt - từ niềm tin mà chúng ta khơi dậy nơi người dân”.

TUẤN CHƯƠNG-VŨ PHONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-gio-moi-noi-bien-ai-post893387.html
Zalo