Con đòi lái xe máy khi chưa đủ tuổi: Cha mẹ cần làm gì?

Trong một xã hội với mật độ giao thông cao như Việt Nam, sự thận trọng không giao xe cho con trẻ không chỉ là tình thương với con, mà còn là trách nhiệm với pháp luật, với xã hội và với chính tương lai của gia đình mình.

Hệ lụy nghiêm trọng

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định, người điều khiển xe mô tô từ 50 cm3 trở lên phải đủ 18 tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp. Đối với xe mô tô dưới 50 cm3, độ tuổi tối thiểu là 16. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt tại các khu vực đô thị và tuyến đường gần trường học.

Ngoài yếu tố quản lý lỏng lẻo từ phía gia đình, nguyên nhân còn đến từ nhận thức lệch lạc trong xã hội. Ở một số nơi, việc trẻ điều khiển xe máy từ sớm được xem là vấn đề bình thường về mặt giao thông, thậm chí còn là biểu hiện của sự trưởng thành so với lứa tuổi. Văn hóa "chiều con" hoặc "so bì với bạn bè" cũng là một áp lực khiến nhiều phụ huynh buông xuôi, mặc cho con tự quyết định khi con đòi hỏi mua xe/lái xe.

Tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ không nằm ở việc chiều theo mọi đòi hỏi của con, mà chính là việc dạy con biết đúng sai, biết chấp hành pháp luật và bảo vệ bản thân.

Tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ không nằm ở việc chiều theo mọi đòi hỏi của con, mà chính là việc dạy con biết đúng sai, biết chấp hành pháp luật và bảo vệ bản thân.

Theo thông tin từ Bộ Công an, thời gian qua, tình trạng người điều khiển phương tiện xe máy, xe mô tô tham gia giao thông là lứa tuổi học sinh diễn ra phổ biến, với nhiều vi phạm điển hình như không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…, tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Năm 2024, lực lượng Công an xử lý 275.174 trường hợp liên quan đến lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy 132.800 trường hợp; xử lý 66.653 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển...

Tai nạn giao thông liên quan đến trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện cũng đang có xu hướng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề. Với nhận thức còn non nớt, kỹ năng xử lý tình huống kém, các em rất dễ gây tai nạn cho bản thân và người khác.

Mới đây, tại Hà Nội, một học sinh lớp 8 điều khiển xe máy đi ngược chiều trên đường Nguyễn Trãi và va chạm với một xe buýt khiến em này tử vong tại chỗ. Tại TP.HCM, một nữ sinh lớp 9 đã điều khiển xe SH 125cc đi đón bạn và xảy ra va chạm với xe ô tô tại vòng xoay khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng…

Ngoài ra, việc để con lái xe trái quy định có thể còn khiến cha mẹ bị liên đới pháp luật. Không ít gia đình đã phải gánh chịu mất mát lớn chỉ vì một phút “chiều con” thiếu suy nghĩ.

Điển hình là tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cũ (nay là tỉnh Đồng Tháp mới), giao xe máy cho con trai điều khiển gây tai nạn khiến một phụ nữ bị thương nặng dẫn đến tử vong, người cha bị phạt 1 năm cải tạo không giam giữ.

Trước đó, tại huyện Ninh Giang, Hải Dương (nay là TP Hải Phòng mới), giao xe máy điện cho con chưa đủ tuổi, gây tai nạn nghiêm trọng, người mẹ phải lĩnh 6 tháng tù. Tại Chư Prông, tỉnh Gia Lai, một người mẹ bị tòa tuyên phạt 2 năm tù treo, sau hơn 5 tháng giao xe máy cho con trai chạy, gây tai nạn khiến cậu và 3 người tử vong…

Các vụ việc trên chính là lời cảnh tỉnh đối với các phụ huynh khi lơ là trong việc quản lý phương tiện hoặc thiếu ý thức về trách nhiệm khi giao xe cho con em. Theo chia sẻ của đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, phụ huynh cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, không để những sai lầm này dẫn đến hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến tương lai của con em và sự an toàn của cộng đồng.

Vai trò của người đồng hành, bảo vệ

TS. Trần Thị Việt Hoài (Đại học Nha Trang)

TS. Trần Thị Việt Hoài (Đại học Nha Trang)

Theo TS. Xã hội học Trần Thị Việt Hoài - Giảng viên Đại học Nha Trang, trong gia đình, cha mẹ là người định hướng phần lớn các hành vi, thói quen và nhận thức của con cái. Để hạn chế tình trạng trẻ em lái xe khi chưa đủ tuổi, vai trò của phụ huynh vẫn là then chốt. Theo đó, khi con em đòi lái xe, tuyệt đối không giao xe. Đây là nguyên tắc tiên quyết. Cha mẹ cần xác định rõ rằng việc giao xe máy cho trẻ vị thành niên là hành vi tiếp tay cho vi phạm pháp luật. Việc nói “không” dứt khoát không chỉ giúp con tránh được nguy cơ tai nạn mà còn rèn luyện ý thức tôn trọng quy định pháp luật từ sớm.

Chủ động trang bị kiến thức pháp luật và an toàn giao thông cho con. Giáo dục con hiểu đúng - đủ về luật và hậu quả nếu vi phạm. Dẫn chứng các vụ tai nạn do trẻ lái xe chưa đủ tuổi gây ra, hậu quả với nạn nhân, người gây tai nạn và cả cha mẹ của họ. Hãy để con hiểu rằng cha mẹ ngăn cấm vì muốn bảo vệ con trước những nguy cơ không thể lường trước.

Cha mẹ cần làm gương từ hành vi của chính mình vì trẻ học theo từ hành động nhiều hơn là từ lời nói. Do đó, mỗi hành vi của cha mẹ đều là một bài học sống động với con. Sự gương mẫu chính là cách giáo dục hiệu quả và lâu dài nhất. Nếu cha mẹ có thói quen vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hoặc lái xe trong tình trạng mệt mỏi, say rượu… thì rất khó để khuyên răn con em tuân thủ nghiêm túc luật giao thông.

Nếu khoảng cách không quá xa, có thể khuyến khích con đi xe đạp hay đi bộ cùng bạn bè hoặc sử dụng các dịch vụ xe đưa đón học sinh an toàn. Không vì sự tiện lợi nhất thời mà buông lỏng cho con tự điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.

Khi con đủ 18 tuổi - độ tuổi được cấp giấy phép lái xe hạng A1, hãy hướng dẫn con đăng ký học lái tại cơ sở uy tín. Đồng thời, cùng con ôn tập luật giao thông; rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng xử lý tình huống trên đường bằng cách thực hiện một số chuyến đi ngắn trong phạm vi cho phép để quan sát, điều chỉnh những hành vi chưa đảm bảo an toàn. Đây cũng là cơ hội tốt để xây dựng sự gắn kết và ý thức trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái.

Ngoài việc giáo dục trong gia đình, phụ huynh cần đồng hành với nhà trường, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, giám sát việc học sinh sử dụng phương tiện đi học. Nhắc nhở con em, đồng thời phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ không nằm ở việc chiều theo mọi đòi hỏi của con, mà chính là việc dạy con biết đúng - sai, biết chấp hành pháp luật và bảo vệ bản thân. Cha mẹ hãy là người đồng hành vững vàng, tin cậy, đưa con đi qua tuổi thiếu niên với sự an toàn, hiểu biết và trách nhiệm chứ không phải người đứng sau gánh chịu hậu quả. Không nên để sự buông lỏng hôm nay trở thành nỗi ân hận ngày mai.

Vũ Đậu

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/con-doi-lai-xe-may-khi-chua-du-tuoi-cha-me-can-lam-gi-485562.html
Zalo