Lần đầu tiên Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức 'Rất cao'

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo lập trí tuệ thông minh Việt Nam, góp phần giúp đất nước phát triển, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, đỡ phiền hà, sách nhiễu...

Tạo lập trí tuệ thông minh Việt Nam

Chiều 6/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực này.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 với tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả. Đây là chương trình hành động toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng, và các giải pháp mang tính khả thi cao.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Dẫn chứng về việc ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo lập trí tuệ thông minh Việt Nam, góp phần giúp đất nước phát triển, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, đỡ phiền hà, sách nhiễu. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần ai làm tốt cần khuyến khích, đầu tư, ai không làm tốt phải phê bình, xử lý.

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước. Ảnh: Nhật Bắc

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước. Ảnh: Nhật Bắc

Vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia

Báo cáo về tình hình chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "Rất cao".

Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng; là một trong số ít nước đang phát triển ngừng dịch vụ cho thuê bao 2G khi số thuê bao 2G còn lại chỉ còn khoảng 0,2%. Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông và ngành thông tin và truyền thông trong chuyển đổi thuê bao di động.

Về Chính phủ số, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, có mũi đột phá; đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu.

Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á. Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Về xã hội số, lần đầu tiên, tỉ lệ truy cập các nền tảng số "Make in Vietnam" so với các nền tảng số nước ngoài vượt 20%, tăng 5,62% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có số lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-chi-so-phat-trien-chinh-phu-dien-tu-o-muc-rat-cao-post1714872.tpo
Zalo