Lần đầu tiên tại Việt Nam có bệnh viện đạt chuẩn Bạc trong quản lý loãng xương

Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị gãy xương chỉ vài tháng lại tái gãy vị trí khác. Đây là thất bại của điều trị.

Ngày 25-4, thông tin trên được PGS-TS-BS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), chia sẻ tại lễ trao chứng nhận chuẩn Bạc cho mô hình quản lý gãy xương do loãng xương. Chứng nhận trên được Tổ chức Loãng xương Thế giới (IOF) trao tặng Bệnh viện Thống Nhất. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận này.

Đại diện Tổ chức Loãng xương Thế giới (IOF) trao chứng nhận chuẩn Bạc mô hình quản lý gãy xương do loãng xương cho ban lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).

Đại diện Tổ chức Loãng xương Thế giới (IOF) trao chứng nhận chuẩn Bạc mô hình quản lý gãy xương do loãng xương cho ban lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).

Theo BS Toàn, loãng xương được ví như "kẻ giết người thầm lặng" bởi diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là nguy cơ gãy xương và tăng tỉ lệ tử vong. Tại Việt Nam, tỉ lệ loãng xương ở nhóm trên 50 tuổi là 30% (nữ) và 15% (nam), thậm chí nhóm trẻ 20-50 tuổi cũng không ngoại lệ với 7%-8% (nam) và 10% (nữ).

Bệnh nhân gãy xương do loãng xương được bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất thăm khám

Bệnh nhân gãy xương do loãng xương được bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất thăm khám

Bệnh nhân gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao gấp 3-5 lần so với người bình thường. Đáng chú ý, nhiều trường hợp sau khi điều trị gãy xương (như cổ xương đùi) vài tháng lại tái gãy ở vị trí khác.

"Đây là thất bại của bác sĩ khi chỉ tập trung điều trị biến chứng gãy xương mà bỏ qua căn nguyên loãng xương" - BS Toàn nhấn mạnh.

Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của bệnh, Bệnh viện Thống Nhất đã xây dựng quy trình quản lý đa khoa (Chấn thương chỉnh hình, Cơ xương khớp, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền…) để theo dõi bệnh nhân từ khâu chẩn đoán, điều trị đến phục hồi.

Năm 2024, tổ chức Loãng xương Quốc tế (IOF) công nhận bệnh viện đạt chuẩn Bạc – trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu này.

"Thông thường, các bệnh viện phải trải qua các mức Đồng, Bạc rồi mới tới Vàng. Hiện chỉ có Bệnh viện Bạch Mai đạt mức Đồng, còn Thống Nhất là đơn vị duy nhất đạt Bạc" - BS Toàn tự hào chia sẻ.

PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết để nâng cao nhận thức, bệnh viện thành lập Câu lạc bộ Loãng xương – mô hình đầu tiên tại Việt Nam, thu hút 400-500 người tham dự mỗi kỳ. Ban đầu dự kiến sinh hoạt 3 tháng/lần nhưng do nhu cầu cao, nay rút xuống còn 2 tháng/lần và hướng tới tổ chức hàng tháng.

"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ thay đổi tư duy của bác sĩ mà còn nâng cao hiểu biết của người bệnh và gia đình. Điều trị gãy xương chưa đủ, phải giải quyết tận gốc nguyên nhân loãng xương" - BS Thanh nhấn mạnh.

Theo BS Thanh, Bệnh viện Thống Nhất đang hướng tới mục tiêu đạt chuẩn Vàng của IOF, góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về loãng xương – căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm.

Cũng trong dịp này, bệnh viện nhận giải thưởng kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới, chứng nhận chuẩn B điều trị suy tim từ Hiệp hội Tim mạch và Suy tim châu Âu, cùng chứng nhận ISO 9001:2015 cho hai khoa chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng.

Tin, ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lan-dau-tien-tai-viet-nam-co-benh-vien-dat-chuan-bac-trong-quan-ly-loang-xuong-196250425183031369.htm
Zalo