Lần đầu tiên nội soi trên xương mu, giải quyết bế tắc niệu quản cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) thông tin, tiếp nhận điều trị thành công cho trường hợp bé trai (1 tháng tuổi, Gia Lai) có dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu, thận niệu quản đôi gây ứ nước thận. Đặc biệt, bệnh nhi có khối sa niệu quản khổng lồ chiếm gần trọn trong lòng bàng quang.
Được biết trong giai đoạn mang thai, mẹ bệnh nhi có khám thai tại địa phương và phát hiện có bất thường hệ tiết niệu trên vùng thận, có tình trạng ứ nước nghi ngờ thận đôi. Nhưng không ghi nhận bất thường vùng niệu quản dưới vùng bàng quang. Do đó, trẻ sinh thường, đủ tháng.
Sau sinh, bé tiểu có những đợt khó khăn, đang tiểu bình thường thì bị ngắt quãng, nước tiểu có những lần màu sắc đục. Cụ thể, nước tiểu đục như nước vo gạo, có những sợi mủ xanh nhỏ theo ra, bé sốt cao, bỏ bú. Gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị vì tình trạng nhiễm trùng tiểu cao.
Tại đây, trẻ được các bác sĩ hồi sức và điều trị tích cực. Qua thăm khám tầm soát phát hiện dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu, thận niệu quản đôi gây ứ nước thận, đặc biệt bé có khối sa niệu quản khổng lồ chiếm gần trọn trong lòng bàng quang. Đây chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn thận niệu quản ứ nước nhiễm trùng tiểu cũng như việc gây ra khó khăn trong quá trình đi tiểu của bé.
Ngay khi tình trạng nhiễm trùng tiểu của bé tương đối ổn định, bé được ekip tiết niệu do TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 dẫn đầu tiến hành nội soi niệu đạo bàng quang để xử trí tắc nghẽn niệu quản do túi sa.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ cách tiếp cận truyền thống chỉ qua kênh niệu đạo với một kênh thao tác, ekip gặp muôn vàn khó khăn khi xử lý tắc nghẽn. Đặc biệt, với khối túi sa khổng lồ luôn di động và không còn nhiều khoảng trống để thao tác trong bàng quang. Điều này có thể dẫn tới không giải quyết được bế tắc mà còn nguy cơ phạm sai lầm như làm tổn thương thành niệu quản, bàng quang.
Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ đã triển khai một kỹ thuật mới. Đó là sau khi nội soi vào bàng quang qua niệu đạo, xác định được vị trí nang niệu quản trong lòng bàng quang, một kim luồn nhỏ được đưa qua da trên xương mu vào trong lòng bàng quang. Thông qua kim luồn, một kẹp rất nhỏ được đưa vào bàng quang để giữ cố định thành trước nang niệu quản, điều này giúp xác định chính xác tổn thương và giữ chặt được nang niệu quản giúp việc xẻ nang dễ dàng hơn rất nhiều.
Bé sau khi điều trị xẻ nang cải thiện tình trạng nhiễm trùng rõ rệt, chức năng thận bình thường. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhi được xuất viện bú tốt và không sẹo mổ.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, dao nhỏ từ ống soi niệu đạo xẻ nhiều lỗ trên thành trước nang, tạo sự thông thương giữa lòng niệu quản và bàng quang.
Phương pháp mới này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống (chỉ sử dụng dao nhỏ từ ống soi niệu đạo xẻ trực tiếp vào nang không có dụng cụ kẹp nang hỗ trợ) là thành trước nang luôn được giữ căng, cố định, tách rời với thành sau của nang.
Việc này giúp xẻ được chính xác vào các vị trí mong muốn trên thành nang, tránh xẻ vào các mạch máu, tránh tổn thương thành sau của nang. Sau khi thực hiện xong, bệnh nhi sẽ được đặt lưu thông tiểu để theo dõi. Nếu tình trạng bệnh nhi ổn định có thể được xuất viện sau một hay hai ngày.