Lấn chiếm lòng đường: Câu chuyện chưa có hồi kết
Câu chuyện lấn chiếm lòng đường làm của riêng luôn không có hồi kết, vấn đề này đã gây tranh cãi về tính hợp pháp trong giao thông.
“Sổ đỏ" dưới lòng đường?
Những câu chuyện liên quan đến văn hóa dừng đỗ xe ô tô luôn là vấn đề "nóng", gây nhiều tranh cãi. Nhiều lái xe cho rằng, họ có quyền đỗ xe ở những nơi không có biển cấm, kể cả ngay trước cửa nhà hay mặt tiền của một hộ kinh doanh bởi những gia đình này đâu có “sổ đỏ” ra tận vỉa hè, lòng đường.
Anh Dũng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, do tính chất công việc phải di chuyển nhiều bằng ô tô, và thời gian đậu chỉ khoảng 15 - 20 phút, nên anh thường chọn lòng đường có biển cho phép đậu xe để dừng và đỗ.

Biển cấm dừng/đỗ ô tô được người dân "tự chế" cắm trên vỉa hè. Ảnh: Thanh Trà
Tuy nhiên, “phép vua thua lệ làng” nhiều lần khi anh đỗ xe lại sát lòng đường, lập tức có người sống ở căn nhà mặt đường đó chạy ra đuổi với nhiều lý do như nhà bán hàng, che khuất tầm nhìn, chỗ đã xe khác đậu hoặc đơn giản là ảnh hưởng việc ra vào của phương tiện trong nhà… Thậm chí, nhiều nơi, chủ nhà còn tự ý dựng biển “cấm đỗ xe ô tô”, “taxi không đậu chỗ này”, “cấm đậu xe trước nhà”, hay kẻ sẵn vạch dưới lòng đường để giữ chỗ…
Trước câu chuyện trên dư luận nhanh chóng chia thành 2 phe tranh luận gay gắt. Phe thứ nhất: “Trước cửa nhà người ta chứ có phải là bãi đỗ xe đâu mà tùy tiện đậu”; “Khi thuê mặt bằng để kinh doanh mới hiểu, ngày nào cũng có xe dừng, đỗ trước cửa sao mà buôn bán…”.
Trong khi đó, phe thứ hai: “Sổ đỏ nhà đó kéo dài ra tận mặt đường hay sao?”; “Nếu không có biển cấm đỗ xe thì cứ đỗ thoải mái!”…
Có thể thấy, bên nào cũng cho rằng mình có lý và vấn đề tranh cãi chưa bao giờ có hồi kết. Tuy nhiên, trừ những trường hợp xe đỗ quá vô duyên khi chặn hết đường ra của gia chủ, hoặc đỗ lâu gây cản trở giao thông…, phần lớn mọi người đều không chấp nhận kiểu công - tư lẫn lộn của những gia chủ kia.
Lòng đường không phải của riêng ai
Tình trạng chiếm dụng lòng đường làm của riêng, hay còn được nhiều người hài hước gọi là “sổ đỏ" dưới lòng đường, đang là một rào cản lớn khiến việc tìm kiếm chỗ đỗ xe ô tô tại các khu vực đô thị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thay vì được sử dụng cho mục đích công cộng, những vị trí được phép đỗ xe lại bị các hộ dân, cửa hàng kinh doanh ngang nhiên chiếm làm của riêng.
Hình ảnh những cọc bê tông, ghế nhựa, xe máy... án ngữ dưới lòng, lề đường trên các tuyến phố để “giữ chỗ” hoặc mục đích là để “cấm đỗ xe” đã trở nên quen thuộc với nhiều lái xe. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự.
Khi xe ô tô “lỡ” đỗ trước cửa, chủ nhà có thể có những phản ứng thái quá, từ việc dán giấy “nhắc nhở”, thậm chí là chửi bới, xúc phạm, đe dọa... Những xung đột, va chạm như vậy là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, nhiều người điều khiển ô tô buộc phải “né” những khu vực này để tránh phiền phức.
Khi số lượng ô tô cá nhân ngày càng nhiều, trong khi bãi đỗ xe trong nội thành chưa đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến tranh cãi giữa chủ nhà mặt tiền với cánh tài xế đậu xe đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ, lòng đường là công trình công cộng, không ai được chiếm dụng, kể cả chủ nhà mặt tiền hay tài xế đậu xe đều phải có trách nhiệm chia sẻ. Vì vậy, cả người lái xe và chủ nhà mặt phố cần có cách ứng xử phù hợp.
Tranh cãi xung quanh vấn đề "sổ đỏ nối dài tận lòng đường" cho thấy, mỗi bên đều đứng ở lập trường đối nghịch, cách xa nhau. Ai cũng biết lòng đường là của chung, không thuộc sở hữu của cá nhân nào, do đó chúng ta phải xây dựng quy tắc ứng xử chung cho những trường hợp. Luật pháp không quy định thì chúng ta phải tự thống nhất với nhau. Và trên hết, không thể vì chuyện đậu xe mà lớn tiếng, đụng tay chân với nhau. Đừng vì những lợi ích vật chất “cỏn con” mà trở nên ích kỷ, có hành vi ứng xử thiếu thân thiện, vi phạm các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật.
Thực tế, vấn đề về trật tự đô thị lấn chiếm lòng đường vẫn luôn khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Thiết nghĩ, ngoài sự quyết liệt của các cơ quan chưc năng, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, quyết liệt hơn nữa trong xử lý vi phạm phát sinh. Đồng thời, cần có quy hoạch, sắp xếp chỗ mưu sinh cho những người kinh doanh tự do hoặc bố trí thêm các bãi trông giữ phương tiện, khắc phục tình trạng thiếu điểm đỗ xe đang là nguyên nhân chính gây mất trật tự đô thị hiện nay.
Theo các chuyên gia, các thành phố lớn cần được nhanh chóng phát triển thêm các bãi đỗ xe công cộng. Các bãi đỗ xe này cần nằm ở các vị trí thuận tiện, gần các khu vực có lượng xe dừng, đỗ lớn; có đủ quy mô và cơ sở vật chất cho người dân sử dụng. Ngoài ra, hiệu quả của công tác cấm dừng, đỗ xe tại các tuyến phố nội đô cần được rà soát, đánh giá định kỳ để làm cơ sở tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh sao cho phù hợp thực tế tại từng tuyến đường.