Làm tốt mà thiếu lòng thương không được coi là 'từ thiện'?

Việt Nam là quốc gia nổi bật với các hoạt động từ thiện, từ hỗ trợ trẻ em đến giúp đỡ những nhóm yếu thế và thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng. Một nghiên cứu của Cimigo năm 2022 khảo sát 600 người từ 16-44 tuổi cho thấy 50% đã tham gia từ thiện trong năm qua.

Gần đây, khi cơn bão số 3 đi qua và gây mất mát, đau thương to lớn; câu chuyện từ thiện của một số người nổi tiếng lại gây nhức nhối dư luận. Những chuyến "cứu trợ", ủng hộ "sai địa chỉ", không đúng số tiền công bố, dàn cảnh để quay phim, chụp ảnh… mang đến "làn sóng" chỉ trích của cộng đồng.

Vậy có thể nhìn nhận hoạt động từ thiện thế nào cho đúng?

Theo khảo sát của Nhà Xuất bản Thế giới trong Nghiên cứu chủ đề: "Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện và khả năng gây quỹ của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam" (2015), 80% người tham gia cho rằng đối tượng nhận từ thiện chủ yếu là những người nghèo và khuyết tật. Họ thường quyên góp bằng tiền mặt hoặc nhu yếu phẩm cho những hoàn cảnh khó khăn này.

Tỷ lệ người tham gia từ thiện cao nhất ở những người trên 30 tuổi, có gia đình và tăng theo trình độ học vấn. 46% cho biết họ đã gia tăng hoạt động từ thiện trong đại dịch COVID-19, và 83% đã quyên góp hơn hai lần trong năm 2022, với tiền là hình thức đóng góp phổ biến.

Tinh thần "lá lành đùm lá rách" rất được coi trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động từ thiện liên quan đến phát triển con người ít được nhắc đến trong các câu trả lời phỏng vấn.

Cụ thể, chỉ 7% người tham gia khảo sát đề cập đến hiến máu nhân đạo, 11% nói về bảo vệ môi trường (một nguyên nhân gây ra nhiều thiên tai) và 24% cho các hoạt động khuyến học (thiếu giáo dục là yếu tố chính dẫn đến nghèo đói).

Những con số này cho thấy quan điểm về từ thiện của người Việt còn hẹp, chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề trước mắt hơn là những nguyên nhân gốc rễ.

Mặc dù 80% người tham gia khảo sát bày tỏ sự quan tâm đến từ thiện và coi đó là hoạt động có lợi cho xã hội, lòng tin của họ vào các tổ chức kêu gọi đóng góp, kể cả chính quyền, vẫn còn thấp.

Nhiều người làm từ thiện muốn tự mình đánh giá đối tượng nhận hỗ trợ, dẫn đến việc họ thường quyên góp cho cá nhân trong cộng đồng hơn. Điều này cũng giải thích lý do các tình nguyện viên từ vùng nông thôn, có thu nhập trung bình hoặc thấp, không thường chọn tổ chức phi chính phủ để quyên góp, mặc dù các tổ chức này được đánh giá là hiệu quả hơn và giải quyết nhiều vấn đề căn bản. Nguyên nhân chủ yếu là người dân chưa hiểu rõ khái niệm "tổ chức phi chính phủ" và có phong cách từ thiện "mỳ ăn liền".

Cũng theo nghiên cứu này, hoạt động từ thiện do cá nhân đứng ra kêu gọi chưa thực sự được đánh giá cao về tính "đúng đối tượng", "kịp thời" hay "phù hợp với nhu cầu cần giúp đỡ".

Một tiktoker lên tiếng xin lỗi trên kênh TikTok của mình xung quanh việc từ thiện ủng hộ người dân bão lũ. Hình ảnh từ mạng xã hội

Một tiktoker lên tiếng xin lỗi trên kênh TikTok của mình xung quanh việc từ thiện ủng hộ người dân bão lũ. Hình ảnh từ mạng xã hội

Hoạt động từ thiện là một hình thức vị tha bao gồm "các sáng kiến tư nhân vì lợi ích công cộng , tập trung vào chất lượng cuộc sống ". Hoạt động từ thiện trái ngược với các sáng kiến kinh doanh, là các sáng kiến tư nhân vì lợi ích cá nhân, tập trung vào lợi ích vật chất và với các nỗ lực của chính phủ là các sáng kiến công cộng vì lợi ích công cộng, chẳng hạn như các sáng kiến tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công. Một người thực hành hoạt động từ thiện là một nhà từ thiện.

Khi kết hợp lại, "từ thiện" thể hiện ý tưởng về hành động xuất phát từ tình yêu chân thành đối với nhân loại, một mong muốn cải thiện cuộc sống của người khác và góp phần vào sự tốt đẹp của xã hội.

Cựu Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu (nhiệm kỳ 2016-2021) từng phát biểu: "Của cho không bằng cách cho, văn hóa từ thiện cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không có cảm giác được ban ơn, bố thí".

Từ thiện nhằm thể hiện lòng trắc ẩn thành hành động, giống như yêu thương đòi hỏi sự chăm sóc. Tuy nhiên, hành động cần phù hợp với đối tượng. Ví dụ, việc tặng đồ chơi cho trẻ liệt hay truyện tranh cho trẻ mù thể hiện tâm tốt nhưng thiếu trí tuệ, dẫn đến hành động trở nên vô nghĩa và có thể bị coi là vô lương tâm. Đối với người gặp thiên tai, cứu trợ vật chất là cần thiết, nhưng với người có khả năng lao động, cách cứu trợ này có thể hạ thấp nhân phẩm của họ.

Cứu trợ có thể rất đa dạng: tổ chức sự kiện cho trẻ em khó khăn, quyên góp quần áo ấm, hỗ trợ học phẩm cho trẻ mồ côi, hay tham gia các dự án lớn như xây cầu, lớp học, hoặc tổ chức lớp học tình thương. Đôi khi, cứu trợ cần quy mô lớn và liên kết nhiều ngành để tạo việc làm cho cư dân ở vùng xa hoặc bảo tồn rừng.

Ngoài việc cung cấp cứu trợ, những hoạt động như giáo dục, nâng cao nhận thức và tạo ra cơ hội cho cộng đồng khó khăn cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Việc tổ chức các khóa học kỹ năng, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo được học tập, hay khởi xướng các chương trình đào tạo nghề cho người lớn là những phương pháp hiệu quả giúp họ tự đứng vững và cải thiện cuộc sống trong dài hạn.

Mỗi hành động từ thiện, dù lớn hay nhỏ, đều có thể góp phần thay đổi cuộc sống của một cá nhân hoặc một cộng đồng. Những nỗ lực đơn giản như việc tham gia vào các hoạt động làm sạch môi trường, chăm sóc các cụ già neo đơn hoặc vận động gây quỹ cho trẻ em mồ côi đều thể hiện được lòng thiện nguyện và khát khao lan tỏa yêu thương đến với mọi người.

Sự phát triển của các hoạt động từ thiện ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy rằng người dân ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn đối với xã hội. Các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành công cụ mạnh mẽ giúp kết nối và lan tỏa các sáng kiến từ thiện, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong việc tham gia các hoạt động tốt đẹp này.

Hành thiện không chỉ đơn thuần là quyên góp tiền bạc hay vật chất mà còn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu của người nhận. Một nhà từ thiện chân chính cần có khả năng nhìn nhận và lắng nghe, để có thể chọn lựa hình thức hỗ trợ phù hợp nhất, từ đó đảm bảo rằng hành động của họ mang lại giá trị bền vững và tích cực.

Đỗ Tho

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-tot-ma-thieu-long-thuong-khong-duoc-coi-la-tu-thien-179240924103931848.htm
Zalo