Làm tốt công tác cán bộ, góp phần 'kết liễu' tình trạng 'cua cậy càng, cá cậy vây'
Mượn hình ảnh “cua cậy càng, cá cậy vây” để ẩn dụ tình trạng cán bộ khi có quyền lực trong tay đã biến đổi quyền lực được giao thành các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vậy, làm sao để “càng” và “vây” phải được hiểu như một chức phận để phụng sự chứ không phải là một thứ “vũ khí” lợi hại để “diễu võ giương oai”.
Dân gian có câu “cua cậy càng, cá cậy vây” có thể hiểu theo bản chất sinh học, cua nhờ càng để di chuyển tìm thức ăn và bảo vệ bản thân; cá nhờ vây để di chuyển và giữ thăng bằng khi bơi. Và từ “cậy” ở đây không đơn giản là nhờ vào càng của cua, vây của cá để sống mà là vịn vào, ỷ vào ưu thế của mình để “diễu võ giương oai”, phô trương sức mạnh, uy thế nhằm đạt được mục đích của “con cua”, “con cá”. Như vậy, người xưa mượn hình ảnh “cua cậy càng, cá cậy vây” để cảnh báo tình trạng một số người khi có quyền lực trong tay đã cậy quyền, cậy thế, không chịu lắng nghe, tiếp thu, học hỏi; không đặt mình trong mối quan hệ với tập thể, không chịu phát huy sức mạnh tập thể trong lãnh đạo, điều hành.
Câu nói của người xưa “cua cậy càng, cá cậy vây” nếu đặt trong thực tế công tác cán bộ những năm qua đã thấy được, tình trạng cá nhân lạm dụng quyền lực được tập thể, tổ chức giao để “kéo bè, kết cánh”, “lợi ích nhóm”, lạm quyền, lợi dụng quyền lực và đang phát triển theo chiều hướng tiêu cực là có thật, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm... Việc thi hành xử lý kỷ luật cán bộ trong thời gian qua cho thấy, Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm rất cao, làm quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng phần nào cho thấy, vấn đề “cua cậy càng, cá cậy vây” rất đáng lo ngại với nhiều biểu hiện, cấp độ khác nhau. Đây là một trong những căn nguyên dẫn đến sụt giảm niềm tin, tạo sự bức xúc của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Xác định cán bộ là “gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ các cấp là lực lượng rường cột quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị; quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Để khắc phục và từng bước tiến đến “kết liễu” tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” và các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng cần quan tâm trước tiên là công tác nhân sự các cấp cần thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan; kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, phẩm chất, thoái hóa, mưu toan luồn sâu, leo cao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị gần dân, hiểu dân, vì dân phục vụ.
Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương phải nêu gương tốt để cấp dưới làm theo; thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng, quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... để nâng cao khả năng tự “đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các nhân tố độc hại từ bên ngoài.
Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ gắn quyền được tổ chức giao với trách nhiệm của bản thân, quyền càng cao thì trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhân dân càng lớn. Từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân là phải biết lắng nghe dân, nhưng không “theo đuôi” quần chúng; phải sẵn sàng giúp đỡ mọi người và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống hằng ngày trên tinh thần trao đổi, chia sẻ vì trách nhiệm cộng đồng, tránh áp đặt với người dân.
Quan tâm cải cách chính sách tiền lương nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.