Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc?
Nuôi dưỡng trong con một tâm thế lạc quan và tích cực sẽ giúp bé dễ thích nghi với hoàn cảnh. Muốn có được một em bé hạnh phúc, cha mẹ nên có cái nhìn cởi mở trong nhiều vấn đề.
Nếu con nói điều gì đó tiêu cực về chính bản thân mình, bạn có thể hỏi: “Nếu chuyện này xảy ra với một người bạn của con thì con sẽ nói gì với bạn? Mẹ đoán là con sẽ không nói những điều không hay đó đâu. Có thể con còn động viên cậu ấy nữa. Phải không nhỉ? Thế nên, giờ con hãy thử là một người bạn của chính mình và nói những lời dịu dàng, nhẹ nhàng với bạn ấy nhé.”
Hãy gọi tên nó ra. Hãy xác nhận nó. Mặc kệ nó đi. Giúp con nói về những cảm xúc ấy. Đừng gạt bỏ chúng hay yêu cầu con phải cảm thấy phấn chấn hơn khi mà con chưa sẵn sàng. Dưới đây là một ví dụ. Cô con gái bảy tuổi của bạn đang chơi bóng với bạn ở sân sau. Con vụng về ném quả bóng về phía bạn mà không chú ý, quả bóng đập trúng vào đầu bạn, cũng đau ra trò.
“Này, nhìn xem con đã làm gì này. Con làm đau mẹ rồi đấy.” Bạn sẽ nói thế. Con đáp lại bằng cách đập quả bóng xuống đất rồi chạy vào nhà. Bạn đi tìm con và thấy con đang ngồi khóc lóc trên ghế sô pha. “Con thật chẳng ra làm sao cả,” con bé liên tục nhắc lại như thế. “Con sẽ không bao giờ chơi bóng nữa.”
Đây chính là lúc dành cho khoảnh khắc tự trắc ẩn của bạn. Bạn ngồi xuống cạnh con và vòng tay qua người con. “Con không cố tình đập bóng vào đầu mẹ đâu nhỉ. Chúng ta đang chơi vui vẻ và con chỉ hơi lỡ tay xíu, đúng không? Mẹ đoán là lúc bóng đập vào đầu mẹ con cũng rất bất ngờ, y như mẹ vậy.” Cả hai mẹ con cùng hít một hơi thật sâu.
“Có lẽ là con cảm thấy xấu hổ và lo lắng là con đã làm đau mẹ,” có thể con gật đầu đồng tình, hoặc chỉ ngồi lặng yên lắng nghe, bởi vậy bạn tiếp tục. “Những chuyện như thế cũng hay xảy ra với tất cả chúng ta, không kiểu này thì kiểu khác. Là người thì ai cũng mắc lỗi cả. Con đang cố thử làm một động tác mới, chỉ là nó không hiệu quả như con tưởng. Có thế thôi mà. Chẳng có chuyện gì thể hiện rằng con là đứa con gái kinh khủng cả. Chẳng có gì cả đâu.”
Khi một chuyện nào đó diễn ra không như ý trẻ, con có thể có những câu nói bi quan kiểu: “Mình chỉ là kẻ thất bại. Mình không bao giờ làm được gì cho ra hồn.” Đây chính là cơ hội để bạn giúp con nhìn nhận sự việc khác đi. Giống như ví dụ trước, bạn có thể diễn đạt lại câu nói của con, kiểu như biên tập một câu chuyện ấy. Bạn thậm chí còn có thể sử dụng ẩn dụ. “Thử kể câu chuyện này với một kết cục khác nhé.” Rồi bạn tiến hành giúp con tạo ra một câu chuyện mới.
Hãy tạo kịch tính cho câu chuyện. “Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Jason. Cậu thực sự, thực sự muốn… (bạn điền vào chỗ trống cho hợp với hoàn cảnh). Cậu đã làm thế này thế này (một lần nữa hãy điền thông tin cụ thể tương ứng với con), nhưng không thành công. Cậu rất thất vọng. Cậu nghĩ không làm được tức là cậu thành kẻ thất bại mất rồi. Nhưng cậu đã nhầm to.
Điều đó chỉ có nghĩa là cậu đã cố gắng rất nhiều cho những gì cậu muốn và cố gắng chính là một kỹ năng đáng quý để có được thứ mình muốn. Giờ thì cậu biết rõ hơn về (tình huống đó) và cậu có thể cố gắng một lần nữa nếu cậu muốn. Hoặc cậu có thể quyết định làm một việc gì đó hoàn toàn khác.
Phải mất khá lâu cậu mới nhận ra rằng việc cố gắng và việc không có được điều mình muốn chẳng liên quan gì đến việc cậu là ai cả. Và đó chính là kỹ năng tuyệt nhất trong tất cả. Chuyện hết rồi.” Khi nghĩ ra một câu chuyện mới, bạn có thể có một hoặc nhiều cuộc trò chuyện, về tất cả các lựa chọn.
Giúp trẻ tự trắc ẩn hơn là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình nuôi dạy con cái và nó sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn trong đời sống của con cũng như đời sống của bạn.