Làm thế nào để giải quyết mức sinh thấp?
3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ, đây là mức sinh thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Vậy giải pháp để ngăn chặn việc suy giảm mức sinh là gì?
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: “Mặc dù có sự cố gắng của cả hệ thống làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, giảm từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022), xuống 1,96 con/phụ nữ (năm 2023) và năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Năm 2024, mức sinh tại thành thị (1,67 con/phụ nữ) và nông thôn (2,08 con/phụ nữ) tiếp tục dưới mức sinh thay thế. Trong hai thập kỷ vừa qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Xu hướng mức sinh giảm diễn ra ở nhiều địa phương.
Trong nhóm 9 tỉnh thuộc vùng mức sinh thay thế, có 7 tỉnh tiếp tục giảm mức sinh dưới mức thay thế. Trong nhóm 21 tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, có 13 tỉnh tiếp tục giảm sâu dưới mức sinh thay thế.
Cục Dân số đánh giá các tỉnh mức sinh thấp chưa có nhiều chính sách, mô hình can thiệp, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong nhóm 33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao, có 10 tỉnh có mức sinh giảm xuống xung quanh mức sinh thay thế.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về dân số nhưng cần giải quyết những thách thức từ mức sinh giảm, chênh lệch vùng miền và xu hướng kết hôn muộn để bảo đảm phát triển bền vững.
Mức sinh thấp gây ra nhiều hệ lụy, như thiếu hụt lao động, dân số trong độ tuổi lao động giảm, gây suy giảm kinh tế. Tiếp theo là già hóa dân số nhanh. Tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh thấp làm tăng tỷ trọng người già, gây mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, nguy cơ mất khả năng chi trả...
Ông Lê Thanh Dũng phân tích: “Một trong những nguyên nhân gây ra mức sinh thấp là do điều kiện sống được cải thiện, học vấn, nhu cầu phát triển sự nghiệp, thu nhập và chất lượng cuộc sống tăng khiến việc kết hôn, sinh con bị trì hoãn hoặc giảm. Mặt khác, sức ép kinh tế như chi phí sinh hoạt, nhà ở, nuôi dưỡng và giáo dục con cái cao khiến các gia đình trẻ cân nhắc sinh con ít hoặc không sinh.
Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh, đặc biệt là vô sinh thứ phát có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc không thể sinh con. Nhiều chính sách đã ban hành trong thời gian qua không còn phù hợp trong tình hình mức sinh hiện nay”.
Đề xuất sửa quy định đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là về các vấn đề mới, những vấn đề mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc bố trí nguồn lực cho công tác dân số bảo đảm cho việc thực hiện 12 chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành thành viên đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc hỗ trợ các tỉnh, thành phố huy động nguồn lực cũng như chuyên môn nghiệp vụ về dân số nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu về dân số theo kế hoạch đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, làm cho đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số và phát triển lan tỏa, thấm sâu trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân...
Theo ông Lê Thanh Dũng, Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số, đồng thời xây dựng báo cáo về thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam, đề xuất các chính sách trong dự thảo Luật Dân số. Trong đó, có chính sách về duy trì mức sinh thay thế nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
“Đối với đảng viên sinh con thứ ba, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12, đề xuất sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22-11-2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên", ông Lê Thanh Dũng cho biết.
Giải quyết vấn đề mức sinh thấp không phải là một nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà cần sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cộng đồng. Để tạo ra hiệu quả lâu dài, cần một chiến lược đồng bộ giữa các chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân có đủ điều kiện để nuôi dạy con trong môi trường ổn định và đầy đủ.