Làm thế nào để doanh nghiệp chinh phục khách hàng 'lười' và tăng doanh số?
Theo giới chuyên gia, trong môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ hiện nay, người mua hàng ngày càng có xu hướng lười hơn, đặc biệt là trong B2B. Họ sẽ không mất thời gian vào các gian hàng để hỏi mà chỉ 'quăng' lên đó các yêu cầu. Doanh nghiệp nào chủ động, tích cực tiếp cận sẽ có đơn hàng...
Tại Việt Nam, hiện nay TMĐT không chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh, thành phố xa xôi, năng lực giao hàng của các công ty chuyển phát đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa. Trong đó, TMĐT xuyên biên giới (xuất khẩu trực tuyến) không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) giảm thiểu khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, mà còn cung cấp dữ liệu chi tiết về hành vi người tiêu dùng, hỗ trợ DN cải tiến sản phẩm và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Hiện sản phẩm dừa Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào khá nhiều thị trường thế giới nói chung và thông qua TMĐT nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương), các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn quen với hình thức xuất khẩu truyền thống, đó là bán trực tiếp cho nhà nhập khẩu hoặc là các đơn vị đại lý ở nước nhập khẩu. Do đó, DN thiếu kiến thức khi bước chân vào lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới.
Bà Đỗ Hồng Hạnh - Giám đốc Quan hệ đối tác chiến lược Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá, trong những năm vừa qua, nhận thức của DN Việt Nam về TMĐT xuyên biên giới đã có những tiến bộ rất vượt bậc.
"Trước đây, khi tiếp xúc với DN, chúng tôi thường nhận được câu hỏi: TMĐT xuyên liên giới là gì và có đến 80% DN khi gặp chúng tôi đều mong muốn mở tài khoản Amazon. Đến nay, bước tiếp cận không còn sơ khai như vậy nữa. Thay vào đó, DN đã có những câu hỏi chiến lược hơn. Ví dụ như các sản phẩm của DN liệu có bán được trên thị trường quốc tế hay không, hay là làm thế nào DN có thể tăng trưởng và tăng trưởng bền vững trên thị trường quốc tế, đặc biệt là bán sản phẩm trên sàn Amazon. Điều đó chứng tỏ rằng nhận thức cũng như tư duy và sự cởi mở của DN đã có những tiến bộ nhất định", bà Hạnh cho biết.
Tuy vậy, các DN rất vất vả khi phải tiếp cận với những công nghệ mới và thực sự phải có sự vận động mới có thể bắt kịp xu hướng phát triển. Khi "chinh chiến" trên thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, DN cần phải nỗ lực hơn rất nhiều.
DN cần phải chú ý hơn trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, phải tìm hiểu thị trường, tìm hiểu xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu. Rất nhiều DN cho biết, DN có nhiều sản phẩm bán ở Việt Nam rất tốt và cũng nghĩ rằng sẽ bán những sản phẩm này ở thị trường quốc tế. Thậm chí có DN còn muốn mang hàng tồn kho đi xuất khẩu trực tuyến.
"Đây không phải là công thức thành công, cũng không phải là một điều đúng đắn khi DN chưa hiểu về thị trường tiêu dùng như thế nào, thị hiếu của họ ra sao? DN phải chọn được ngách hàng nào phù hợn, làm những bài tập về nghiên cứu thị trường, xem đâu là ngách hàng đang có tiềm năng hơn, sản phẩm nào có xu hướng được ưa dụng hơn, ít đối thủ cạnh tranh hơn; đâu là phân khúc của DN? Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp DN chủ động hơn trên sân chơi quốc tế", bà Hạnh khuyến nghị.
Thứ 2 DN cần quan tâm những quy định, quy chuẩn về sản phẩm. Kinh doanh tại thị trường nào phải tuân thủ quy định của thị trường đó. Những sản phẩm mang tính chất bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ về thương hiệu là điều mà Amazon rất chú trọng.
Theo bà Hạnh, một vấn đề nữa DN nên quan tâm đó là xây dựng lộ trình chiến lược dài hơi, có kịch bản về quản trị rủi ro và ngưỡng chịu đựng rủi ro của DN. Có rất nhiều DN khi "chinh chiến" trên Amazon, giai đoạn đầu muốn đi hàng thử, muốn thử sản phẩm cũng như chiến lược xem có phù hợp hay không nhưng không may chưa thành công thì DN đã rút lui luôn, "mang theo trái tim đau khổ, vĩnh viễn không muốn quay trở lại". Đây là điều rất đáng tiếc.
Là người hỗ trợ cho nhiều DN Việt Nam kinh doanh trên sàn TMĐT Alibaba, ông Trần Đình Toản - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn OSB (đại lý Alibaba tại Việt Nam) cho biết: Trước đây, khi Internet vẫn chưa phát triển, OSB phải đến từng cơ sở sản xuất, DN để chụp ảnh, xây gian hàng, theo đó mất nhiều thời gian và công sức. Nhưng đến nay nhờ sự phát triển của công nghệ, mọi thứ đã thay đổi. Hiện tại những vấn đề liên quan đến xây dựng gian hàng, DN có thể sử dụng rất nhiều công cụ.
Alibaba đã xây dựng những hệ thống tích hợp AI vào trong các công cụ của gian hàng. Các dịch vụ về thực tế ảo đã bắt đầu ứng dụng trong câu chuyện về TMĐT, xây dựng những gian hàng ảo cho DN, từ đó gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. DN có thể sử dụng những công cụ đó để hỗ trợ cho việc xây dựng gian hàng, kể cả phân tích, đánh giá.
"Làm sao gia tăng trải nghiệm của khách hàng là câu hỏi được rất nhiều các sàn, DN, các gian băn khoăn. Vì không tăng trải nghiệm khách hàng, khách hàng chỉ lướt qua, không dừng lại gian hàng DN, DN mất cơ hội", ông Toản chia sẻ.
Ông Toản cho rằng, DN đều nhận thức được rằng TMĐT có vai trò quan trọng nhưng vẫn loay hoay trong việc ứng dụng. Với việc có sẵn bộ máy làm xuất khẩu, bản thân chủ DN có kiến thức về xuất khẩu, lãnh đạo DN cần phải thay đổi tư duy theo hướng, cái gì không làm được, chưa có sẵn thì thuê để đỡ mất thời gian và công sức.
Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, DN phải xây dựng chiến lược cụ thể. Sự tích cực, chủ động của DN sẽ quyết định việc DN có thành công trên môi trường TMĐT hay không.
"Người mua hàng ngày càng có xu hướng lười hơn, đặc biệt là trong B2B. Họ sẽ không mất thời gian vào các gian hàng để hỏi mà chỉ quăng lên đó các yêu cầu. Người bán hàng nào chủ động, tích cực tiếp cận thì có thể có cơ hội bán hàng. Giờ không phải là câu chuyện cá lớn thắng cá bé, hay cá nhanh thắng cá chậm. Hiện tại con cá nó nào thích nghi nhanh thì con cá đó tồn tại", Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn OSB nói.