Làm 'sống lại' đường đá cổ Y Tý
Những người già trong thôn cũng không biết tuyến đường này có từ bao giờ, tôi chỉ nghe các cụ kể lại, trải qua nhiều đời, đường đá cổ là tuyến chính kết nối từ trung tâm xã Y Tý đến thôn Lao Chải rồi nối dài xuống thung lũng Thề Pả đến gần cầu Thiên Sinh. Từ đầu năm 2000, tuyến đường mới mở xuống thôn Lao Chải hoàn thành, xe máy đi được dễ dàng, nên đường đá cổ ít người đi, rêu phủ theo năm tháng'- già làng Ly Giờ Lúy, 70 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Y Tý nhớ lại.
Đầu năm 2024, chúng tôi có chuyến ngược dốc lên xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, nơi được ví như “thiên đường mây trắng” tuyệt đẹp. Từ chợ Y Tý nằm ở thôn Ngải Trồ, cũng là trung tâm xã Y Tý, hỏi đường xuống thôn Lao Chải, mấy chị bán hàng ở cổng chợ đều chỉ cho chúng tôi đi theo đường bê tông đến ngã ba Choản Thèn thì rẽ trái xuống thôn Lao Chải, khoảng cách chừng 2 km. Đây là tuyến đường xe máy, ô tô có thể đi lại dễ dàng, là tuyến chính xuống thôn Lao Chải và đi tiếp đến các thôn Sín Chải, Sim San, Hồng Ngài.
Tuy nhiên, khi hỏi các bậc cao niên ở đây, chúng tôi biết ngoài tuyến đường mới còn có một đường khác xuống thôn Lao Chải nhưng dần đi vào lãng quên và ít người biết tới. Đó là đường đá cổ hàng trăm năm tuổi, trước đây là đường đi bộ kết nối giữa trung tâm xã Y Tý với thôn Tả Gì Thàng - Lao Chải xuống tận cầu Thiên Sinh.
Từ điểm mút trên cùng của tuyến đường phía khu rừng cấm của thôn Tả Gì Thàng, tôi xuôi dốc khám phá tuyến đường bí ẩn. Đường nhỏ chỉ rộng hơn 1 m, nhưng điều đặc biệt là mặt đường được xếp bởi rất nhiều những phiến đá. Do địa hình dốc, nên mặt đường đá chủ yếu được xếp thành từng bậc thang để việc đi lại thuận tiện, đỡ trơn trượt. Có đoạn hai bên đường được người dân kè thành hai hàng rào đá cao tới 1,5 m rất ấn tượng.
Nhìn những phiến đá được xếp khít nhau, kê chắc chắn, góc cạnh vuông vắn, có thể thấy sự kỳ công và kỹ thuật xếp đá, kè đá của người xưa. Có những phiến đá to như cái bàn, mặt đá bằng phẳng cũng được xếp rất gọn gàng. Trải qua thời gian, tuyến đường từ lâu đã ít người qua lại nên những phiến đá lớn, nhỏ đều phủ lớp rêu xanh. Bóc đi lớp rêu, thấy mặt đá mòn nhẵn, đủ thấy tuyến đường đã in dấu chân người qua nhiều năm tháng. Từ trên cao nhìn xuống, có đoạn đường xuyên qua khu rừng cổ thụ, có đoạn đi qua tràn ruộng bậc thang và khu dân cư với những ngôi nhà đất vuông của người Hà Nhì tuyệt đẹp.
Già làng Ly Giờ Lúy - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Y Tý, năm nay đã ở tuổi thất thập, nhìn ra tuyến đường mờ ảo ẩn khuất giữa biển sương dày đặc bảo: Thôn Lao Chải là thôn cổ nhất của người Hà Nhì, có lịch sử hơn 300 năm, nhưng ngay cả những người cao tuổi nhất trong thôn cũng không biết tuyến đường này có từ khi nào. Khi tôi còn nhỏ đã được mẹ cho đi chợ Y Tý trên tuyến đường này. Nhưng có điều chắc chắn rằng đây là công trình lớn nhất của cộng đồng người Hà Nhì ở Y Tý, được làm hoàn toàn bằng sức người, nối dài qua năm tháng, tốn biết bao mồ hôi, công sức.
Để hoàn thành tuyến đường, có sự chung tay góp sức của nhiều người, qua nhiều thế hệ, phục vụ đời sống không chỉ của người Hà Nhì ở Lao Chải mà cả các thôn, bản khác. Người Dao ở Sim San, người Mông ở Hồng Ngài muốn đi chợ Y Tý cũng đi trên tuyến đường này. Ở phía thung lũng Thề Pả, đường đá cổ còn là đường tới vựa lúa của bà con nơi đây. Bên lề đường đá là đường ngựa thồ mang thóc lúa về thôn. Vì thế, đường đá cổ gắn với rất nhiều thăng trầm của cộng đồng các dân tộc xã Y Tý nói chung.
Ở vùng đất Y Tý xa xôi, cách trở, trước đây đường giao thông đi lại rất khó khăn. Chính vì thế, Y Tý được nhiều người ví như “ốc đảo” giữa đại ngàn, ít người biết tới. Ở nơi đó, đường kết nối giữa các thôn, bản với trung tâm xã nơi có trụ sở xã, có chợ phiên, trường học, trạm y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trải qua hàng trăm năm, tuyến đường đá cổ Y Tý được xây dựng đã thực hiện sứ mệnh quan trọng, là tuyến đường kiên cố giúp bà con đi lại thuận tiện. Từ đầu năm 2000, khi đường mới từ trung tâm xã Y Tý xuống thôn Lao Chải được mở để ô tô, xe máy đi lại dễ dàng, trở thành tuyến đường giao thông chính, thì đường đá cổ ít người đi hơn.
Trong chuyến trở lại Y Tý lần này, tôi gặp một số bạn trẻ có chung niềm đam mê phát triển du lịch cộng đồng ở Y Tý, xây dựng Câu lạc bộ Du lịch Y Tý cách đây không lâu. Trong câu chuyện về phát triển du lịch Y Tý, nhắc đến đường đá cổ, tôi không khỏi bất ngờ khi biết từ giữa tháng 11 năm nay, Câu lạc bộ Du lịch Y Tý đã đứng ra tổ chức tu sửa, khôi phục đường đá cổ, góp phần hồi sinh tuyến đường trăm tuổi, giúp du khách khám vẻ đẹp của vùng đất này.
Ở Lào Cai, nhiều người biết đến đường đá cổ Pavie hơn 100 năm kết nối giữa xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát với xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhưng ít người biết tới đường đá cổ Y Tý cũng mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc. Đây là công trình thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Hà Nhì khi xây dựng tuyến đường mơ ước từ nhiều đời trước, kết nối thôn Ngải Trồ là trung tâm xã Y Tý với thôn Tả Gì Thàng - Lao Chải đến cầu Thiên Sinh. Từ Lao Chải có thể tiếp tục đi đến các thôn Sim San, Hồng Ngài, vào cột mốc biên giới số 85 và sang địa phận tỉnh Lai Châu.
Anh Ly Xá Xuy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du lịch Y Tý chia sẻ.
Với ý tưởng “hồi sinh” đường đá cổ trăm tuổi, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của Y Tý, Câu lạc bộ Du lịch Y Tý đã đề xuất, xin ý kiến UBND xã và vận động nhân dân hai thôn Tả Gì Thàng, Lao Chải cùng các lực lượng Đồn Biên phòng Y Tý, Công an xã Y Tý tu sửa tuyến đường.
Hôm ra quân sửa đường đá cổ, bà con ai cũng phấn khởi vì tuyến đường gắn với bao kỷ niệm được khôi phục. Trong thời gian tới, câu lạc bộ sẽ tiếp tục xây cổng đá ở điểm đầu và cuối tuyến đường, xây dựng các tuyến du lịch kết nối hành trình trải nghiệm đường đá cổ, khám phá làng cổ Lao Chải, Tả Gì Thàng. Đường đá cổ Y Tý không bị lãng quên, còn mang thêm sứ mệnh mới, dẫn lối các đoàn khách du lịch bốn phương, kể câu chuyện về lịch sử vùng đất này.
Trở lại câu chuyện với già làng Ly Giờ Lúy, ông rất phấn khởi khi đường đá cổ được khôi phục để trở thành đường du lịch. Già làng Ly Giờ Lúy bảo, hơn chục năm qua ông rất tiếc khi đường đá cổ dần bị lãng quên, ít người đi lại nên không ai tu sửa.
Trước đây vào tháng Bảy âm lịch hằng năm, chọn ngày “con lợn” là ngày lành, mỗi gia đình trong thôn Lao Chải đều cử 1 người tham gia tu sửa đường, kê lại những phiến đá bị lệch, kè thêm đá cho đường đẹp, đi lại dễ dàng hơn. Vào mùa thu hoạch, bà con tự sửa sang lại đoạn đường đá kết nối vào ruộng nhà mình để gùi ngô, thóc thuận tiện.
Theo lý của người Hà Nhì, khi trong thôn xảy ra chuyện đánh cãi nhau, mâu thuẫn gia đình phải đưa ra thôn giải quyết, ai sai sẽ phải chịu phạt tu sửa một đoạn đường đá. Vì thế, mỗi phiến đá, mỗi bậc thang trên đường đá cổ gắn với rất nhiều câu chuyện kỳ thú mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Già làng Ly Giờ Lúy cho rằng, khôi phục đường đá cổ Y Tý là việc làm rất có ý nghĩa của thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc của các thế hệ trước để lại.
Đường đá cổ “hồi sinh” mở ra hướng mới trong phát triển du lịch của địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch mới để du khách trải nghiệm, khám phá vùng đất Y Tý. Rồi đây, trên đường đá cổ, sẽ thêm nhộn nhịp bước chân, hình ảnh đẹp về đường đá cổ giữa biển mây sẽ được nhiều người biết tới, du lịch phát triển giúp bà con có cuộc sống ấm no hơn.