Làm sâu sắc quan hệ truyền thống, thúc đẩy hợp tác song phương lên tầm cao mới

Một dấu ấn đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là, tại cả hai nước, Chủ tịch Quốc hội ta và Chủ tịch Quốc hội bạn đều đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ nghị viện, từ đó làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác song phương lên tầm cao mới.

Với Bangladesh, đây là bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên sau 50 năm hai nước thiết lập ngoại giao, còn với Bulgaria, đây là Bản ghi nhớ hợp tác thứ hai giữa hai Quốc hội, được cập nhật, bổ sung các nội hàm mới để phù hợp hơn với quan hệ hai nước, hai Quốc hội trong giai đoạn hiện nay. Ngay sau đó, Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Ban Thư ký Nghị viện của bạn, cụ thể hóa Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bulgaria Stefana Karaslavova ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bulgaria Stefana Karaslavova ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh.

Hai văn kiện này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội và cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội hai nước tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trao đổi kinh nghiệm với nhau trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Với vai trò, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội của hai nước có rất nhiều kinh nghiệm có thể trao đổi, chia sẻ với nhau. Hai bên sẽ cụ thể hóa các hoạt động hợp tác giữa hai nghị viện như: tham vấn ý kiến để tham mưu cho lãnh đạo trong những quyết định để ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế, khu vực; tổ chức các đoàn trao đổi trực tuyến hoặc trực tiếp về kinh nghiệm trong lĩnh vực tham mưu, phục vụ, tham mưu tổng hợp, các vấn đề hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội cũng như cho các Đoàn đại biểu Quốc hội và đặc biệt là cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Với Bangladesh còn có một điểm đặc biệt nữa, đó là ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bangladesh. Việc thành lập Nhóm NSHN nhằm thiết thực triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội hai nước, là kênh rất quan trọng, cầu nối rất cụ thể giữa các nghị sĩ của ta với nghị sĩ của bạn để tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, thúc đẩy việc ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và các hợp tác về lĩnh vực văn hóa, du lịch...

Có thể nói, việc thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng Đoàn Quốc hội và của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để chúng ta kịp thời cụ thể hóa và triển khai các hoạt động hợp tác nghị viện, góp phần cùng với ngoại giao của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân tăng cường quan hệ của ta với Bangladesh. Bangladesh là thị trường rất rộng lớn với 170 triệu dân, cũng là thị trường không cạnh tranh trực tiếp với chúng ta, do đó, cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Bangladesh để có thêm những thị trường mới, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bulgaria là một nước bạn bè truyền thống của chúng ta, đã ủng hộ Việt Nam trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong giai đoạn hiện nay, ủng hộ ta trên các diễn đàn quốc tế. Cùng với đó, Bulgaria còn là thành viên của Liên minh châu Âu, có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ phía Tây Nam châu Âu.

Đây là chuyến thăm Bulgaria đầu tiên sau 15 năm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Do đó, các nhà lãnh đạo Bulgaria đánh giá rất cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định đây là một mốc son mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Bulgaria không chỉ về ngoại giao nghị viện mà còn thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đầu tư...

Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Bulgaria dành cho Chủ tịch Quốc hội ta sự đón tiếp hết sức trọng thị. Đặc biệt, ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội Bulgaria đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu với số phiếu tuyệt đối. Điều này thể hiện sự trọng thị và sự đánh giá rất cao, rất coi trọng của Bulgaria dành cho Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Đó chính là sự kết tinh công sức, trí tuệ của các thế hệ, sự đóng góp của người dân chúng ta và cả hệ thống chính trị chúng ta đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của mình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số hiệp hội, tập đoàn Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số hiệp hội, tập đoàn Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Bulgaria rất ngưỡng mộ các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của chúng ta. Bạn coi chúng ta là hình mẫu phát triển đất nước và rất muốn chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước để trở thành một quốc gia đang phát triển với tốc độ rất nhanh như hiện nay. Các nhà lãnh đạo, đại diện các chính đảng, tổ chức hữu nghị, doanh nghiệp Bulgria đánh giá rất cao việc cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn chú trọng các chính sách xã hội, đời sống của nhân dân Việt Nam ngày càng được nâng lên. Điều này khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng ta đề ra là rất đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Trung ương cũng như cả hệ thống chính trị để có được những kết quả như hiện nay.

Hợp tác kinh tế, thương mại cũng là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm. Theo đó, hai bên đều cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn tăng trưởng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Bangladesh là đất nước không xa chúng ta, chỉ gần 3 giờ bay. Trong khi đó, đây là một thị trường rất tiềm năng với quy mô dân số lên tới 170 triệu người. Nếu như chúng ta có đường bay thẳng thì chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa... Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động phức tạp như hiện nay thì phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Bangladesh là một thị trường rất phù hợp để chúng ta thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh, ủng hộ đề xuất này của phía Bangladesh. Tôi cho rằng, việc mở đường bay thẳng là rất cần thiết.

Với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu hai nước, doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh đã ký kết các thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Doãn Tấn

Với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu hai nước, doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh đã ký kết các thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Doãn Tấn

Với Bulgaria, hai bên đều nhất trí mở rộnghợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương thời gian tới. Trên tinh thần đó, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam -Bulgaria về hợp tác kinh tế nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá về đầu tư - thương mại, từ đó đóng góp cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững. Các nhà lãnh đạo Bulgaria nhất trí sớm tổ chức khóa họp thứ 24 của Ủy ban này sau 8 năm tạm gián đoạn.

Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Bulgaria đều chia sẻ nhận định, với vai trò và vị trí địa chính trị chiến lược của mình ở mỗi khu vực, hai nước hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để đưa hàng hóa và sản phẩm cạnh tranh vào thị trường khu vực. Cụ thể, Bulgaria có thể đầu tư vào Việt Nam và qua đó đầu tư vào thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân, quy mô nền kinh tế thứ 5 thế giới và ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với doanh nghiệp Bulgaria để thâm nhập thị trường châu Âu và các nước vùng Balkan. Như Chủ tịch Quốc hội nhận định, "đây là ý tưởng đã gặp nhau của lãnh đạo hai nước". Hai nước cũng cần đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương có nét đặc thù và tương đồng về kinh tế, xã hội nhằm thiết lập quan hệ đối tác, kết nghĩa trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh để tăng cường thu hút đầu tư, thương mại và phát triển du lịch; kết nối hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...

Quỳnh Chi ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/lam-sau-sac-quan-he-truyen-thong-thuc-day-hop-tac-song-phuong-len-tam-cao-moi-i344638/
Zalo