Làm sao dọn sạch 'hàm của quỷ'?
'Hàm của quỷ' là cái gì vậy NXD?
- Là chiếc bẫy kẹp mà những đối tượng bẫy bắt động vật hoang dã trái phép đặt trên núi Sơn Trà đó Tư Đà thành.
- À ra thế, trước đây Tư có thấy những bức ảnh một cá thể khỉ đuôi lợn dính bẫy này mà thấy xót xa.
- Rất may cơ quan Kiểm lâm đã tiếp cận cứu hộ, gỡ được chiếc bẫy cho chú khỉ kia rồi, nhưng vấn nạn đặt bẫy thú trong khu bảo tồn thiên nhiên này vẫn tái diễn, dù các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp TTKS nhưng không xuể.
- Thế nguyên nhân do đâu vậy NXD?
- Trước đây, cơ quan chức năng nói một khu rừng nhưng liên quan đến nhiều đầu mối như Kiểm lâm, Quân sự, Biên phòng, chính quyền, ngành Du lịch… nên công tác phối hợp gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng các đối tượng trà trộn, cải trang thành khách du lịch để xâm nhập rừng trái phép, đặt các loại bẫy thú.
- Tư thấy rừng Sơn Trà hầu hết các mặt giáp biển, không quá khó để kiểm soát việc xâm nhập rừng, đặt bẫy thú trái phép?
- Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, ngoài chế độ tuần tra thường xuyên, vào các đợt cao điểm, đội kiểm tra liên ngành thực hiện các đợt tuần tra, truy quét quanh bán đảo, kể cả tuần tra đêm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, bắt bẫy động vật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các quy định pháp luật về lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, làm cộng tác viên, tình nguyện viên để trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để vấn nạn này.
- Vậy thì cần phải quyết liệt hơn nữa chớ!
- NXD cũng nghĩ vậy, nếu không làm tốt công tác quản lý thì “lá phổi xanh” Sơn Trà sẽ ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực. Mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp bảo vệ quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.