Làm sao để thoát khỏi 'bàn cờ quyền lực'
Sau 'Trường ca Achilles', tác phẩm thứ hai của Madeline Miller khai thác tuyến nhân vật sắc nét cùng giọng văn giàu nhạc tính, cho thấy rất nhiều bi kịch của 'bàn cờ quyền lực'.
Từng bị gán cho danh xưng “fan-fic” với tác phẩm đầu tay, liệu Circe - tác phẩm mới của Madeline Miller - chứa đựng những gì để đập tan đi chính “định kiến” đó?
Tiểu thuyết kể về cuộc đời nhiều biến động của nữ phù thủy cùng tên sống trên đảo Aiaia cách biệt. Nàng là con gái của thần Mặt Trời Helios và nàng Tiên biển Perse. Do những “biệt tài” không thể lường trước với các loại thảo mộc, nàng đã bị đày đến nơi đảo xa, chịu cô lập.
Trong sử thi Odyssey, Homer mô tả Circe như một người tinh tường, nhạy bén. Nàng nổi tiếng với những thứ thuốc pha chế và cũng là người chỉ cho Odysseus con đường trở về Ithaca sau cuộc chiến thành Troy, cũng như lưu danh sử sách với màn biến người thành lợn.
Đập tan định kiến
“Fan-fic” là khái niệm ngầm chỉ các cuốn tiểu thuyết được viết bám theo nhân vật bất kỳ, có tuyến truyện riêng so với tác phẩm nguyên gốc. Do đó, khi viết về mối tình thiên thu của Patroclus và Achilles, Madeline Miller đã phải hứng chịu rất nhiều dư luận bởi liệu đó có phải là một tác phẩm thứ sinh hay không?
Mặc cho chính cô lên tiếng phủ nhận điều đó, không ít nghi ngại vẫn còn tồn tại. Achilles là một nhân vật đã quá nổi tiếng trong Thần thoại Hy Lạp, là vị anh hùng dũng mãnh nên khi bám vào một nhân vật đã quá nổi trội, phản ứng trái chiều là điều không tránh khỏi.
Trong cuốn sách đó, Patroclus mới là nhân vật được chú ý hơn cả, nhưng cái bóng của Achilles đã phủ hoàn toàn lên cả cốt truyện. Với Circe, Miller cho thấy sự vượt thoát của mình khi bỏ qua các nhân vật nổi bật để khai thác Circe - hậu duệ của những Titan ít được quan tâm, cũng như không có quá nhiều công trạng trong các sử thi để lại.
Điều này không chỉ cho thấy nỗ lực đập tan định kiến, mà còn làm rõ hơn nữa con đường cô chọn, đó là khai thác tập trung vào những nhân vật thường bị “bỏ rơi”. Miller phân tích đặc điểm của họ để từ ánh hào quang vốn bị che phủ, những cá tính này bỗng trỗi dậy và bừng sáng.
Chiếm giữ vị trí trung tâm là Circe - nữ phù thủy của đảo Aiaia, người đã trải qua rất nhiều thử thách để có được cuộc sống yên bình. Với đôi mắt vàng và giọng nói yếu, cô được đặt tên theo loài chim ưng.
Khi lớn lên, vì nỗi ghen tuông mà cô đã biến Scylla từ một á thần trở thành một con thủy quái ghê rợn và bị cha mình cũng như thần Zeus đày đến đảo xa.
Cuộc đời Circe là những biến động ấn tượng hơn thế. Trên hòn đảo vắng, cô đã chào đón biết bao con người quan trọng ghé qua. Đó là vị thần truyền tin Hermes, người anh hùng Odysseus, thợ thủ công Daedalus, cũng như các vị thần Apollo và Athena.
Trong sách, Circe hiện lên như một con người chân thật để từ đó, những sự điên loạn với lòng tham quyền lực và sự hư danh hiện lên một cách sáng rõ.
Khát khao uy quyền
Trong truyện, Circe chứng kiến biết bao câu chuyện đau lòng về những quyền lực không thể đạt được khi những Titan thích thú đứng nhìn Prometheus bị trừng phạt vì đã đem lửa đến cho loài người.
Ở nơi đảo vắng, cô đã thấy cánh Medea giết chết em mình để giành bộ lông cừu vàng cho người tình Jason. Vì sự ghen tuông cũng như hư danh, em gái Pasiphaë không từ thủ đoạn khiến cho rất nhiều thủy thủ đi đến đảo Crete cùng Circe đã phải chết gục dưới những nanh vuốt của con quái vật Scylla.
Và đó còn là người anh hùng Odyssey điên loạn sau khi trở về vùng đất của mình. Khi thấy Ithaca không còn như xưa, máu đổ cũng như uy quyền là thứ duy nhất mà y khao khát.
Cho đến cuối cùng, ngay cả những người vẫn được tụng xưng “anh hùng” như Jason, Achilles, Hercules… đều không tìm thấy niềm hạnh phúc bởi hư danh của họ được xây phía trên máu đổ.
Circe hiện lên ở đó chỉ nhân một người “phù thủy” tìm thấy sức mạnh từ những tôi rèn qua nhiều tháng năm. Cô là một người khát khao yêu đương và rơi vào những cuộc tình dù là gian dối với Hermes, Odysseus hay là chân thành với Daedalus và Telemachus.
Cô cũng là một người mẹ có thể đau đớn mãn kiếp chỉ để tìm về vài năm trần thế cho con trai mình. Thế nhưng liệu cô sẽ để con trai đi cùng Athena hay sẽ vĩnh viễn bảo vệ con mình để tránh chính những bi kịch mà cha đứa trẻ một lần phạm phải?
Với Circe, Madeline Miller khai thác tuyến nhân vật đầy sắc nét cùng những câu văn đậm đặc nhạc tính. Tác phẩm cho thấy rất nhiều bi kịch của “bàn cờ quyền lực”. Và bởi “huyết thống không làm nên chúng ta”, nên lựa chọn nằm ở mỗi người. Circe là một tác phẩm ma thuật và đầy thú vị.