Làm sao để nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt?
Số lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong khi quỹ đầu tư lại teo tóp, điều này khiến thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư.
Ngày 28-3, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” tại TP.HCM.
Thị trường chứng khoán chưa xứng với tiềm năng phát triển
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, đánh dấu năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng tổng mức vốn huy động đạt gần 930.000 tỉ đồng, cao gấp gần 1,3 lần so với 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09% đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỉ đô la Mỹ đứng thứ 33 trên thế giới.
Mặc dù năm 2024 đã ghi nhận những kết quả tích cực nhưng thị trường vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán vào cuối năm 2024 chỉ chiếm 1,2% tổng giá trị thị trường chứng khoán và tổng tài sản mà các công ty quản lý quỹ đang quản lý chỉ tương đương 6,5% GDP.

Để thị trường chứng khoán phát triển rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.
“Trên thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%. Theo đó, hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bên cạnh những kết quả đạt được, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính và ngoại hối… Theo đó, hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển”- ông Thắng nhấn mạnh.
Đánh giá về tình hình hiện tại của ngành quản lý quỹ, ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital cho biết thêm: "Quy mô của ngành quản lý quỹ vẫn ở mức khiêm tốn và mức độ thâm nhập quỹ thấp, đồng nghĩa với việc còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Bên cạnh đó, hiện chỉ có 7% dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế trong tổng giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ở chiều ngược lại, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn ít và đang giảm dần".
Trên thế giới, các quỹ hưu trí tự nguyện đóng vai trò là nhà đầu tư lớn ở các thị trường khác. Đơn cử như tại Mỹ, tổng tài sản các quỹ hưu trí tự nguyện chiếm 27% GDP, tỉ lệ này tại châu Âu và Anh là 12% GDP; Trung Quốc là 27%; Nhật Bản là 6%; Hàn Quốc là 11%; Malaysia 13%; Thái Lan 5%. Trong khi đó, tại Việt Nam, tổng tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện đang là 0%.
Cùng với sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, Chủ tịch UB Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho rằng ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô.
Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.
Tuy nhiên, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỉ lệ lớn nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư.
Nguồn vốn tới từ đâu?
Để thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, ông Albert Kwang-Chin Ting - Chủ tịch Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng cho rằng: "Trước tiên nên xem xét đến các nguồn quỹ đầu tư. Dựa trên Top 15 sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường, điều này đem đến cho chúng ta góc nhìn toàn diện về phân bổ tài sản toàn cầu và xác định những thị trường tiềm năng để thu hút dòng vốn vào Việt Nam. Song để hút tiền của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam thì cần phải hiểu họ muốn gì?"
Nói về vấn đề này, ông Albert Kwang-Chin Ting nhận định nhà đầu tư vốn cổ phần tìm kiếm lợi nhuận tài chính bằng cách đầu tư vào các công ty có chiến lược rõ ràng, hiệu quả tài chính vững chắc, quản trị doanh nghiệp tốt và ngày càng chú trọng đến các yếu tố ESG.
Nhà đầu tư trái phiếu cũng quan tâm đến những vấn đề tương tự, nhưng đặc biệt chú trọng đến khả năng hoàn trả, xếp hạng tín dụng và môi trường pháp lý vững chắc để hỗ trợ xử lý nợ xấu hoặc tái cơ cấu nợ.
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong ngắn hạn cần đẩy nhanh tiến độ IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhà nước để tăng số lượng cổ phiếu chất lượng cao niêm yết.
Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và liên doanh hàng đầu tham gia IPO, tận dụng mạng lưới của họ ở trong nước làm đòn bẩy để thu hút thêm nhà đầu tư gián tiếp (FII).
Bên cạnh đó, nâng hạng lên thị trường mới nổi theo FTSE & MSCI để thu hút dòng tiền mới. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 65% ở một số ngành. Kết hợp với các giải pháp như xem xét phát triển thêm các sản phẩm phái sinh và cho phép bán khống đối với các nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống, khuyến khích phát hành thêm quỹ ETF.
Trong dài hạn, cần mở rộng các sản phẩm phái sinh, phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Để Việt Nam thu hút được dòng vốn chất lượng, chúng ta cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các ngành công nghiệp tiên tiến và nền kinh tế xanh toàn cầu.
Ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam
Ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu quan điểm: Muốn thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thì việc ổn định chính sách, tăng sự minh bạch để thu hút đầu tư lâu dài.
Những nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư của Chính phủ trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư, điều quan trọng là chính sách cần nhất quán, rõ ràng và có tính dự báo chất lượng cao. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài hạn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và hạ tầng.