Làm sao để hạn chế tái phát tình trạng viêm da cơ địa?

Thưa bác sĩ, tôi bị bong da ở các đầu ngón tay, ngón chân đến mức da mỏng dần và mòn cả vân tay. Tôi có đi khám da liễu ở nhiều nơi được chẩn đoán viêm da cơ địa và chàm, có uống thuốc và bôi nhưng không khỏi. Không biết bệnh này là do nguyên nhân nào gây ra, tôi rất muốn được chữa trị dứt điểm, xin được tư vấn phương pháp hiệu quả!

Thưa bác sĩ, tôi bị bong da ở các đầu ngón tay, ngón chân đến mức da mỏng dần và mòn cả vân tay. Tôi có đi khám da liễu ở nhiều nơi được chẩn đoán viêm da cơ địa và chàm, có uống thuốc và bôi nhưng không khỏi. Không biết bệnh này là do nguyên nhân nào gây ra, tôi rất muốn được chữa trị dứt điểm, xin được tư vấn phương pháp hiệu quả!

(Chị Nhã Trúc, 33 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào chị!

Viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là bệnh phổ biến, với triệu chứng ngứa rất điển hình. Về nguyên nhân của bệnh có liên quan đến di truyền (rối loạn chức năng miễn dịch, rối loạn hàng rào bảo vệ da,…), bệnh nặng lên do các yếu tố tác động của môi trường (hóa chất, bụi…). Bệnh thường kéo dài dai dẳng và hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, tuy nhiên sẽ có các phương pháp để hạn chế bệnh tái phát, giảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như:

1. Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa, xà bông có nhiều chất tẩy rửa mạnh, hạn chế rửa tay.

2. Bôi dưỡng ẩm hàng ngày và nhiều lần trong ngày nhằm tăng cường hàng rào bảo vệ da là việc rất quan trọng

3. Bôi kem kháng viêm: Nếu da viêm, sưng đỏ, ngứa hãy dùng kem kháng viêm để bôi. Khi da đã bớt sưng đỏ, ngứa nên hạn chế sử dụng kem kháng viêm, tăng cường liệu pháp chăm sóc làm ẩm bằng kem dưỡng ẩm. Nếu lạm dụng quá nhiều thuốc kháng viêm khiến màu da thay đổi, da mỏng, mọc lông, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Do đó, nên sử dụng kem kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.

4. Điều trị kháng sinh nếu da bị nhiễm trùng: Chỉ bổ sung kháng sinh trong thời gian ngắn. Nếu vết thương bị hở hay chảy dịch cần đắp gạc và vệ sinh thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.

5. Tránh áp lực và căng thẳng khi làm việc, cần nghỉ và ngủ điều độ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục.

6. Chế độ ăn đầy đủ chất, điều độ, không kiêng khem quá mức.

Chúc chị mau lành bệnh!

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Hoài Minh Phương,

Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202410/lam-sao-de-han-che-tai-phat-tinh-trang-viem-da-co-dia-c201ccb/
Zalo