Làm sao có thể bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Thời đại công nghệ số và sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh đã mở ra rất nhiều cơ hội cho trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới thông qua không gian mạng. Song, mặt trái của vấn đề là trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ tiếp cận thông tin độc hại tràn lan trên mạng.
Gia đình anh N.M.D., ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) có 2 con nhỏ, thời gian nghỉ hè, bố mẹ đều đi làm nên hai chị em tự ở nhà trông nhau. Không có người lớn trông coi, các con của anh D. dành nhiều thời gian để xem tivi và điện thoại giải trí. Song, điều khiến anh D. bận tâm là hễ được tự do với cách thức giải trí này, chúng đều vào mạng để lướt xem các video ngắn trên facebook, tiktok, youtube. Nhiều video có nội dung không phù hợp với lứa tuổi, ăn mặc hở hang, hài hước lố lăng, thậm chí là lời nói thô tục, bày trò nghịch dại... Anh D. cảm thấy lo lắng khi hằng ngày các con thường xuyên tiếp xúc với những thông tin hỗn độn trên mạng, song không biết phải làm thế nào, cấm đoán tivi với điện thoại thì không được, mà cho xem thì không phải lúc nào cũng ở nhà để kiểm soát nội dung.
Trường hợp đang xảy ra với con trai chị N.T.D., ở phường Long Anh (TP Thanh Hóa) cũng khiến chị đau đầu. Chị D. cho biết, dạo gần đây, đứa con trai 12 tuổi có một số biểu hiện khác thường như: ít nói hơn, không thích giao tiếp, thiếu tập trung trước lời người lớn nói, thường xuyên cáu gắt, thích ở một mình... Chú ý nhiều hơn đến hoạt động hằng ngày, chị thấy con dành quá nhiều thời gian để lướt mạng xã hội (MXH). “Lần giở lại lịch sử các nội dung con xem trên mạng, mình thấy các nội dung không khác gì một “nồi lẩu” thập cẩm, thông tin dường như chỉ nhằm mục đích câu view, càng xem càng thấy ngớ ngẩn, thậm chí là phản cảm cả trong lời nói lẫn hành động, dạy trẻ những thói quen xấu. Những video này lại thu hút nhiều người xem. Phát hiện thấy con có biểu hiện khác thường, tôi đã phải có biện pháp mạnh là cấm con xem tivi, điện thoại”, chị D. chia sẻ.
Theo thống kê của Global Digital Headlines, Việt Nam hiện có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số; 70 triệu người dùng MXH, tương đương với 71% tổng dân số, trong đó có nhiều trẻ em. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau. Trong số các thiết bị để trẻ truy cập Internet, thiết bị phổ biến nhất là điện thoại di động với 98%, trong khi máy tính chỉ chiếm 21% và máy tính bảng chỉ chiếm 5%. Địa điểm truy cập mạng phổ biến nhất hiện nay là nhà ở. Một khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, thời gian trẻ sử dụng MXH trung bình lên đến 5 - 7 tiếng/ngày. Việc sử dụng MXH trong thời gian dài, thậm chí nghiện lướt MXH dẫn đến nhiều hệ lụy, trước hết là ảnh hưởng đến thời gian học tập, khả năng phát triển thể chất, chưa kể các nội dung xấu độc bủa vây trên MXH sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, làm giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp trực tiếp, thậm chí là bị các rối loạn tâm lý...
Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ trẻ em trên không gian mạng? Đó là câu hỏi mà nhiều phụ huynh hiện nay đang rất băn khoăn. Cấm cản con cái tuyệt đối không được sử dụng MXH là điều khó có thể thực hiện trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Theo khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), để giúp cho con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như: không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình. Về giải pháp công nghệ, phụ huynh cần cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em. Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp. Điều quan trọng nhất là hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập nội dung nào và vì sao; hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp; hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng.
Ngoài ra, người thân trong gia đình cần tạo cơ hội và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, giao lưu ngoài trời nhiều hơn để phát triển thể chất toàn diện, học hỏi được những điều mới, tăng sự giao lưu, kết nối trực tiếp, phát triển một thái độ sống tích cực và năng động.