Làm sạch thị trường chứng khoán

Vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch và minh bạch thị trường chứng khoán. Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, các hành vi vi phạm này tới đây có thể được xử lý ở mức độ hình sự để răn đe cao hơn, lập lại kỷ cương, trật tự, làm sạch thị trường chứng khoán.

Hành vi thao túng giá cổ phiếu gây thiệt hại nặng cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Hành vi thao túng giá cổ phiếu gây thiệt hại nặng cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe

Nếu như trong năm 2021, chứng khoán được coi là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, thì những ngày gần đây, thị trường “mới nổi” này biến động bởi vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị bắt để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Cơ quan chức năng xác định ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết thông đồng mua, bán đẩy giá chứng khoán FLC tăng 64% trong thời gian ngắn để bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC, thu lợi bất chính 530 tỉ đồng.

Trước đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị vướng vòng lao lý với hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, ngày 24/1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm giam ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty CP liên danh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA, mã chứng khoán ASA), do làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA rồi niêm yết bổ sung số cổ phiếu này tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.

Ngày 26 và 27/5/2020, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử Phạm Thị Hinh, cựu chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA), cùng hàng loạt nhân sự thuộc Công ty chứng khoán VSM vì lập 69 tài khoản để liên tục thực hiện mua bán cổ phiếu KSA, tạo cung cầu giả trên thị trường. Với vai trò chủ mưu, Phạm Thị Hinh bị tuyên phạt 18 tháng tù, các đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội bị phạt 15 tháng tù treo.

Một vụ án đáng chú ý khác là ngày 7/5/2019, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết với các bị cáo trong vụ thao túng giá chứng khoán. Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Tiệp (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty MTM) tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 14 bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thao túng giá chứng khoán”...

Đề cập tới nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, là do mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe.

Theo ông Khánh, với những thị trường chứng khoán phát triển, họ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy. “Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Do vậy, phải ngăn chặn việc “phím hàng” công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh tay”, ông Khánh kiến nghị.

Lập lại trật tự, cách nào?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhiều nước trên thế giới xử phạt tội thao túng chứng khoán rất mạnh tay. Chẳng hạn tại Mỹ, các cá nhân phạm tội thao túng chứng khoán có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, phạt hành chính lên đến 5 triệu USD (đạo luật 1934). Vào năm 2018, Trung Quốc cũng từng phạt một công ty logistics số tiền kỷ lục 870 triệu USD (20.000 tỉ đồng) vì thao túng giá cổ phiếu.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “thao túng thị trường chứng khoán”. Nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ đồng trở lên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỉ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt lên đến 4 tỉ đồng hoặc phạt đến 7 năm tù giam...

Theo luật sư Truyền, ngoại trừ việc xử lý hình sự, số tiền phạt vài tỉ đồng còn khá khiêm tốn so với số tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu nếu trót lọt. Để tăng tính răn đe, luật sư Truyền đề nghị có thể cân nhắc mức xử phạt theo phần trăm tổng số tiền dùng để thao túng cổ phiếu.

Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, trên thị trường chứng khoán có những cổ phiếu kém chất lượng có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn… Hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng nghìn tỉ đồng.

Ông Hải cũng thông tin, đã 2 lần gửi văn bản đến Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ, đề nghị thanh tra hai nội dung là các dự án công nghệ thông tin và cổ phiếu rác, tình trạng đẩy giá chứng khoán, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ ảo để bán giấy lấy tiền thực... Theo VAFI, có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm qua. Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cũng yêu cầu thanh tra tình trạng tạo doanh thu, lợi nhuận giả, tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền. Với loại hình doanh nghiệp này, có bán cổ phiếu với giá 1.000 đồng/CP thì cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ sập bẫy vì tưởng giá hấp dẫn.

Ngoài ra, VAFI cũng cho rằng, có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân, nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.

Ở góc độ quản lý, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, hiện đã có một số lượng khá lớn vụ việc liên quan đến hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội gián được chuyển sang cơ quan điều tra. Các hành vi vi phạm này tới đây có thể được xử lý ở mức độ hình sự để răn đe cao hơn, lập lại kỷ cương, trật tự, làm sạch thị trường chứng khoán.

Theo bà Bình, đẩy mạnh công tác thanh tra giám sát thị trường chứng khoán là công tác trọng tâm của năm 2022. Đây cũng là một trong 4 giải pháp trung và dài hạn mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển công bằng, minh bạch và ổn định.

Cụ thể, đối với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bên cạnh tập trung nhận diện mã giao dịch có yếu tố bất thường để xử lý nghiêm các gian lận như thao túng thị trường, giao dịch nội gián, còn tập trung kiểm tra hoạt động phát hành riêng lẻ trên thị trường trái phiếu và đẩy mạnh thanh tra hoạt động chào bán niêm yết cổ phiếu, hoạt động cung cấp dịch vụ tại công ty chứng khoán để đảm bảo hoạt động diễn ra phù hợp với các quy định pháp luật.

Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, mã cổ phiếu FLC đã có những giao dịch bất thường. Ngày 1/4, ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng về việc áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Cụ thể, ông Thắng đề nghị tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Ông Thắng cho biết, trong phiên giao dịch ngày 1/4, mã FLC có thanh khoản tăng đột biến với tổng khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị ngay trong phiên sáng. Chốt phiên, có hơn 100 triệu cổ phiếu được khớp và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, tại hai phiên giao dịch liền trước đó (30 và 31/3), mã FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp trong phiên giao dịch ngày 1/4, có nghĩa thanh khoản phiên hôm 1/4 tăng đột biến gấp 100 lần.

Với động thái trên của FLC, theo ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM, phía FLC yêu cầu tạm ngừng giao dịch để chống thâu tóm và ổn định thị trường là không đủ sức thuyết phục. Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận lý lẽ này thì cơ hội nào để cho các nhà đầu tư đang ôm hàng nhà FLC có cơ hội chuyển đổi danh mục. Nếu nghi ngờ có đội nhóm đang lũng đoạn thị trường cổ phiếu thì lẽ ra đại diện FLC phải yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc.

MINH DUY

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-sach-thi-truong-chung-khoan-5683320.html
Zalo