Làm rõ ý nghĩa cách mạng, giá trị khoa học và tính thời đại của Nghị quyết số 57

Chiều 20/1, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới'.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học. (Ảnh: Thế Đại)

Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học. (Ảnh: Thế Đại)

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Cùng dự, có các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về ý nghĩa, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng chí Lê Hải Bình nêu rõ, tiếp nối các văn kiện quan trọng mang tính nền tảng, định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ trước đây, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 57 -NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết số 57 được xem là một xung lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thế Đại)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thế Đại)

Các tham luận được gửi đến và trình bày tại Hội thảo đã góp phần làm rõ các khái niệm trung tâm, vai trò động lực của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong Nghị quyết số 57; chỉ ra những đặc điểm, tính đặc thù của khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời chỉ ra những điểm nghẽn, rào cản cản về thể chế, nguồn lực, nhận thức cần được tháo gỡ.

Các tham luận được gửi đến và trình bày tại Hội thảo đã góp phần làm rõ các khái niệm trung tâm, vai trò động lực của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong Nghị quyết số 57; chỉ ra những đặc điểm, tính đặc thù của khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời chỉ ra những điểm nghẽn, rào cản cản về thể chế, nguồn lực, nhận thức cần được tháo gỡ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc: cần có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. (Ảnh: Thế Đại)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc: cần có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. (Ảnh: Thế Đại)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Theo đó, cần cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp. Có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.

Hội thảo đã làm rõ được một số vấn đề cơ bản, những điểm mới đột phá của Nghị quyết số 57 trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và đột phá trong nhiệm vụ, giải pháp; tập trung vào nhận thức, thể chế, hạ tầng; nguồn nhân lực; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Theo GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, một vấn đề then chốt là cải tiến và đổi mới căn bản hệ thống giáo dục. Ảnh: Thế Đại

Theo GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, một vấn đề then chốt là cải tiến và đổi mới căn bản hệ thống giáo dục. Ảnh: Thế Đại

Theo GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, vấn đề then chốt nhất, quan trọng nhất đặt ra và cần giải quyết để nước ta có được nguồn nhân lực đủ khả năng đáp ứng các đòi hỏi của kinh tế tri thức là đầu tư có hiệu quả cao, cải tiến và đổi mới căn bản hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục mới không những chỉ phải truyền thụ kiến thức, trang bị tri thức cho người học.

Trong nền kinh tế tri thức không phải chỉ cần nguồn nhân lực có khối lượng tri thức lớn, tri thức ứng dụng, khả năng thực hành, mà quan trọng hơn nữa là tri thức đó phải thường xuyên được bổ sung; người thu lượm được tri thức phải biến được tri thức đó thành kỹ năng và chính người đó cũng đồng thời là người sáng tạo ra tri thức mới…. Điều quan trọng hơn là hệ thống giáo dục mới phải có khả năng đảm bảo cho mọi người có thể học tập, tích lũy kiến thức liên tục và suốt cả cuộc đời; có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc, tại trường lớp chính quy, tại các công sở, xí nghiệp cũng như tại gia đình; có thể dẫn tới sự hình thành những con người có đủ khả năng tự mình ra những quyết định nhanh và hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Thế Đại)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Thế Đại)

Đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật cho rằng, hoàn thiện thể chế tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cần thực hiện đồng bộ. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 57; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính.

Kinh phí cần "đủ và đúng thời điểm" để bảo đảm tính mới và hiệu quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tạo cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, nhằm làm rõ vai trò của các Đại học Quốc gia, đại học vùng và hai Viện Hàn lâm; trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tổ chức khoa học, công nghệ quan trọng; thực hiện cơ chế vượt trội nhằm thu hút và “giữ chân” nhân tài …

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Trên cơ sở nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như giá trị của Nghị quyết số 57, các tham luận cũng tập trung luận giải về việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57, tạo động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Theo Ban tổ chức Hội thảo, những vấn đề đặt ra là những vấn đề trọng tâm trong quá trình nhận thức, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57. Việc lý giải những vấn đề đó một cách khoa học không chỉ có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mà còn có giá trị thực tiễn thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nhân dịp này, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản ra mắt ấn phẩm Tạp chí Cộng sản - chuyên đề "Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".

TIỂU PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lam-ro-y-nghia-cach-mang-gia-tri-khoa-hoc-va-tinh-thoi-dai-cua-nghi-quyet-so-57-post856998.html
Zalo