Làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng 'Một mâm cơm 5 nhà quản lý'
Đây là phát biểu của bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ ba khóa X để thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 17.4 tại Hà Nội.
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội nghị.
Phát biểu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối 600 loại sữa giả được lực lượng chức năng phát hiện, tình trạng ngộ độc thức ăn đường phố… đang là vấn đề nổi cộm hiện nay, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị cần làm rõ đơn vị quản lý để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “Một mâm cơm 5 người quản lý”!.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý việc sản xuất hàng giả
“Sản phẩm sữa giờ ai chịu trách nhiệm khi Bộ Công thương trả lời không thuộc đối tượng quản lý, thế ai quản lý 600 loại sữa này?
Ai quản lý thực phẩm thức ăn đường phố khi có 5.000 - 10.000 đồng/que thịt nướng bán ở cổng trường cho các cháu học sinh? Thịt bẩn hay thịt sạch, ai quản lý? Đây là vấn đề nổi lên cần phải làm rõ", nguyên Phó Chủ tịch nước nói.
Cũng mạnh mẽ lên án vấn đề sản xuất hàng giả, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị cần tìm giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để giải quyết "vấn nạn" liên quan vụ gần 600 loại sữa giả.
Ông Trần Ngọc Đường dẫn lại việc hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood Group đã "lừa dân" trong 4 năm sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỉ đồng.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng phải tìm giải pháp quyết liệt liên quan đến "vấn nạn" hàng giả
“Họ dùng quảng cáo nêu thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này.
Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, “lừa dân” đến 4 năm liền. Do đó, phải lên án, phải chấm dứt vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý", GS.TS Đường nêu rõ.
Lý giải để xảy ra tình trạng sản xuất, mua bán sữa giả, bên lề hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đưa ra nguyên nhân là do công tác quản lý còn lỏng lẻo, chưa có sự đồng nhất. Điều này nên tạo kẽ hở cho cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi làm giả.
“Thuốc giả và sữa giả là 2 mặt hàng chủ lực ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, trẻ em và các thế hệ đời sau. Chúng ta rất mừng là Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây làm giả này, nhưng trên địa bàn cả nước chúng ta đang có nhiều mặt hàng giả tương tự như vậy.
Rất mong là cơ quan pháp luật tiếp tục tăng cường để kiểm soát, kiểm tra các loại, giảm nguy cơ đến nhân dân”, ông Nguyễn Văn Đệ nói.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viên tư nhân Việt Nam cho rằng, bác sĩ, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là tiếp tay cho việc bán hàng giả
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng đề nghị cần thống nhất phân quyền quản lý; không nên là một mặt hàng mà nhiều Bộ, ngành trung ương quản lý.
Đồng thời, cơ quan ban hành luật nghiên cứu những vấn đề nào quản lý chồng chéo thì cần sửa đổi; cần thống nhất từ Luật đến Nghị định để giao trách nhiệm. Từ đó, các cơ quan được giao quản lý sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nếu không sẽ xảy ra tình trạng đùn đẩy cho nhau như hiện nay.
Bên cạnh đó, người dân thấy rẻ, thấy quảng cáo tốt thì mua. Vì vậy, ông Đệ cho rằng, cần coi những người bác sĩ, những người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng mặt hàng giả cũng phải chịu trách nhiệm vì chính họ đã tiếp tay cho việc bán hàng giả.
"Chính phủ cũng cần có nhưng quy định pháp luật về vấn đề này, phải có chế tài, biện pháp mạnh hơn chứ không chỉ xử phạt hành chính.
Biện pháp mạnh hơn này nhằm mục đích, khi họ thực hiện quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân phải thận trọng, tôn trọng pháp luật chứ không thể quảng cáo sai sự thật khiến nhiều người dân ít hiểu biết, tin tưởng bác sĩ, nghệ sĩ để mua sản phẩm giả", ông Nguyễn Văn Đệ đề xuất.
Đối với vấn đề các sản phẩm giả chủ yếu được mua bán trên sàn thương mại điện tử, ông Đệ nhận định đây là xu thế, nhưng lại là ảo, không thể kiểm tra, mắt thấy tay sờ để kiểm chứng mặt hàng đó. Còn nhà bán hàng thì có lợi nhuận, lợi ích cả thì họ làm.
Do đó cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của nhà quản lý, nhà kinh doanh thì mới hạn chế được tiêu cực.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay, cơ quan này cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của 2 đơn vị: Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma (67 hồ sơ công bố) và Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group (4 hồ sơ công bố).
Như vậy trong gần 600 sản phẩm là sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm (chiếm 12%) chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng và phụ nữ có thai… Còn lại hơn 500 sản phẩm (gần 90%) được công bố tại các tỉnh thành khác.