LÀM RÕ QUY TRÌNH, THỦ TỤC VỀ GIÁM SÁT, THANH TRA, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 7 là quy định về thanh tra, kiểm tra và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam. Đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung này, một số đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật chưa rõ ràng về hình thức, trình tự thực hiện; đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ và chỉnh lý các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra và phản biện xã hội theo hướng rõ ràng, mạch lạc, có phạm vi phù hợp và có tính khả thi hơn.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO VỊ THẾ, KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Trao quyền chủ động giám sát để khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam
Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến là quy định về về thanh tra, kiểm tra và giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam. Theo đó, dự thảo luật bổ sung mới một điều (Điều 16 dự thảo Luật) quy định về quyền giám sát của Công đoàn: “Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn”. Đồng thời xác định “Giám sát của công đoàn mang tính xã hội, được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, người lao động; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giám sát”.
Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất với quy định này vừa phù hợp và thống nhất với các quy định của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Qua tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012, công đoàn địa phương và nhiều ngành kiến nghị quy định chính thức trong Luật quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn để thuận lợi cho việc tiếp cận và tổ chức giám sát tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước khi có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm quyền lợi của người lao động. Hiện, việc giám sát tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định 217 QĐ/TW là khá thuận lợi.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá, so với Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo Luật lần này đã tăng quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn, quy định như vậy là phù hợp với các lý do: Việc quy định cụ thể hơn Công đoàn có quyền chủ động thực hiện giám sát sẽ góp phần phát hiện sớm những vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động.
Đại biểu nêu thực tế tại nhiều doanh nghiệp có phản ánh dấu hiệu người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động, nhưng công đoàn cấp trên rất khó vào giám sát trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, kiến nghị giải quyết. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì vi phạm đã ở mức độ nghiêm trọng, diễn ra tranh chấp lao động tập thể, hoặc ngừng việc tập thể...
Với việc luật định quyền chủ động giám sát này, công đoàn có thể tự mình tổ chức được các đoàn giám sát, nhất là giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các doanh nghiệp, bảo đảm cho người lao động được bảo vệ tốt nhất.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc trao quyền chủ động giám sát là để khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện lớn nhất của giai cấp công nhân và người lao động, nhằm hướng tới xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, quy định này đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thuận lợi trong tiếp cận các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhất trí việc tách Điều 14 của Luật Công đoàn năm 2012 về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thành hai điều: Điều 15 và Điều 16 trong dự thảo luật.
Đại biểu cho rằng, so với luật hiện hành, quyền và trách nhiệm giám sát của công đoàn đã được tách thành một điều như dự thảo luật và quy định cụ thể hơn về công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, nội dung giám sát, hình thức giám sát, quyền của công đoàn trong hoạt động giám sát. Theo đó, công đoàn không chỉ tham gia phối hợp, mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của công đoàn trong hoạt động giám sát xã hội.
Vấn đề đặt ra là ngoài quy định như dự thảo cần có quy định như thế nào để đảm bảo hoạt động giám sát của công đoàn đạt hiệu quả, thực chất, các kiến nghị sau giám sát của công đoàn phải được các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trong thực tế. Đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo luật tại các điểm c, d, đ khoản 4 Điều 16 đã có các quy định khi giám sát công đoàn có một số quyền như: kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định nhà nước có trách nhiệm kịp thời xử lý kiến nghị của công đoàn liên quan đến chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, những quy định trên chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của công đoàn được thực hiện trong thực tế.
Vì vậy, bên cạnh quy định công đoàn có các quyền kiến nghị sau giám sát, cần bổ sung các quy định về đối tượng giám sát, quyền và trách nhiệm của các đối tượng được công đoàn giám sát, nhất là trách nhiệm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của công đoàn. Do đó, cần sửa lại tên Điều 16 của dự thảo luật về giám sát của công đoàn thành “giám sát của công đoàn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”, nhằm làm rõ đối tượng được công đoàn giám sát là các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được công đoàn giám sát, trong đó quy định rõ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được công đoàn giám sát có trách nhiệm xem xét, trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của công đoàn; thực hiện quyết định, kết luận của cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của công đoàn.
Xác định rõ giá trị pháp lý của phản biện xã hội của công đoàn
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng bổ sung quy định mới về “Phản biện xã hội của công đoàn” (Điều 17 dự thảo Luật). Theo đó, “Công đoàn chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và của người lao động”.
Quan tâm góp ý nội dung này, nhiều đại biểu nhất trí với việc bổ sung quy định mới về quyền bản biện xã hội của công đoàn, tuy nhiên quy định như dự thảo luật được hiểu các cấp tổ chức công đoàn đều thực hiện việc chủ trì phản biện. Bên cạnh đó, quy định tại điều này không rõ ràng về hình thức, trình tự thực hiện và cũng không quy định giao hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, vấn đề quan trọng và mấu chốt là giá trị pháp lý của phản biện xã hội của Công đoàn được xác định thế nào và có phải là quy trình, thủ tục bắt buộc đối với các đối tượng, chủ thể và nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 17 của dự thảo Luật.
Đại biểu đề nghị cần thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, bám sát nội dung Nghị quyết số 02 về việc “Nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động” để giải trình, làm rõ và chỉnh lý các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra và phản biện xã hội theo hướng rõ ràng, mạch lạc, có phạm vi phù hợp và có tính khả thi hơn.
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo luật quy định văn bản cần phản biện, nội dung phản biện, nhưng chưa quy định rõ cơ chế phản biện, chưa quy định mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan xin ý kiến có liên quan đến quyền và lợi ích của công đoàn và người lao động có yêu cầu và đề nghị công đoàn chủ trì phản biện. Theo đại biểu, nếu không có quy định cụ thể, tổ chức công đoàn sẽ không chủ động thực hiện được trước tình trạng có văn bản yêu cầu phản biện, có văn bản không yêu cầu và công đoàn không thể thực hiện. Đại biểu đề nghị cần quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước xin ý kiến phản biện trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của tổ chức công đoàn.
Đồng tình với đề xuất trên, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định các cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được công đoàn, nhằm bảo đảm tính thực chất, nêu cao tính hiệu quả của phản biện xã hội của tổ chức công đoàn. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã quy định rất rõ các đoàn thể chính trị-xã hội được chủ trì phản biện xã hội. Như vậy, dự thảo luật quy định Công đoàn chủ trì phản biện xã hội là cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn với quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Thực tế thời gian qua, việc thực hiện phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi thiếu căn cứ pháp lý, thể chế, trách nhiệm... Do vậy, để thực hiện phản biện xã hội của công đoàn hiệu quả, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định, quy trình, cách thức yêu cầu giá trị pháp lý phản biện xã hội của công đoàn Việt Nam để thực hiện phản biện xã hội của tổ chức công đoàn thực hiện hiệu quả sau khi Luật có hiệu lực.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lo ngại quy định công đoàn chủ trì phản biện xã hội thiếu khả thi trong thực tế, bởi vấn đề mấu chốt là giá trị pháp lý của phản biện xã hội của công đoàn được xác định như thế nào, quy trình, thủ tục bắt buộc đối với các chủ thể, đối tượng được phản biện là quá rộng. Đại biểu cho rằng, chỉ nên thực hiện phản biện xã hội, không nên quy định “chủ trì phản biện” như dự thảo luật.