Lạm phát kéo lùi doanh số bán hàng may mặc tại Hàn Quốc

Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc (KSIS) cho biết hàng may mặc chiếm 3,9% trong tổng số tiền 2,907 triệu won (khoảng 2.000 USD) mà các hộ gia đình chi tiêu trung bình hằng tháng trong quý III/ 2024.

Một cửa hàng mỹ phẩm tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cửa hàng mỹ phẩm tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, dữ liệu công bố ngày 1/12 cho thấy người Hàn Quốc ngày càng chi tiêu ít hơn cho đồ may mặc, trong đó có quần áo, giày dép trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, kéo theo nhu cầu trong nước trì trệ.

Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc (KSIS) cho biết hàng may mặc chiếm 3,9% trong tổng số tiền 2,907 triệu won (khoảng 2.000 USD) mà các hộ gia đình chi tiêu trung bình hằng tháng trong quý III/ 2024. Tỷ lệ này đánh dấu mức thấp kỷ lục kể từ khi dữ liệu liên quan được tổng hợp. Quần áo đứng đầu danh sách các mặt hàng mà người tiêu dùng “bỏ qua” khi chi phí sinh hoạt tăng cao.

KSIS lưu ý rằng tỷ lệ trên dao động từ 7-8% trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, nhưng đã giảm xuống do lạm phát ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng sau đó. Tỷ lệ này là 6% trong 3 tháng cuối năm 2023 và giảm xuống 4,4% trong quý I/2024 và đạt 5,4% trong quý II/2024.

Hiệp hội Thương gia Hàn Quốc (KMA), một nhóm vận động cho các chủ cửa hàng nhỏ, cho biết biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu may mặc giảm. Cụ thể, mùa Xuân và mùa Thu đang ngắn lại, thời tiết ngày càng nóng hơn, khiến người dân không cần mặc nhiều lớp quần áo để giữ ấm. Không chỉ vậy, già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp cũng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng may mặc.

Trần Quang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-phat-keo-lui-doanh-so-ban-hang-may-mac-tai-han-quoc/355291.html
Zalo