Lạm phát của Mỹ giảm xuống gần hơn với mục tiêu 2% của Fed
Lạm phát của Mỹ tăng với tốc độ yếu nhất trong 3 năm vào tháng trước, mở đường cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng tiền tệ trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 11-9, cho thấy trong tháng Tám vừa rồi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,5% hàng năm, chậm lãi rõ rệt so với mức tăng 2,9% trong tháng Bảy.
Tốc độ tăng giá cả trong tháng trước cũng thấp hơn mức dự báo 2,6% của các nhà kinh tế. Cho đến nay, CPI của Mỹ đã giảm tốc tháng thứ năm liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021. CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng hàng năm 3,2% trong tháng trước, tương đương với mức tăng trong tháng Bảy.
Dữ liệu cho thấy, chi phí thực phẩm tăng chậm lại trong tháng Tám, trong khi giá xe cũ và năng lượng rẻ hơn một tháng trước đó. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, giá xăng trung bình trong tháng Tám là là 3,39 đô la Mỹ/ gallon (3,785 lít), giảm gần 12% so với một năm trước đó. Giá dầu diesel thậm chí còn giảm mạnh hơn, khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng bán tháo ngày càng gia tăng trên thị trường dầu mỏ báo hiệu giá xăng ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tới.
Chi phí nhà ở trong tháng trước tăng 0,5% so với tháng Bảy. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, tốc độ tăng chi phí nhà ở sẽ dần chậm lại khi ngày càng có nhiều người thuê nhà ký hợp đồng thuê mới. Điều đó sẽ giúp giảm đáng kể áp lực đối với lạm phát vì chi phí nhà ở chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ CPI cốt lõi.
Bằng chứng cho thấy lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của Fed là tin tức đáng hoan nghênh đối với Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris, người bị đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump công kích vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Mỹ.
Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng nhận xét, báo cáo mới nhất cho thấy Mỹ đang “lật sang trang mới về lạm phát” và tình hình hiện đang trở lại gần mức bình thường.
Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics nhận định, báo cáo CPI mới nhất củng cố niềm tin của Fed rằng, lạm phát thực sự đang trên con đường bền vững hướng tới mức 2%.
Khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu, các quan chức Fed chuyển sự chú ý từ việc giảm bớt áp lực giá cả sang củng cố thị trường lao động.
Tháng trước, báo cáo việc làm mờ nhạt trong tháng Bảy của Mỹ làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, khiến nhiều chuyên gia dự báo, Fed có thể xem xét giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, dự báo này không còn thuyết phục trong những tuần gần đây.
Theo dữ liệu công bố tuần trước, các nhà tuyển dụng ở Mỹ tạo thêm 142.000 việc làm mới trong tháng Tám, tăng mạnh so với con số 89.000 việc làm tạo ra trong tháng Bảy.
“Lạm phát giảm tốc là hành trình không hoàn hảo nhưng chắc chắn đang diễn ra. Tôi nghĩ Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) vì kinh tế Mỹ đang có nền tảng tương đối vững chắc”, Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của công ty quản lý tài sản Invesco nói.
David Solomon, CEO của ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo, Fed sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm.Tuy nhiên, Fed vẫn có khả năng hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm do thị trường lao động Mỹ có một số dấu hiệu suy yếu rõ rệt.
Theo Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Global Management, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt. Vì vậy, việc giảm lãi suất quá nhiều và quá nhanh sẽ có nguy cơ khiến lạm phát tăng cao trở lại.
Các quan chức Fed cho rằng, cần nhìn thấy bằng chứng về sự xói mòn mạnh mẽ hơn của thị trường việc làm để cân nhắc hạ lãi suất lớn hơn mức thông thường.
Tuần trước, John Williams, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York và Christopher Waller, thành viên hội đồng thống đốc của Fed, Christopher Waller đều nhấn mạnh, khó có khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Ông Waller dường như ủng hộ việc giảm lãi suất 25 điểm cơ bản khi nói rằng Fed sẽ giảm lãi suất “một cách thận trọng”.
Hôm qua, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa với sắc xanh, đảo ngược mức giảm so với đầu ngày. Chỉ số S&P 500 tăng thêm 1,1%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,2%. Giá cổ phiếu của Nvidia, nhà cung cấp chip AI tăng 8% và giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ khác cũng tăng nhưng ở mức nhỏ hơn.
Nhà đầu tư chứng khoán nhìn chung đánh giá tích cực đối với kịch bản Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vì điều đó cho thấy nền kinh tế chưa suy yếu đến mức đáng báo động.
Theo Financial Times, AP