Làm 'nóng' những vấn đề người dân cần nhất
Nguyễn Công Huấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng BìnhĐể đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, kỳ họp HĐND tỉnh không chỉ là một cuộc gặp gỡ định kỳ. Đó phải là nơi cái 'nóng' của đời sống xã hội được đặt lên bàn nghị sự, nơi từng câu hỏi truy đến cùng trách nhiệm, từng nghị quyết không chỉ hợp lý mà phải hợp lòng dân. Muốn vậy, cần một cuộc làm mới từ gốc: cách tổ chức kỳ họp, vai trò đại biểu, chất lượng thảo luận, cho đến cách thông tin được truyền tải đến cử tri.
Thúc đẩy trách nhiệm giải trình của cơ quan điều hành
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 20 kỳ họp, ban hành 243 nghị quyết cá biệt, giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tài chính - ngân sách và các lĩnh vực trọng yếu khác. Đồng thời, 88 nghị quyết có tính quy phạm pháp luật cũng đã được thông qua, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Q. Hưng
Việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chuẩn bị kỳ họp được chú trọng, các tài liệu được gửi sớm, nội dung có chất lượng hơn. Hình thức tổ chức kỳ họp có nhiều cải tiến rõ rệt: thời gian trình bày báo cáo được rút ngắn, tập trung nhiều hơn cho thảo luận, chất vấn và biểu quyết. Đại biểu được tạo điều kiện nghiên cứu tài liệu từ xa qua thiết bị điện tử, thể hiện rõ vai trò chủ động, trách nhiệm trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng. Việc áp dụng hình thức chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn” tại hội trường đã tạo nên không khí tranh luận dân chủ, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của cơ quan điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai như gửi tài liệu qua email, trên trang tin điện tử, truyền hình trực tiếp kỳ họp trên các nền tảng số…
Thực sự là “người phản biện” chính sách
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế. Xuất phát từ yêu cầu đổi mới toàn diện, sâu sắc hoạt động của HĐND, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy và phát huy dân chủ cơ sở, việc nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình cần được triển khai theo hướng bài bản, đồng bộ và lâu dài. Trước hết, cần xác định, nâng cao chất lượng kỳ họp không chỉ là trách nhiệm riêng của HĐND mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, chủ động phối hợp của UBND và các cơ quan chuyên môn.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp HĐND không chỉ là yêu cầu của sự phát triển, mà còn là yếu tố then chốt để củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan quyền lực địa phương. Kỳ họp phải thực sự là diễn đàn thể hiện ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của cử tri và Nhân dân; là nơi quyết định đúng, trúng và kịp thời các vấn đề hệ trọng; là không gian dân chủ, cởi mở và trách nhiệm. Khi kỳ họp được tổ chức bài bản, dân chủ, hiệu quả, thì vị thế, vai trò của HĐND tỉnh Quảng Bình sẽ được nâng cao, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ, vì Nhân dân, vì sự phát triển bền vững của quê hương.
Một trong những giải pháp mang tính nền tảng là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động kỳ họp. Các nội dung trình kỳ họp cần được định hướng rõ từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tránh tình trạng “tự phát”, bổ sung đột xuất, gây khó khăn cho khâu chuẩn bị và ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận. Việc xác định rõ chương trình, kế hoạch kỳ họp cần được thực hiện từ đầu năm, bảo đảm tính chủ động cho cả đại biểu lẫn các cơ quan soạn thảo. Các nội dung được đưa ra kỳ họp phải đảm bảo tính khả thi, bám sát nhu cầu phát triển của tỉnh và nguyện vọng của cử tri.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận và chất vấn là một trong những đòi hỏi cấp bách nhằm tăng cường tính dân chủ, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức kỳ họp. Về thảo luận, cần thay đổi mạnh mẽ phương thức điều hành theo hướng phát huy tối đa vai trò cá nhân của từng đại biểu, khuyến khích tranh luận đa chiều thay vì chỉ đọc tham luận đã chuẩn bị sẵn. Chủ tọa kỳ họp cần tổ chức điều phối linh hoạt, gợi mở đúng vấn đề, định hướng rõ trọng tâm, tránh thảo luận dàn trải, kém chiều sâu. Mỗi phiên thảo luận cần được tổ chức theo từng nhóm chuyên đề, mời đại diện các sở, ban, ngành liên quan cùng tham gia, trả lời trực tiếp chất vấn tại chỗ, tạo tính tương tác cao. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ để ghi nhận ý kiến đại biểu một cách tự động, sắp xếp thứ tự phát biểu hợp lý. Đối với đại biểu ít phát biểu, cần có cơ chế “khơi gợi” hoặc phân công phát biểu tại Tổ để mọi tiếng nói đều được lắng nghe. Các phiên thảo luận cần có tổng hợp đánh giá và kết luận cụ thể, giúp định hình rõ định hướng khi biểu quyết nghị quyết.
Đối với chất vấn, đây là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm vì phản ánh mức độ giám sát trực diện và hiệu quả nhất của HĐND đối với UBND và các cơ quan chuyên môn. Việc nâng cao hiệu lực phiên chất vấn không chỉ ở hình thức “hỏi nhanh - đáp gọn” mà còn ở chiều sâu câu hỏi, sự truy vấn đến cùng vấn đề. Đại biểu HĐND cần được cung cấp trước thông tin, số liệu, báo cáo phân tích để đặt câu hỏi đúng trọng tâm, ngắn gọn, rõ yêu cầu trách nhiệm. Người trả lời chất vấn cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, cung cấp đầy đủ phương án, kế hoạch, thời hạn và kết quả dự kiến.
Về phía đại biểu HĐND, cần chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu chính sách, phản biện, chất vấn và giám sát. Đại biểu HĐND cần được hỗ trợ dữ liệu chuyên sâu, thống kê thực tiễn, nghiên cứu chính sách so sánh để phát huy được vai trò đại diện, không chỉ là “người biểu quyết” mà thực sự là “người phản biện chính sách”. Đối với các đại biểu không chuyên trách, cần có cơ chế hỗ trợ thời gian, điều kiện nghiên cứu và tiếp cận tài liệu, góp phần nâng cao chất lượng tham gia kỳ họp.
Tăng tính phản biện và khách quan
Một khâu then chốt khác là nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND. Các Ban cần được tiếp cận sớm dự thảo nghị quyết ngay từ giai đoạn xây dựng của các cơ quan chuyên môn, thay vì chỉ làm việc sau khi hồ sơ đã hoàn tất. Việc tổ chức khảo sát, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia cần được lồng ghép vào quy trình thẩm tra, từ đó tăng tính phản biện và khách quan. Báo cáo thẩm tra không chỉ dừng ở việc “nhất trí hay không nhất trí” mà phải có phân tích, đánh giá, dự báo và đề xuất cụ thể.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng mô hình kỳ họp điện tử, không giấy tờ. Toàn bộ quy trình điều hành kỳ họp cần được số hóa, bao gồm gửi tài liệu, đăng ký phát biểu, biểu quyết, truy xuất nghị quyết. HĐND tỉnh cần đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đào tạo cán bộ Văn phòng chuyên trách về công nghệ, điều hành kỳ họp trực tuyến, khai thác dữ liệu số. Song song với đó, phát triển cổng thông tin HĐND như một trung tâm dữ liệu công khai, nơi cử tri có thể theo dõi tiến trình kỳ họp, đọc tài liệu, góp ý và giám sát kết quả thực hiện nghị quyết.
Công tác truyền thông, thông tin về kỳ họp cũng cần được đổi mới. Không chỉ đơn thuần đưa tin về diễn biến kỳ họp, cần có những sản phẩm báo chí chuyên đề, infographics, podcast, video tóm lược… giúp người dân tiếp cận thông tin dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó tăng niềm tin và sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Cuối cùng, để các nghị quyết của HĐND thực sự đi vào cuộc sống, cần tăng cường cơ chế hậu kiểm, giám sát thực thi sau kỳ họp. Các Ban HĐND cần xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề đối với từng nhóm nghị quyết quan trọng, đồng thời công khai kết quả thực hiện trên cổng thông tin điện tử. Mỗi nghị quyết cần có chỉ tiêu cụ thể, thời hạn và đơn vị chịu trách nhiệm rõ ràng. Việc giám sát cần gắn với trách nhiệm giải trình của từng cơ quan, cá nhân, bảo đảm tính kỷ cương và hiệu lực của nghị quyết HĐND.