Làm nên lịch sử, nhưng bóng chuyền nữ Việt Nam đang gặp những bài toán khó

Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng chuyền nữ Việt Nam (BCNVN) đã giành được vé tham dự FIVB Women Championship 2025 được ví như World Cup của môn bóng chuyền.

Không chỉ đội tuyển quốc gia, mà cuối tháng 7 vừa qua đội tuyển U.20 BCNVN cũng xuất sắc đoạt vé tham dự World Cup 2025 dành cho lứa tuổi U.21.

Ông Trần Đức Phấn, nguyên Tổng cục phó TDTT

Ông Trần Đức Phấn, nguyên Tổng cục phó TDTT

Sau thành công liên tiếp của BCNVN, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn, nguyên Tổng cục phó TDTT, người nhiều lần là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games, Asiad, Olympic đã có cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Một Thế Giới.

- Hai năm qua, BCNVN đã có những bước nhảy vọt: vào bán kết Giải vô địch bóng chuyền châu Á 2023; bán kết ASIAD 19; vô địch AVC Challenge Cup 2023; vô địch AVC Women's Club Cup 2023; giành quyền tham dự FIVB Challenger Cup 2023 và Giải vô địch bóng chuyền các CLB nữ thế giới 2023; vô địch AVC Challenge Cup 2024; giành huy chương đồng FIVB Challenger Cup 2024... Từng là nhà quản lý thể thao Việt Nam, bao năm qua vẫn giữ vị trí quan trọng trong LĐBC VN, cảm nhận của ông thế nào trước hiện tượng này?

- Ông Trần Đức Phấn: Chúng ta vui với sự phát triển của BCNVN và nhất là những thành tích đạt được từ đầu năm 2023 đến nay. Thế nhưng khi nhìn lên, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt không nhỏ về trình độ, đẳng cấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Làm thế nào rút ngắn được khoảng cách là điều không dễ.

Với BCNVN, những việc cần làm ngay để có thể nâng cao trình độ là những giải được tổ chức ở Việt Nam, chúng ta cố gắng mời được những đội có trình độ cao. Chất lượng chuyên môn của giải có tốt thì đội tuyển Việt Nam mới có nhiều cơ hội cọ xát, thi đấu, qua đó mới học hỏi được kinh nghiệm, cũng như tích lũy được bản lĩnh.

Những trận thắng bất ngờ thú vị trước đội tuyển Hàn Quốc, hay CLB Thái Lan Diamond Food-Fine Chef năm 2023, hoặc đội tuyển Bỉ ở trận tranh huy chương đồng tại FIVB Challenger Cup 2024, cùng thành tích tốt suốt 2 năm qua là minh chứng cho thấy khi được thi đấu nhiều trước các đối thủ mạnh, đội tuyển Việt Nam tiến bộ thấy rõ.

Đội tuyển VN thi đấu tốt hơn trong đó có đóng góp không nhỏ của VTV Cup tồn tại và phát triển suốt 20 năm qua (2004 - 2024)

Đội tuyển VN thi đấu tốt hơn trong đó có đóng góp không nhỏ của VTV Cup tồn tại và phát triển suốt 20 năm qua (2004 - 2024)

Khi nói về điều kiện thi đấu, chúng ta sẽ thấy và hiểu được vì sao Trần Thị Thanh Thúy là VĐV chủ lực của đội tuyển Việt Nam. Thúy đã tiến bộ vượt bậc kể từ khi qua Nhật Bản thi đấu. Với chiều cao 1m93 cùng chuyên môn ngày càng phát triển, khi Thúy khẳng định được tài năng ở Nhật Bản thì năm nay, Thúy đã được CLB Kuzeyboru, một trong 5 đội bóng hàng đầu Thổ Nhỉ Kỳ mời thi đấu với mức lương không dưới 250.000 USD (hơn 6,3 tỉ đồng) cùng một căn hộ cao cấp, có xe hơi với tài xế riêng đưa đón trong suốt một mùa thi đấu kéo dài 10 tháng. Ngoài sức hấp dẫn của chế độ đãi ngộ, quan trọng hơn nữa là Thúy có điều kiện gặp gỡ, trao đổi và thi đấu với nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới khi họ đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia chất lượng cũng hàng đầu thế giới vì trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng chuyền nữ thế giới (FIVB), đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đang xếp hạng 4.

Từ câu chuyện của Thúy và cũng là câu chuyện chung của thể thao Việt Nam, rằng đội tuyển sẽ mạnh hơn rất nhiều khi có nhiều tuyển thủ thi đấu ở những giải vô địch quốc gia có trình độ cao hơn giải vô địch nội địa. Do đó, nếu BCNVN có vận động viên nào tài năng được các CLB nước ngoài mời thi đấu, thì lãnh đạo các cơ quan chủ quản cũng nên tạo điều kiện cho các VĐV này xuất ngoại, như trường hợp của Nguyễn Thị Bích Tuyền, cao 1m88, cũng có nhiều triển vọng tiếp bước con đường thành công như Thanh Thúy.

- Theo ông, BCNVN cần gì để có thể thành công hơn nữa?

- Tôi muốn nói về câu chuyện vì sao BCNVN chưa bao giờ thắng được Thái Lan? Có nhiều nguyên nhân, trong đó hệ thống thi đấu của Thái Lan tốt hơn toàn diện so với VN, đặc biệt là họ phát triển trên nền tảng thể thao học đường, hoàn toàn trái ngược với BCNVN là con số 0 ở nền tảng này! Do đó nguồn lực của BCN Thái Lan luôn dồi dào và chất lượng hơn VN từ lực lượng chuyên môn cho đến kinh phí được huy động từ xã hội. Khi chưa vượt qua được Thái Lan thì BCNVN chưa thể nghĩ xa hơn.

Niềm vui của đội U.20 sau khi giành vé tham dự World Cup U.21 tổ chức năm 2025

Niềm vui của đội U.20 sau khi giành vé tham dự World Cup U.21 tổ chức năm 2025

Hiện nay BCNVN bị tình trạng “no dồn đói góp” khi 8 tháng đầu năm phải thi đấu liên tục dẫn đến tình trạng quá tải, nhưng 4 tháng cuối năm thì nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong khi đó với môn thể thao mang tính tập thể, đội tuyển rất cần những đợt tập trung để các VĐV hiểu ý nhau khi tập luyện cũng như là thi đấu cho dù chỉ là trận đấu hay giải đấu giao hữu. Giá trị giải giao hữu VTV Cup đã quá rõ, qua những trận đấu cọ xát với các đối thủ mạnh, đội tuyển BCNVN đã thi đấu nhuần nhuyễn hơn trong lối chơi, đồng thời khắc phục được các điểm yếu.

Một khó khăn nữa là nếu như FIFA có FIFA Days, thời gian để các đội tuyển quốc gia thi đấu và các CLB không được phép giữ cầu thủ khi trở về thi đấu cho đội tuyển, thì FIVB không có. Ngoài ra các giải quan trọng hàng đầu thế giới thường diễn ra trong 8 tháng đầu năm, vì sau đó các giải vô địch của những quốc gia có nền bóng chuyền chuyên nghiệp sẽ bắt đầu khởi tranh kéo dài đến mùa hè năm sau, vì vậy BCNVN cần phải thay đổi lịch thi đấu đấu để phù hợp với quốc tế.

Với tôi, đội tuyển BCNVN rất cần chuyên gia nước ngoài. Trước đây, gần 10 năm, Thái Lan đã mời người Nhật Bản làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, và trình độ của họ đã tiến bộ vượt bậc. Đội tuyển BCNVN hiện nay đang xếp hạng 33 thế giới, để phát triển hơn nữa, HLV đội tuyển Việt Nam nên là người Nhật Bản. Vấn đề ở đây là làm thế nào có đủ kinh phí để mời những chuyên gia giỏi Nhật Bản?

Tôi nêu vấn đề này vì nguồn lực của BCNVN hiện nay từ lực lượng cho đến kinh phí đều giới hạn. Nhà nước không thể gánh hết được, nhưng xã hội chỉ hỗ trợ cho các câu lạc bộ, các giải đấu và chưa hỗ trợ cho các đội tuyển quốc gia. Với ngân sách giới hạn, các đội tuyển BCNVN chỉ thi đấu những giải chính thức, còn những chuyến tập huấn, thi đấu ở nước ngoài với mục đích nâng cao trình độ chuyên môn gần như là chưa có, nguyên nhân là thiếu kinh phí.

Sắp tới Liên đoàn Bóng chuyền VN, bộ môn bóng chuyền Cục TDTT, ban huấn luyện các đội tuyển BCNVN sẽ có buổi tổng kết, đánh giá và lên kế hoạch cho chặng đường tiếp theo vì cũng biết để BCNVN phát triển rất cần sự chung tay, góp sức từ nhiều phía.

Tóm lại, BCNVN cần có chiến lược, kế hoạch chi tiết, đề án rõ ràng với những mục tiêu cụ thể thì khi đó mới hy vọng phát triển hơn hiện nay.

TOP 10 CHÂU Á

Vị trí của 10 đội tuyển quốc gia hàng đầu châu Á trong bảng xếp hạng của FIVB:

Trung Quốc (hạng 5)
Nhật Bản (7)
Thái Lan (13)
Kazakhstan (32)
Việt Nam (33)
Hàn Quốc (37)
Trung Hoa Đài Bắc (46)
Philippines (59)
Ấn Độ (58)
Indonesia (60)

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lam-nen-lich-su-nhung-bong-chuyen-nu-viet-nam-dang-gap-nhung-bai-toan-kho-223377.html
Zalo