Làm mới VN30 - Bước chuyển tích cực

Ngày 30/12/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0. Trong đó, một số nội dung thay đổi có thể sẽ tác động đến việc sàng lọc các chỉ số, bao gồm VN30 - chỉ số có đa số cổ phiếu thành phần là ngân hàng.

Những thay đổi quan trọng

Trong kỳ họp cuối năm 2024, HOSE đã đưa ra những thay đổi mới liên quan đến các chỉ số, trong đó có 3 điểm chính quan trọng.

Một là, nâng cao tiêu chí thanh khoản các cổ phiếu trong VNAllshare. Cổ phiếu trong VNAllshare phải có khối lượng giao dịch ≥ 300.000 cổ phiếu và giá trị giao dịch ≥ 30 tỷ đồng, thay vì 100.000 cổ phiếu và 10 tỷ đồng như trước.

Hai là, bổ sung quy định về lợi nhuận sau thuế cho các cổ phiếu trong VN30. Cổ phiếu nào có lợi nhuận âm sẽ bị loại. Cổ phiếu có lợi nhuận dương nhưng có vấn đề lưu ý từ kiểm toán sẽ được Hội đồng chỉ số xem xét.

Ba là, giới hạn tỷ trọng ngành trong VN30. Theo đó, ngưỡng giới hạn tỷ trọng vốn hóa cho một cổ phiếu đơn lẻ là 10%, một nhóm cổ phiếu có liên quan là 15% và một nhóm cổ phiếu cùng ngành là 40%. Quy định này sẽ góp phần ổn định cơ cấu ngành và hạn chế việc một ngành chiếm tỷ trọng quá nhiều trong rổ chỉ số.

Quỹ ETF tham chiếu VN30 có thể phải bán bớt cổ phiếu ngân hàng

Tính đến 31/12/2024, tỷ trọng nhóm ngân hàng trong VN30 chiếm trên 52%. Như vậy, khi Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index mới có hiệu lực vào tháng 3/2025, các quỹ ETF mô phỏng theo VN30 sẽ phải bán bớt cổ phiếu ngân hàng để đưa về tỷ trọng mục tiêu 40%. Dự kiến, các cổ phiếu “vua” đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số như TCB, ACB, VPB, MBB, HDB... sẽ bị bán ra trong đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETF thời gian tới.

Việc các chỉ số chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm ngành ngân hàng là một thực tế đã xảy ra từ rất lâu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng, khi cổ phiếu ngân hàng “xanh” thì dù phần lớn các nhóm ngành khác giảm giá, thị trường vẫn có thể “xanh vỏ, đỏ lòng”. Trong năm 2024, chỉ số VN-Index tăng trên 10%, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thua lỗ, vì ngoài ngân hàng và một số nhóm cổ phiếu riêng lẻ, đa phần các mã trên thị trường đều có hiệu suất thấp hoặc giảm giá.

Vì vậy, việc giới hạn tỷ trọng trong các nhóm ngành sẽ giúp VN30 không quá phụ thuộc vào một nhóm ngành và khắc phục sự bất hợp lý trong cơ cấu các nhóm ngành.

Hiện tại, quy mô các quỹ đang mô phỏng theo chỉ số VN30 ước đạt gần 30.000 tỷ đồng. Khi giảm tỷ trọng ngành ngân hàng về 40%, giá trị bán ra các cổ phiếu ngân hàng vào khoảng 4.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ trong bối cảnh sức cầu trên thị trường yếu và thanh khoản thấp. Hoạt động tái cơ cấu, giảm tỷ trọng ngành ngân hàng sẽ mở ra cơ hội với các nhóm ngành khác trong VN30 như nguyên vật liệu, bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản…

Thực tế, khảo sát cách xây dựng chỉ số ở các thị trường trên thế giới cho thấy, việc giới hạn tỷ trọng các nhóm ngành cụ thể, hoặc nhóm các cổ phiếu liên quan hiếm khi được thực hiện. Có chăng là việc các chỉ số sẽ giới hạn tỷ trọng một mã nhất định để mã cổ phiếu đó không ảnh hưởng đến chỉ số. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong bối cảnh mất cân đối nhóm ngành, cụ thể là các cổ phiếu ngân hàng tác động quá lớn đến chỉ số như thời gian qua, việc giới hạn tỷ trọng các nhóm ngành là cần thiết để xây dựng các chỉ số phản ánh sát diễn biến thị trường hơn.

Bùi Văn Huy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lam-moi-vn30-buoc-chuyen-tich-cuc-post362052.html
Zalo