Làm kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nguồn dược liệu của tỉnh Phú Thọ

Nhằm góp phần đưa tỉnh Phú Thọ thành một trong những vùng sản xuất dược liệu lớn, chị Phan Thị Thanh Hương (SN 1972) đã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất dược liệu kim ngân, sả chanh, húng quế theo GACP tại Phú Thọ.

 Chị Phan Thị Thanh Hương

Chị Phan Thị Thanh Hương

Theo chị Hương, điểm nổi bật, sáng tạo của dự án chính là ứng dụng công nghệ lựa chọn Quy trình trồng trọt theo tiêu chí GACP-WHO. Trong đó, đối với công nghệ nhân giống, chị áp dụng vườn giống gốc và những cây làm giống được lựa chọn là những cây tốt, đủ tiêu chuẩn về tuổi cây, kích thước, hàm lượng hoạt chất. Do đó, cây giống sẽ đảm bảo cho năng suất cao và giá trị dược liệu tốt.

Đối với công nghệ trồng trọt các cây kim ngân, sả chanh, húng quế, đất trồng được lựa chọn kỹ, không ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật. Gieo trồng đúng thời vụ, mật độ khoảng cách cây hợp lý, chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đầy đủ, cân đối theo yêu cầu dinh dưỡng của từng loại cây sẽ tăng năng suất, chất lượng dược liệu và an toàn sản phẩm theo GACP-WHO.

Tiếp đến là công nghệ thu hoạch và sơ chế, chị thực hiện xác định đúng thời vụ thu hoạch, thời điểm thu hoạch đảm bảo nguyên liệu có chất lượng tốt, hàm lượng hoạt chất trong dược liệu cao nhất. Thu hoạch đúng kỹ thuật, chừa lại hợp lý để cây tái sinh và sinh trưởng tốt nhất, tăng năng suất dược liệu. Dược liệu sau thu hoạch được sơ chế, đóng gói, không bị lẫn tạp, nhiễm vi sinh vật gây hại, bảo quản được lâu và tốt, nhằm cung cấp nguyên liệu thực vật làm thuốc có chất lượng tốt nhất và hiệu lực chữa bệnh cao nhất.

Từng tốt nghiệp trường Y Dược Tuệ Tĩnh, được thừa kế di chúc bài thuốc Đông y gia truyền Mộc Quy Hương của ông cha để lại, chị Hương trang bị cho mình vốn kiến thức không nhỏ về y dược. Chính vì vậy, chị càng hiểu hơn giá trị của thảo dược, dược liệu và quy trình canh tác hữu cơ, đồ uống y tế sạch đối với cộng đồng.

Chị Hương đã tuyên truyền, vận động người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng trồng cây dược liệu.

Chị Hương đã tuyên truyền, vận động người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng trồng cây dược liệu.

"Dự án sẽ góp phần đưa tỉnh Phú Thọ thành một trong những vùng sản xuất dược liệu lớn, đáp ứng nhu cầu dược liệu trong điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân và xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tôi dự kiến sẽ mở rộng sản xuất vùng nhiên liệu trên diện tích 30ha, thu hút hơn 100 lao động, đồng thời liên kết với các chủ thể hợp tác xã các tỉnh phía Bắc, tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động, bổ sung thêm nhiều vùng nhiên liệu canh tác hữu cơ phục vụ thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Nâng chất lượng các sản phẩm từ OCOP 3 sao lên 4 OCOP 4 sao, 5 sao", chị Hương chia sẻ.

Với nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp của chị đã đạt chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Phú Thọ. Chia sẻ thêm về những khó khăn thách thức khi khởi nghiệp, chị Hương cho biết, kinh phí lúc ban đầu khởi nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chỉ đủ cho 1ha. Nhân công chỉ có 10 người được trả lương cứng. Kỹ thuật sản xuất kinh doanh còn sơ sài và bản thân chị chưa có kinh nghiệm như cải tạo đất, phòng sâu đục thân. Thời tiết khắc nghiệt, nước tưới tiêu bơm ở sông lên, bão, sạt lở gây thiệt hại nhiều cây dược liệu. Cùng với đó là thu hoạch không năng xuất, việc vận chuyển tập kết xa nhà xưởng sơ chế, chi phí đều bị đội giá lên, nguyên liệu bảo quản khó khăn.

Chị Hương tập huấn cho bà con về dược liệu

Chị Hương tập huấn cho bà con về dược liệu

Giai đoạn đầu, chị đầu tư 6,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân cho công nhân là 8 triệu đồng/người, công nhân thuê theo thời vụ là 350 nghìn đồng/ngày. Sau thời gian trăn trở, chị lo lắng mất ngủ nhiều đêm. Có quá nhiều trở ngại, khó khăn, cộng với chưa có nguồn thu, chi phí lại nhiều, chị tưởng chừng như không bước tiếp được. Suy đi tính lại, chị quyết định tăng thêm nguồn lao động cho công ty, mua thêm đất bãi để tăng diện tích vùng trồng, mở rộng vùng nguyên liệu lên đến 30ha.

Chị đã tuyên truyền, vận động người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng trồng cây dược liệu. Tổ chức tập huấn cho người dân về phương pháp trồng, chăm, thu hoạch cây dược liệu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chế biến cây dược liệu. Tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong canh tác kim ngân, sả, húng quế theo GACP. Liên kết và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo ổn định để người dân yên tâm canh tác.

Tâm huyết với dược liệu, chị Hương nhận được sự đồng hành của bà con. Thu nhập đã có thể bù chi và còn tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương tương đối cao và ổn định. Trong đó có 20 lao động cố định được đóng bảo hiểm xã hội. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ đơn thân, gia đình hộ nghèo của xã được hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Với sự tâm huyết, đam mê chăm sóc sức khỏe cho người dân, vì sức khỏe cộng đồng, chị Hương đã phủ xanh đất trống đồi trọc bằng dược liệu, tạo công ăn việc làm cho bà con. Đồng thời giúp người dân phát triển kinh tế song song với bảo tồn cây dược liệu quý ở vùng đất Phú Thọ.

Liên hệ: Chị Phan Thị Thanh Hương - Công ty cổ phần phát triển y học Hương Hồng Kông - Khu 4, Thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Số điện thoại: 0334698888

Trang bán hàng: https://mocquyhuong.com

Giá sản phẩm: từ 35.000đ đến 1.250.000đ

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lam-kinh-te-gan-voi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-nguon-duoc-lieu-cua-tinh-phu-tho-20240705205924461.htm
Zalo