Lam Kinh qua ống kính của các nghệ sĩ nhiếp ảnh
Không chỉ tạo ra những bức hình đẹp, nhiếp ảnh di sản còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn là cõi đi về, là niềm cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA).
Lam Sơn - Lam Kinh, quê hương của Anh hùng Lê Lợi, là vùng đất khởi nghiệp của vương triều Lê. Nơi tụ hợp hào kiệt bốn phương phất cờ khởi nghĩa do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo (1418). Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tiếp nối các vương triều Lý, Trần, đức vua Lê Thái Tổ đã chọn Thăng Long - Đông Đô là kinh đô của quốc gia Đại Việt (năm 1428) và cho đổi tên thành Đông Kinh vào năm 1430. Lam Sơn đổi tên thành Lam Kinh, được xây dựng trở thành sơn lăng, nơi thờ cúng các hoàng đế, hoàng thái hậu thời Lê sơ. Các vua đầu triều Lê sơ đã cho xây dựng nhiều cung điện tại đây. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, nhà vua và hoàng tộc đều về đây bái yết.
Năm 1962, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia; năm 2012, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Xuất bản hơn 10 cuốn sách ảnh, NSNA Trần Đàm không thể nhớ nổi số lần ông đến Khu Di tích Lam Kinh, chụp bao nhiêu bức ảnh. Bởi, năm nào cũng vậy, ngày tết, ngày lễ ông đều có mặt ở đây. Kể về thời kỳ cách đây hơn 20 năm, ông nói: 12 lần liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn, tôi có mặt ở Lam Kinh, vừa tìm hiểu các di tích, vừa ngắm các góc máy và chụp hết cuộn phim này đến cuộn phim khác, nhưng khi đưa cho NSNA Lê Phức, lúc ấy là Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam, xem đến đâu, ông lắc đầu đến đó. Yêu cầu của ông ấy đặt ra với tôi là phải thể hiện được ánh sáng, bố cục sao cho thật sự cổ kính.
Theo lời kể của NSNA Trần Đàm, rất may là đến bức ảnh “Hồn thiêng Lam Kinh” ông Lê Phức đã dừng lại. Lý do là bức ảnh ấy NSNA Trần Đàm đã bắt được khoảnh khắc ánh sáng “đậu” ngay trên không gian nhà bia. Về sau bức ảnh này được trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc, và đạt giải của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. “Mọi người đùa với tôi rằng, nhờ có vua Lê Thái Tổ độ mà bức ảnh này đạt được một số giải ở Trung ương, địa phương, và đặc biệt hơn là bán được nhiều bản in”.
Gần đây nhất, tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023, kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi, trong khi rất nhiều người chụp ảnh lễ hội, trò chơi dân gian, múa rồng, múa phượng, thì ông lại quan tâm đến những nhà báo đang tác nghiệp “hiện trường” Lam Kinh. Bức ảnh “Các nhà báo tác nghiệp ở Lễ hội Lam Kinh” đã đạt giải ba cuộc thi ảnh “Nét đẹp người làm báo Xứ Thanh”, năm 2023. “Chụp ảnh di sản không dễ, đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải am hiểu sâu sắc về đối tượng mình muốn ghi lại. Vì mỗi bức ảnh có trách nhiệm kể một câu chuyện riêng, một góc nhìn độc đáo về những di sản mà chúng ta có thể đã quen thuộc, nhưng lại được thể hiện qua lăng kính mới mẻ và đầy cảm xúc của người cầm máy”, NSNA Trần Đàm khẳng định.
Nghệ sĩ Lê Công Bình, hiện là Trưởng Ban Nhiếp ảnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khóa IV, nhiệm kỳ 2019-2024, đã dành khá nhiều thời gian để chụp ảnh về các lễ hội và những di tích văn hóa lịch sử của xứ Thanh. Bởi như anh chia sẻ, những giá trị xưa cũ, truyền thống có nguy cơ mất đi luôn cuốn hút ống kính của các NSNA, trong đó có anh. Trong mỗi bộ ảnh, anh quan tâm đến những con người đóng góp công sức gìn giữ, phát triển những nét đẹp độc đáo, tinh hoa của di sản. Tuy vậy, anh cũng khẳng định rằng: Chụp về Lam Kinh là rất khó. Hầu hết các góc nhìn dễ thể hiện đã có quá nhiều rồi. Việc tìm được cái mới, lạ trong số rất nhiều góc chụp của Lam Kinh là việc không dễ dàng. Làm sao để chỉ qua một vài góc ảnh mà có thể chuyển tải được tầm vóc của một di tích quốc gia đặc biệt đến với đông đảo công chúng thực sự đang thử thách nhiều tay máy.
Cách đây 8 năm, NSNA Lê Công Bình với tác phẩm “Múa Rồng ở Lễ hội Lam Kinh” đã đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2016. Bức ảnh thể hiện động tác bay lên của đôi rồng trong làn khói mỏng làm cho người xem hình dung được sự phát triển “Cá chép hóa rồng” của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng.
Là bác sĩ chuyên khoa mắt, “tay máy mới” Ngô Thanh An khá có duyên khi “ẵm” nhiều giải thưởng, trong đó có giải nhì tại triển lãm ảnh nghệ thuật “Về miền di tích, danh thắng xứ Thanh” năm 2022. Vượt qua hơn 700 tác phẩm của gần 110 tác giả, bộ ảnh “Lam Kinh mùa lễ hội” của Ngô Thanh An đã chinh phục ban giám khảo.
Nói về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Ngô Thanh An cho biết, anh đã đến nhiều lần, chụp cũng khá nhiều nhưng chưa ưng ý. Riêng với Lễ hội Lam Kinh, trong 3 năm gần đây anh đều tham dự với mong muốn sẽ tìm ra được những góc ảnh thể hiện được vẻ đẹp của khu di tích cũng như những di sản phi vật thể góp phần làm phong phú thêm giá trị của lễ hội.
Bộ ảnh “Lam Kinh mùa lễ hội” của Ngô Thanh An gồm 6 bức ảnh, thể hiện được không khí sinh động và đa sắc màu trong lễ hội. Đặc biệt, từng hình ảnh, từng nhân vật... với những bộ trang phục đã thể hiện phần nào những nghi lễ xưa, tái hiện được những sự kiện lịch sử lớn, từ đó khơi gợi tinh thần dân tộc, niềm tự hào về truyền thống văn hóa của vùng đất “địa linh nhân kiệt”...
Nói về sự liên quan giữa công việc thường ngày là bác sĩ thẩm mỹ mắt cho bệnh nhân và niềm cảm hứng sáng tác nghệ thuật, NSNA Ngô Thanh An cười nói: Tôi thường nói vui với mọi người rằng, tôi vẫn xem mỗi ca mổ thẩm mỹ cho bệnh nhân giống như một tác phẩm nghệ thuật. Và mỗi lần đi chụp ảnh tôi thường đặt tâm thế chuẩn bị dự thi hoặc tham gia triển lãm nào đó. Điều đó chỉ để thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chỉn chu với công việc và tác phẩm của mình, dù chưa biết có đạt giải hay không. “Thanh Hóa, nơi có bề dày lịch sử và nền văn hóa phong phú, đòi hỏi nghệ sĩ chúng tôi phải ghi chép, lan tỏa những giá trị di sản đến với công chúng. Chụp ảnh di sản bởi vậy không chỉ là mục đích nghệ thuật, mà còn thể hiện trách nhiệm và sự trân trọng đối với di sản của cha ông”, NSNA Ngô Thanh An, cho biết.
Có lẽ vì còn khá trẻ trong nghề nên từng góc máy của NSNA Ngô Thanh An cho người xem cảm nhận sẽ tươi mới, dễ rung chạm vào con tim và cảm xúc.
Nhiếp ảnh có đời sống ngôn ngữ riêng và là một kênh truyền thông mạnh mẽ trực tiếp đến nhiều người. Bởi, các tác phẩm ảnh không chỉ làm đẹp cho cuộc sống hôm nay, mà còn có giá trị tư liệu cho mai sau, thậm chí một số tác phẩm quý sẽ trở thành di sản ảnh, giúp quảng bá hình ảnh xứ Thanh với bạn bè trong và ngoài nước.